Có nên dành làn ưu tiên cho xe buýt?

Sau gần tám tháng nghiên cứu đề án mở làn đường ưu tiên dành cho xe buýt, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đang lấy ý kiến chuyên gia và người dân trước khi thí điểm đề án này.

Giải pháp để tăng cường sử dụng xe buýt

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, cho biết sắp tới trung tâm sẽ triển khai hai tuyến xe buýt thí điểm là Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ nhằm đánh giá chất lượng, dịch vụ, thời gian di chuyển trong quá trình thí điểm đề án làn đường ưu tiên dành cho xe buýt.

Cụ thể, theo nghiên cứu, làn đường ưu tiên sẽ bắt đầu từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Lý Thái Tổ trên đường Điện Biên Phủ, dài 3,6 km và từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Dân Chủ trên đường Võ Thị Sáu, dài 2,2 km. Thời gian ưu tiên cho xe buýt sẽ diễn ra vào giờ cao điểm.

Sở dĩ chọn hai đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ làm làn đường ưu tiên vì đường đáp ứng 3-4 làn xe rộng; trục chính của giao thông công cộng; mật độ xe cao, số tuyến xe buýt di chuyển nhiều và không đảm bảo về thời gian.

Theo ông Trung, rút kinh nghiệm từ xe buýt nhanh BRT Hà Nội, trung tâm đang nghiên cứu mở rộng thêm các phương tiện khác được di chuyển vào làn đường ưu tiên này như xe cứu thương, cứu hỏa, xe mini buýt, xe khách từ 12 chỗ trở lên...

Còn nhiều ý kiến trái chiều trước thông tin thí điểm cho làn đường ưu tiên xe buýt trên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu. (Ảnh chụp ở đường Võ Thị Sáu) Ảnh: ĐÀO TRANG

Các xe khác sẽ đi đường nào?

Một số bạn đọc cho rằng với số lượng xe máy và các loại ô tô như hiện nay thì xe buýt đang bị vây quanh và không còn đường để di chuyển, rất cần làn ưu tiên để xe buýt di chuyển đảm bảo việc chạy nhanh, đúng giờ. Tuy nhiên, nhiều người còn băn khoăn với việc thí điểm.

Không đồng tình với đề án này, anh Đào Viết Giang, tài xế taxi ở TP.HCM, cho rằng đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ thường xuyên kẹt xe, nay phải dành một làn đường để ưu tiên xe buýt thì sẽ gây kẹt cục bộ. Việc để xe buýt chạy một làn ưu tiên đồng nghĩa với việc thu hẹp phần diện tích mặt đường dành cho xe máy, ô tô, vì vậy tình trạng giao thông càng thêm phức tạp. Đã vào giờ cao điểm mà còn ưu tiên cho xe buýt thì các phương tiện khác di chuyển từ trục đường chính đến các đường nhánh Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

Anh Nguyễn Huy Hoàng (quận 3) cũng cho rằng việc chọn thí điểm hai tuyến đường huyết mạch ở TP.HCM là khó khả thi. Anh Hoàng lý giải: “Đường ở TP.HCM khá nhỏ hẹp, nếu bỏ một làn đường dành cho xe buýt sẽ khiến tình trạng ách tắc giao thông càng trở nên nghiêm trọng. Việc mở làn đường ưu tiên nghĩa là chỉ kẻ vạch phân làn thì các phương tiện khác sẽ lấn qua lấn lại, rất khó điều tiết để các phương tiện khác không lấn qua làn xe buýt đang trống khi làn còn lại kẹt cứng”.

Bên cạnh đó, ý thức sử dụng phương tiện giao thông công cộng của dân ta còn yếu, không thể bỏ ngay xe máy mà đi xe buýt được. Vì vậy, Sở GTVT cần nghiên cứu, lấy ý kiến người dân trước khi đưa đề án này vào thực tế.

Cần lấy ý kiến người dân

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho biết nếu chỉ dựa vào số liệu rồi quyết định đề án đó có khả thi hay không thì rất khó, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như con người, phương tiện tham gia giao thông.

Theo TS Cương, ban đầu thực hiện đề án có thể gây ùn tắc trên nhiều tuyến đường liên quan, tuy nhiên cần mở đường cho xe buýt để phát triển giao thông công cộng. Trên thực tế, làn đường ưu tiên ở Hà Nội đã thất bại nhưng nếu không thực hiện đề án này để phát triển xe buýt thì sẽ còn nhiều nghi ngờ về tính khả thi. Chính vì thế, cần phải thí điểm làn đường ưu tiên, nếu khả thi thì nhân rộng; trường hợp thất bại thì cần rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, đơn vị thực hiện cần tiến hành khảo sát, lấy ý kiến người dân trước khi thực hiện thí điểm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…