Băn khoăn chuyện mua bán giấy phép dự án năng lượng tái tạo

Nhiều chuyên gia kinh tế đặt vấn đề, các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời,…) được cấp phép ồ ạt, nhanh, tranh thủ ưu đãi giá điện của Chính phủ. Chưa hết, nhiều dự án sau khi được cấp phép đã bị bán trao tay.

Chiều 4-5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại với các chuyên gia kinh tế, năng lượng về vận hành hệ thống điện quốc gia, gồm: TS Trần Đình Thiên, TS Ngô Trí Long, TS Nguyễn Minh Phong, TS Nguyễn Đình Cung, Phạm Chi Lan, TS Vũ Đình Ánh, TS Lê Đăng Doanh,… Đây cũng là dịp để EVN có cơ hội cung cấp thông tin, chia sẻ minh bạch nhiều vấn đề về thị trường điện với các chuyên gia.

Bà Phạm Chi Lan chia sẻ, gần đây, dư luận xôn xao, nghi ngại thông tin một số dự án điện năng lượng tái tạo được cấp giấy phép ồ ạt, rất nhanh. Nhiều chủ đầu tư lý giải họ muốn tranh thủ chạy nước rút hưởng chính sách ưu đãi giá điện tái tạo. Nhiều người ví von dự án điện tái tạo mọc lên như nấm hay bùng nổ điện tái tạo. Thậm chí có chủ đầu tư đã bán trao tay dự án ngay khi được cấp phép.

Bà Phạm Chi Lan đặt vấn đề: “Liệu các chủ đầu tư này có độ tin cậy và năng lực làm điện tái tạo không? Các dự án điện tương đối lớn được hưởng ưu đãi mà rơi vào tay các nhà đầu tư không đáng tin cậy thì gây ra những vấn đề gì, nhất là các dự án ở các vị trí nhạy cảm về quốc phòng?”.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế - EVN cho biết, theo quy định hiện nay, UBND cấp tỉnh sẽ phê duyệt dự án, xem xét năng lực nhà đầu tư năng lượng tái tạo. Thời gian qua, đa phần các dự án này do nhà đầu tư tư nhân tham gia, EVN chỉ là bên mua điện.

Sau khi ký kết hợp đồng mua bán điện, có nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án nhưng có nhà đầu tư thay đổi, chuyển nhượng bằng cách bán cổ phần, bán bớt phần vốn. “Bản chất là họ chỉ chuyển nhượng phần vốn, cổ phần chứ không bán hết dự án vì quy định hiện nay là yêu cầu chủ đầu tư thực hiện dự án ít nhất 20 năm”- Ông Khoa cho hay.

Lãnh đạo EVN đối thoại với các chuyên gia về hệ thống điện. Ảnh: TP

Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) thuộc EVN cho biết, vừa qua, thị trường điện có sự bùng nổ quá lớn nguồn cung năng lượng tái tạo, tỉ trọng điện năng lượng tái tạo đang ngày càng lớn trong tổng nguồn cung điện. Trong khi đó nguồn điện từ điện than, thủy điện có xu hướng giảm.

Cụ thể, năm 2020, sản lượng điện năng lượng tái tạo lên tới 21 tỉ kWh nhưng năm nay sẽ còn lên tới 32 tỉ kWh. Đáng chú ý, theo ông Ninh, sản lượng điện than, thủy điện trong năm nay sẽ giảm so với kế hoạch đầu năm.

Cụ thể, trong năm 2021, kế hoạch của EVN được Bộ Công Thương phê duyệt là sẽ huy động, sản xuất gần 126 tỉ kWh nhiệt điện than trong tổng số hơn 260 tỉ kWh của toàn hệ thống. Tuy nhiên, kế hoạch cập nhật đến hết tháng 4 -2021 cho thấy khả năng sản lượng điện than huy động năm nay sẽ giảm khoảng 8 tỉ kWh, tương đương giảm khoảng 6%. Không chỉ điện than, nguồn phát thuỷ điện cũng điều chỉnh giảm rất nhiều để nhường chỗ cho năng lượng tái tạo.

Theo lãnh đạo A0, hiện tượng thừa nguồn năng lượng tái tạo đang ảnh hưởng rất lớn đến việc điều hành hệ thống điện. Tác động lớn dễ thấy là gây quá tải đường dây nội miền; phụ tải chênh lệch giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm lớn... Trong khi đó, A0 vẫn phải cân đối để đảm bảo vận hành thị trường điện hoạt động bình thường; phải duy trì một lượng tổ máy truyền tống nhất định để đảm bảo dự phòng quay, công suất lúc cao điểm,…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm