Băn khoăn về đề xuất xử lý tài sản, vật chứng ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm

(PLO)- Đại biểu Quốc hội cho rằng giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm là chưa biết là có khởi tố hay không nhưng chúng ta đã xử lý tài sản từ lúc này thì sẽ gây nên nhiều vấn đề.

Sáng 30-10, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Có thể áp dụng ngay ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm

Báo cáo Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến đề xuất Nghị quyết này quy định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 và được thực hiện không quá 3 năm.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, trong đó có bốn nhóm biện pháp áp dụng đối với vật chứng, tài sản đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa.

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: PHẠM THẮNG

Một nhóm biện pháp áp dụng có tính chất “khẩn cấp tạm thời”, có thể áp dụng ngay ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm là “tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản”.

Viện trưởng VKSND Tối cao cho hay thí điểm biện pháp này nhằm ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản liên quan tội phạm ngay từ ban đầu, tạo một bước sớm để kiểm tra, xác minh, khi có đủ căn cứ, điều kiện thì áp dụng ngay các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa theo quy định.

Thực tế, cơ quan tố tụng đã đề nghị các cơ quan quản lý hành chính áp dụng biện pháp “tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản”; do đó cần quy định biện pháp này trong nghị quyết.

“Tin báo tố giác thì vô cùng, ghét nhau cũng tố giác, hiểu nhầm cũng tố giác…”

Nêu ý kiến, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH Đoàn TP.HCM) cho rằng việc xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự phải đạt được mục tiêu “đa chiều, phức hợp”. Theo đó, phải đạt hiệu quả cao, tránh lãng phí; không làm đình trệ các quan hệ thương mại, dân sự, trong đó có rất nhiều quan hệ liên quan đến nước ngoài. Đặc biệt, không ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân…

“Tôi không phản đối xây dựng nghị quyết này nhưng khi nghiên cứu, tôi thấy một số điểm rất băn khoăn”- ông Nghĩa nói và lo ngại làm không chặt chẽ sẽ gây ra vi phạm.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

“Mong muốn chúng ta thì tốt nhưng cuối cùng, chúng ta lại vi phạm pháp luật, vi phạm quyền lợi các bên có liên quan, cả bị hại, bị can, bị cáo cũng có thể bị ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp. Và tôi e ngại nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường chứng khoán của nước ta có nước ngoài tham gia, như các quỹ đầu tư lớn, các doanh nhân nước ngoài. Các tập đoàn lớn như Vingroup, Masan đều có cổ đông nước ngoài”- theo luật sư Trương Trọng Nghĩa.

Nêu ý kiến, vị ĐBQH đoàn TP.HCM nhắc tới quan hệ giữa nguyên tắc suy đoán vô tội và tài sản của những người bị tố giác, nghi can, bị can, bị cáo.

“Nghị quyết đề xuất áp dụng từ giai đoạn xử lý tin báo tố giác, trong khi nguyên tắc chung là khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án, người đó vẫn được đối xử như vô tội”- ông Nghĩa nhấn mạnh.

“Tố giác tức là tự nhiên có một đơn gửi đến cơ quan điều tra tố giác, Đây là quá trình xem xét từ tố giác này có đưa đến kết luận chuyển sang khởi tố hình sự hay không, tức là chưa biết là có khởi tố hay không nhưng chúng ta đã xử lý tài sản từ lúc đấy rồi”- ông Nghĩa nói.

Ông nhận xét: “Tin báo tố giác thì vô cùng, ghét nhau cũng tố giác, cạnh tranh nhau cũng tố giác, hiểu lầm cũng tố giác. Có những vụ án oan sai do xử lý tố giác, nhiều năm sau phải xin lỗi, lúc đó tài sản đã tiêu tán hết”.

Vị luật sư dẫn chứng một vụ điển hình ở TP.HCM là vụ án Liên Khui Thìn. Khi ông Liên Khui Thìn được ra tù, ông phải đi kiện rất nhiều vì tài sản trong quá trình xử lý hình sự bị người ta chiếm đoạt…

“Nghị quyết cần phân định rõ các biện pháp xử lý tài sản phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội và phù hợp với quyền định đoạt tài sản ở các giai đoạn khác nhau của quá trình xử lý hình sự”- vẫn lời ông Nghĩa.

Phát biểu sau đó, Phó Chánh án TAND Tối cao Dương Văn Thăng cũng đề nghị rà soát lại phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết. “Việc xử lý vật chứng giai đoạn tiền tố tụng cần rất thận trọng, bởi giai đoạn này chưa biết có khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không?”- ông Thăng nêu quan điểm.

Dự thảo Nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, gồm:

- Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý;

- Nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa;

- Cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng;

- Giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng;

- Tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

“Từng biện pháp đều quy định rõ nội dung, điều kiện áp dụng, thẩm quyền, đối tượng” – ông Nguyễn Huy Tiến cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới