Bộ Nội vụ nêu một số 'định lượng' về cán bộ dám nghĩ, dám làm

(PLO)- Những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung sẽ được quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn hoặc vượt cấp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Nội vụ vừa gửi Sở Nội vụ các địa phương dự thảo lần 2 Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Cán bộ lợi dụng chủ trương sẽ bị xử lý nghiêm

Theo đó, dự thảo quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi chung phải đảm bảo một số nguyên tắc. Cụ thể, khuyến khích mọi cán bộ phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung nhưng phải trong phạm vi thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải được tiến hành kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch. Cán bộ có ý tưởng, cách làm mới, mạnh dạn đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn thì được khuyến khích và bảo vệ. Tuy nhiên việc này phải bảo đảm không trái Hiến pháp, Điều lệ Đảng.

Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, được cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện nhưng khi thực hiện xảy ra thiệt hại thì cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân, đánh giá toàn diện nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại.

Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Khi triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch hoặc để án đã được chấp thuận có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì miễn xử lý theo quy định.

Trường hợp cán bộ lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của nhà nước thì bị xử lý nghiêm theo quy định.

Cũng theo dự thảo, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung khi có đề xuất đổi mới, kế hoạch hoặc đề án được phê duyệt và triển khai thực hiện tạo sự chuyển biển, tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao thì được khuyến khích bằng nhiều hình thức.

Cụ thể, được tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị và được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Trong đánh giá hoàn thành nhiệm vụ cuối năm, được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Được ưu tiên, tạo điều kiện trong đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với cán bộ. Được quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn vị trí đang đảm nhiệm hoặc được bổ nhiệm, quy hoạch vượt cấp.

Cơ chế bảo vệ, khuyến khích cán bộ

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng nêu rõ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trường hợp cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm thì tùy theo tính chất, mức độ, người gây cản trở, gây khó khăn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Khi cán bộ thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, thực hiện thí điểm nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng, xử lý trách nhiệm trước pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định.

Chẳng hạn, cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất; cán bộ thực hiện đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hai xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại…

Cán bộ thực hiện đề xuất phải chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục thực hiện đề xuất.

Nếu cán bộ nếu có hành vi lạm dụng đề xuất được phê duyệt để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ Nội vụ, trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của không ít cán bộ còn nhiều khó khăn, trở ngại, vướng mắc. Nguyên nhân là do một số quy định chưa hoàn thiện, thậm chí nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn. Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định...

Điều này khiến cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí e ngại bị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật khi có khuyết điểm, vi phạm, hạn chế, thiếu sót.

Trong khi đó, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích đối với cán bộ và đặc biệt là thiếu các cơ chế để bảo vệ cán bộ trong những trường hợp quyết định sáng tạo, đột phá có sai sót.

Do đó, việc có quy định về vấn đề này là điều cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, tạo hành lang pháp lý để khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Đồng thời góp phần ngăn ngừa, xử lý cán bộ lợi dụng chủ trương trên để làm trái, vụ lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm