Băn khoăn: Ai sẽ bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm?

(PLO)- Ai sẽ bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm; cách nào để bảo vệ họ là những băn khoăn được lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành đưa ra tại hội thảo góp ý cho các dự thảo của Bộ Nội vụ. 

Sáng 28-3, tại TP.HCM, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý vào ba dự thảo các Nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung; cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách.

Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội nghị, với sự tham gia của lãnh đạo Sở Nội vụ của 20 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam.

Toàn cảnh hội nghị sáng 28-3. Ảnh: THANH TUYỀN

Ai bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm?

Nhiều ý kiến góp ý về dự thảo nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung được đưa ra bàn thảo tại hội nghị.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu Ngô Công Hầu cho rằng dự thảo nghị định về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung là điều tốt, khuyến khích cho các cán bộ có năng lực làm tốt hơn công việc của mình.

“Nếu không ban hành nghị định thì có người không dám sáng tạo, sợ sai, không dám làm. Vì lợi ích chung mà làm có hiệu quả tốt thì phải khuyến khích” - ông Hầu nói.

Dù vậy, ông cũng bày tỏ băn khoăn rằng ai sẽ bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm? Cách nào để bảo vệ họ?

“Nghị định là hay nhưng cách bảo vệ như thế nào để bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo cho tốt?" - ông đặt vấn đề.

Ông nêu: Văn bản chưa có mà mình muốn làm vì lợi ích chung thì cũng không biết làm sao để bảo vệ. Có những mô hình cụ thể, làm hàng năm, hàng tháng, hết nhiệm kì này thấy tốt, có hiệu quả thì khuyến khích làm tiếp. Đến nhiệm kì sau, người kế nhiệm làm nhưng kết quả không tốt như nhiệm kì trước thì lúc đó thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có bỏ qua điểm này không?

"Liệu có tính đến yếu tố vì lợi ích chung xét về điều kiện khách quan để xác định?”- ông Ngô Công Hầu nói.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang Nguyễn Minh Trí góp ý tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Cùng chung băn khoăn, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang, đề cập đến khía cạnh dám nghĩ, dám làm nhưng chưa dám triển khai, lúc triển khai đụng đến các vấn đề khác khó có thể thực hiện được.

Ông nêu thực tế tại địa phương, nếu không có sự tính toán thì lực lượng công chức của tỉnh sẽ bị già đi, không còn người trẻ.

Ngoài quy định của Bộ Chính trị, Thủ tướng về tỉ lệ giảm biên chế, tỉnh Hậu Giang tiếp tục giảm tương ứng theo số lượng. Lãnh đạo tỉnh muốn xây dựng một đề án để tạo nguồn cán bộ mới dựa theo thực tiễn của tỉnh nhà.

Ý tưởng của tỉnh này đưa ra là trong một tập thể, có thể có cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng số điểm của cá nhân đó được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí đánh giá hàng năm do tỉnh đưa ra có điểm thấp hơn người khác. Khi đó lại bị đưa vào đối tượng điều chỉnh tinh giản biên chế.

“Tỉnh muốn có cơ chế, Bộ Nội vụ đã ủng hộ nhưng lên cấp cao hơn thì có ý kiến là cần phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”- ông Trí nói và cho rằng, điều này khiến các ý tưởng chỉ nằm trên giấy, khó thể thực hiện được.

Ông cũng đề xuất có quy định, chế tài với trường hợp cá nhân có đề xuất ý tưởng sáng tạo nhưng lại không được thủ trưởng cơ quan chấp nhận.

Cùng đó, dự thảo cũng quy định là trong năm ngày báo cáo cấp có thẩm quyền để cá nhân bày tỏ ý tưởng là khó. Theo ông Trí, có những đề xuất liên quan đến cái chung của toàn tỉnh, phải thông qua Ban cán sự Đảng và Ban Thường vụ tỉnh ủy xem xét thì năm ngày là không đủ. Ông cho rằng nên quy định khung thời gian chứ không chỉ giới hạn trong năm ngày.

Nên khuyến khích cả hệ thống cùng tham gia sáng tạo

Đề cập đến khía cạnh trách nhiệm của cán bộ trong việc sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang Võ Tấn Hiền nhìn nhận các đề xuất, ý tưởng sáng tạo luôn có sự rủi ro thì cũng cần tính toán có nên xem xét trách nhiệm hay không.

"Ví dụ như miễn trách nhiệm dân sự, miễn trách nhiệm hành chính. Liệu chúng ta có thể vượt qua điều này và nghị định có điều chỉnh được hay không?"- ông Hiền gợi mở và cho rằng, đây là vấn đề mới sẽ luôn có phát sinh từ thực tiễn nên cần bổ sung, sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang cũng góp ý, việc khuyến khích sự năng động, sáng tạo không nên chỉ dưới hạn chỉ cán bộ lãnh đạo, quản lý. "Công chức ở vị trí khác muốn làm nhưng không có cơ chế thì tính sao?"- ông Hiền nói.

Theo ông, cần mở rộng đối tượng là cả công chức ở các vị trí khác; nên khuyến khích cả hệ thống chính trị, cán bộ, công chức, viên chức, kể cả người hoạt động không chuyên trách luôn, phải khuyến khích họ cùng làm.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu tham dự, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói đây là nghị định khó và mới. Cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm có những điểm khó khăn.

"Tuy nhiên khó mấy cũng phải làm, làm cho bằng được nhưng không cầu toàn. Cứ để thực tiễn tiếp tục chứng minh xem quy định có phù hợp, tiêu chí khuyến khích, bảo vệ đã ổn chưa, có đủ cơ sở chính trị, pháp lý để cán bộ năng động, sáng tạo hay không.

Từ đó, hoàn thiện dần để nâng lên mức độ văn bản pháp quy tốt hơn, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám đột phá " - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Bà cho biết sẽ tiếp tục báo cáo tiếp cho các cơ quan Tư pháp, Ủy ban kiểm tra, Ban Nội chính Trung ương, báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ... để hoàn thiện dự thảo này. Nếu cần thiết sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề thể chế hóa Kết luận 14, làm sao để đảm bảo chặt chẽ về mặt cơ sở chính trị, sự thống nhất và đồng thuận trong cả hệ thống chính trị, nhất là từ Trung ương để địa phương thực hiện.

Người đứng đầu ngành nội vụ cho biết sẽ cố gắng xây dựng một nghị định để bộ, ngành, địa phương sẽ căn cứ vào đó để cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Góp ý thêm, Giám đốc Sở Nội vụ Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Giàu, cho rằng khi cán bộ có ý tưởng đột phá thì cần có phương án để động viên cán bộ, người lao động, khi đó họ mới dám nghĩ dám làm.

Bà đề xuất cần xem xét, bổ sung thêm quy định nên có cơ quan, tổ chức để có thẩm quyền, thẩm định ý tưởng đổi mới sáng tạo này. Dựa trên cơ sở các đề xuất, các cơ quan đó thẩm định để thực hiện.

Cùng đó, cần có cơ quan thẩm tra độc lập về kết quả thực hiện nhiệm vụ để tạo chế độ chính sách khuyến khích cho anh em, tạo sự đồng bộ trong việc thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới