Sở GTVT TP.HCM vừa đưa ra đề án mở làn đường ưu tiên cho xe buýt. Theo đó, làn ưu tiên sẽ được triển khai trên tuyến đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ (quận 3).
Cụ thể, lộ trình Điện Biên Phủ sẽ bắt đầu từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Lý Thái Tổ, dài 3,6 km; lộ trình Võ Thị Sáu sẽ bắt đầu từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Dân Chủ, dài 2,2 km. Thời gian ưu tiên cho xe buýt sẽ diễn ra vào giờ cao điểm và sẽ không cho xe cá nhân, xe máy chạy trong làn đường này trong khung giờ trên.
Lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học
Nếu như đề án được UBND TP phê duyệt thì làn đường ưu tiên sẽ được triển khai trong năm 2019. Việc triển khai làn đường ưu tiên này nhằm rút ngắn thời gian hành trình để hành khách đi học, đi làm được đúng giờ.
Rút kinh nghiệm từ xe buýt nhanh BRT Hà Nội, trung tâm đang nghiên cứu mở rộng thêm các phương tiện khác được di chuyển vào làn đường ưu tiên này như xe cứu thương, cứu hỏa, xe mini buýt, xe khách từ 12 chỗ trở lên...
Hiện nay người dân giảm đi xe buýt là do không đảm bảo thời gian hành trình làm trễ giờ đi học, đi làm… Do đó, trung tâm sẽ lựa chọn tuyến đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu có mật độ xe đông, trên đường có nhiều tuyến xe buýt lưu thông cần được ưu tiên để bảo đảm thời gian hành trình xe buýt, tạo thuận lợi, thu hút hành khách đi xe buýt.
Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP.HCM thuộc UBND TP cũng đã có đánh giá đồng ý với đề án tổ chức làn xe buýt ưu tiên trên đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ. Song hội đồng yêu cầu bổ sung làm rõ về tiêu chí chọn tuyến đường tổ chức làn đường riêng cho xe buýt để tránh xảy ra ùn tắc giao thông.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đang tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học ở Hội Cầu đường cảng TP.HCM thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật để hoàn chỉnh đề án.
Ông TRẦN CHÍ TRUNG, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM
Lo xe máy lấn làn ưu tiên
Công ty tôi ở đường Võ Thị Sáu nên nếu xe buýt đi nhanh thì tôi cũng sẽ lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển chính. Tuy nhiên, tôi cũng còn băn khoăn bởi lộ trình các tuyến kết nối còn kém. Ví dụ, khi tôi muốn trở về Bình Thạnh thì phải đi bộ ra đường Điện Biên Phủ hoặc phải lựa chọn một phương tiện khác, như vậy sẽ tốn kém và mất thời gian.
Bên cạnh đó, làn đường ưu tiên này nếu chỉ dùng vạch chỉ đường để phân cách các làn xe thì xe máy, các phương tiện khác sẽ lấn làn và lúc này không còn là làn đường ưu tiên nữa. Trường hợp lực lượng chức năng có xử lý các phương tiện cố tình lấn làn thì cũng gây nên tình trạng kẹt xe cục bộ.
Nếu đề án mở làn đường ưu tiên cho xe buýt được TP phê duyệt thì sẽ triển khai trong năm 2019. Ảnh: Đ.TRANG
Đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu vốn là hai tuyến đường kẹt xe nghiêm trọng vào giờ cao điểm. Nếu bỏ một làn cho xe buýt, nghĩa là tất cả phương tiện còn lại phải nhích từng chút một trên diện tích mặt đường còn lại. Như vậy, vào giờ cao điểm, hai tuyến đường trên sẽ gây kẹt xe cục bộ. Chưa kể các giờ cao điểm này, các xe máy lấn sang làn ưu tiên xe buýt thì giao thông còn hỗn loạn hơn.
Vì vậy, Sở GTVT cần xem xét những tuyến đường khác có đủ diện tích mặt đường, thông thoáng làm thí điểm trước. Khi thí điểm thành công, thực sự như mong muốn thì mới triển khai ở hai tuyến đường này cũng như trên diện rộng.
Anh ĐÀO VĂN HÙNG, tài xế taxi ở Nhà Bè
Nếu xây dựng làn đường dành riêng cho xe buýt mà không xây dựng thêm đường mới thì sẽ dẫn đến ùn tắc cục bộ. Bởi bao nhiêu năm nay bề mặt đường không có sự thay đổi, trong khi lượng phương tiện giao thông thì tăng lên gấp bội.
Xây dựng làn đường ưu tiên cho xe buýt là phương án để phát triển giao thông công cộng, là cơ sở để hạn chế phương tiện cá nhân.
Tuy nhiên, để làm được điều này thì hội đồng tư vấn giao thông đô thị cần phải khảo sát lượng xe cộ, mật độ, số lượng hành khách đi xe buýt để xây dựng làn xe ưu tiên này.
Trường hợp đề án này thất bại thì Nhà nước phải tính toán phương án mở rộng đường vì các sở, ngành đã làm hết cách.
TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM
Cần một bài toán tổng thể Ông NGÔ VIẾT NAM SƠN Việc xây dựng một làn đường dành riêng cho xe buýt ở trên thế giới đã làm rồi và họ đã thành công. Tuy nhiên, ở Việt Nam muốn thực hiện được thì còn phụ thuộc vào cách tổ chức của Sở GTVT. Bởi ở Việt Nam (đặc biệt ở TP.HCM) vốn coi nhẹ phát triển giao thông công cộng nên khi đưa vào hoạt động thì sẽ khó khăn bởi các tuyến đường ở TP.HCM đã luôn lâm vào tình cảnh kẹt xe rồi. Vấn đề đường nhỏ, hẹp chỉ là một phần nhỏ trong việc xây dựng làn đường ưu tiên bởi đường nhỏ hay to thì đều có giải pháp khắc phục. Ví dụ, sau khi đi hết tuyến đường Võ Thị Sáu hay Điện Biên Phủ thì người dân có thể lựa chọn các tuyến đường khác đi nhanh và tiện lợi như hai tuyến đường trên. Nếu làm được điều đó, người dân sẽ sẵn sàng bỏ xe cá nhân để sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Vấn đề đặt ra là Sở GTVT TP.HCM phải đưa ra một bài toán tổng thể, chi tiết để người dân thấy và ủng hộ, thay vì chỉ đưa ra hai tuyến đường riêng lẻ nói trên. Bởi có nhanh đi chăng nữa thì chạy hết hai tuyến đường này cũng phải dừng lại vì không có tuyến xe kết nối. Ông NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị |