Phải rõ trách nhiệm để cán bộ tự tin dám nghĩ, dám làm

(PLO)-  "Chúng ta nói bảo vệ nhưng thực ra bảo vệ được bao nhiêu, bảo vệ được ai để đội ngũ cán bộ nhìn vào đó tự tin dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Phải rõ trách nhiệm trong xử lý kỷ luật, xử đúng người đúng việc, tâm phục khẩu phục”- bà Phạm Phương Thảo nói. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 9-12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chủ trì hội nghị đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Phải rõ trách nhiệm để cán bộ tự tin dám nghĩ, dám làm ảnh 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Phải rõ trách nhiệm trong xử lý cán bộ

Tham luận tại hội thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo nói thực trạng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị tại TP đến nay, trong bối cảnh chống dịch COVID-19 đã có nhiều điểm tốt, kinh tế- xã hội phục hồi tốt nhưng khó khăn, thử thách cũng nhiều.

Trong cảm nhận của mình, bà Phạm Phương Thảo nói những ngày đầu năm 2023, công việc của TP đã được triển khai tích cực nhưng còn chậm. Cần phải nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa bởi dự báo sẽ còn nhiều thách thức trong năm nay.

Bà Phạm Phương Thảo nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Bà Phạm Phương Thảo nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Bà nói đến các nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến các hạn chế hiện nay của TP. Trong đó, cơ chế chính sách không phù hợp, nhất là chính sách pháp luật còn chồng chéo khiến việc triển khai công việc bị ảnh hưởng.

"Sự chỉ đạo còn chung chung, sự tháo gỡ chưa đi vào cụ thể, nhiều câu hỏi từ dưới lên nhận được trả lời chung gây khó khăn cho cơ sở. Tình trạng này vẫn còn rất nhiều, tư tưởng lo ngại, không dám làm, làm sợ sai bởi vì làm sai thì sẽ bị xử lý theo cả dây chuyền, không rõ ai có trách nhiệm chính trong vấn đề này"- bà Phạm Phương Thảo nói.

Theo bà, để việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được sâu sát hơn, cần thực hiện việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở các cấp, không nói từ trên xuống hay từ dưới lên mà là ở tất cả các cấp.

"Phải phát huy dân chủ, dựa vào dân, xây gắn với chống, triển khai công tác giáo dục cho tốt; công tác kiểm tra, kỷ luật nghiêm; nêu cao trách nhiệm nêu gương, thực hiện tự phê bình cho tốt"- bà Thảo nêu ý kiến.

Về đề xuất cụ thể, bà nói cần có cơ chế, chính sách cụ thể, cái gì thuộc về thẩm quyền Trung ương thì mạnh dạn kiến nghị để Trung ương xử lý nhanh. Cùng với việc Trung ương ra nghị quyết 31, TP cũng cần có những kiến nghị sát sườn trong nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54.

"Cái gì thuộc thẩm quyền của TP thì TP mạnh dạn xử lý, có những vấn đề cần chủ động xin thí điểm để thuyết phục Trung ương. Từ những cơ sở thực tiễn, từ những thí điểm, chịu trách nhiệm của tập thể cấp ủy làm thí điểm thì trên cơ sở đó thuyết phục với Trung ương"- bà Phạm Phương Thảo nói.

Bà cũng cho rằng phải làm rõ trách nhiệm trong đánh giá, xử lý cán bộ.

"Không đổ lên cũng không đổ xuống, không xử lý theo dây chuyền. Vụ việc đó ai chịu trách nhiệm chính thì phải làm rõ"- bà nói và cho hay thực tế, có những vụ việc cấp trên chỉ đạo xuống nhưng sau đó cấp dưới bị xử lý, kỷ luật.

Vì vậy, phải xem xét quá trình, các ý kiến đề xuất như thế nào, cụ thể của ai chứ không thể "hễ ai có chữ kí thì chúng ta xử lý hết".

Bà Phạm Phương Thảo cũng nhấn mạnh đến việc mạnh dạn bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

"Chúng ta nói bảo vệ nhưng thực ra bảo vệ được bao nhiêu, bảo vệ được ai để đội ngũ cán bộ nhìn vào đó tự tin dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Phải rõ trách nhiệm trong xử lý kỷ luật, xử đúng người đúng việc, tâm phục khẩu phục”- nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cho hay.

Để làm được điều đó, bà cho rằng phải có sự lắng nghe ý kiến phản biện từ dưới lên, từ cán bộ cấp cơ sở thay vì chỉ triển khai từ trên xuống. Bà cũng nêu thực trạng thủ tục hành chính nhiêu khê, báo cáo giấy tờ “cột chân” cán bộ khiến cán bộ không có thời gian lắng nghe dân nên cần phải lắng nghe ý kiến của đội ngũ cán bộ bên dưới, từ các chuyên gia, từ các hiến kế của người dân.

Đề cập đến công tác quy hoạch cán bộ, bà nêu vấn đề: Cán bộ vào quy hoạch phải được bổ nhiệm, nếu không có trong quy hoạch thì có xem xét bổ nhiệm được không?.

Theo bà, quy hoạch là để đào tạo chứ không phải để bổ nhiệm. Có người ở trong diện quy hoạch quá lâu nhưng không được đề bạt, sau đó rút ra khỏi quy hoạch làm ảnh hưởng đến sự phấn đấu của cán bộ.

Vì vậy, công tác cán bộ phải đúng người, đúng việc để họ tâm phục khẩu phục. Cần phải quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo theo chức danh, cả cán bộ tham mưu.

Đồng thời, cần mạnh dạn đề nghị sửa đổi những quy định của Đảng không còn phù hợp với thực tiễn.

Cần chỗ dựa vững chắc cho cán bộ dám nghĩ, dám làm

Cùng tham gia ý kiến, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, khi nói dựa vào dân để xây dựng Đảng thì cũng cần đặt câu hỏi là độ tin cậy thực sự của chính quyền, cán bộ đối với dân như thế nào.

Từ thực tiễn công tác, bà thấy rằng một khi tổ chức, cá nhân đảng viên tin dân thì sẽ được dân tin.

“Chính lòng dân sẽ kiểm chứng lòng tin đó. Nếu nói tin dân mà ở những nơi nước sôi lửa bỏng, việc dân cần mà chúng ta không dám đến gặp dân, không giải quyết một cách thấu đáo cho dân những việc chúng ta có thể làm… Hãy đo đếm lại lòng tin của chúng ta với dân và của dân với chúng ta thông qua những việc làm cụ thể”- bà Quyết Tâm nêu ý kiến.

Phải rõ trách nhiệm để cán bộ tự tin dám nghĩ, dám làm ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng cần đồng bộ hóa giữa Kết luận 14 với các luật có liên quan để không bị chênh trong bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Ảnh: THANH TUYỀN

Song song đó, phải đánh giá cán bộ trên cơ sở giải quyết được những vấn đề người dân yêu cầu chứ không phải chỉ nhìn mặt lãnh đạo. "Không phải lãnh đạo nói gì làm theo đó, nói theo ý lãnh đạo, làm theo mong muốn của lãnh đạo mà phải làm theo “ý Đảng lòng dân” để tạo được sự tin cậy"- bà nói.

Nhắc đến Kết luận 14 của Bộ Chính trị, bà Quyết Tâm cho rằng cần đồng bộ hóa giữa Kết luận 14 với các luật có liên quan để không bị chênh, làm chỗ dựa vững chắc cho cán bộ khi thi hành nhiệm vụ.

Theo bà, cùng với việc tính toán hệ thống pháp luật thì phải thực hiện phân cấp cán bộ. Trong đó, Ban Thường vụ nắm cán bộ tới mức độ nào, phân cấp cán bộ ra sao để người đứng đầu tổ chức có vai trò nhất định. Người đứng đầu ở các cấp ủy, tổ chức Đảng, trong các cơ quan phải làm sao vừa có được sự uy tín, có sự thuyết phục, dẫn dắt được tổ chức, tập thể chứ “không phải là sự bằng mặt không bằng lòng”.

"Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm với cơ quan cấp trên về công việc, đội ngũ cán bộ của mình. Người lãnh đạo được anh em thương thì có thể làm thứ 7, chủ nhật hay bất cứ giờ nào"- bà nói và cho rằng, sự nêu gương đó phải bằng cái tâm, xuất phát từ tình cảm, có sức thuyết phục với đội ngũ.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải khẳng định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ then chốt, là công việc hệ trọng của Đảng; mang tính quyết định đến sức mạnh, uy tín của Đảng, sự phát triển bền vững của đất nước.

Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương đã xác định bước vào giai đoạn phát triển mới đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay. Từ đó, nâng cao trách nhiệm, tinh thần tự giác, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng…

Nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp và toàn thể cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị đại biểu tập trung thảo luận về những yêu cầu, giải pháp cụ thể trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý phát triển TP trong bối cảnh, điều kiện mới.

Các giải pháp cần cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời, gắn với việc thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy