Vận dụng chế định tín thác trong quan hệ đứng tên hộ bất động sản

(PLO)- Việc vận dụng chế định tín thác vào Việt Nam có thể xử lý một số trường hợp đặc thù như đứng tên hộ để mua bất động sản hoặc quản lý, khai thác tài sản của vợ chồng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-10, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “La fiducie - trust/fiducie - la possibilité d’application au Vietnam” - “Tín thác - trust/fiducie - khả năng ứng dụng tại Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc, PGS-TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho biết tín thác (trust) là một chế định quan trọng trong pháp luật của nhiều nước như Anh, Mỹ, Pháp… Công cụ này cho phép một người thực hiện được mục tiêu tài sản của mình thông qua vai trò của một người khác, góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự, khai thác và sử dụng tài sản hiệu quả.

can-van-dung-che-dinh-tin-thac-trong-phap-luat-dan-su-viet-nam- le-vu-nam.JPG
PGS-TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: SONG MAI

Theo PGS-TS Lê Vũ Nam, tại Việt Nam, các quan hệ tài sản có đặc điểm của tín thác tồn tại khá phổ biến trong thực tiễn đời sống dân sự như hôn nhân gia đình, ngân hàng, chứng khoán… nhưng vẫn chưa được quy định pháp luật điều chỉnh triệt để.

Điều này gây khó khăn trong việc điều chỉnh pháp luật và giải quyết các tranh chấp như nhờ người đứng tên tài sản giúp; ủy quyền quản lý nhà ở, đất đai trong giai đoạn vắng mặt của chủ sở hữu…

Do đó, Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận về những vấn đề của quan hệ tín thác, khảo sát kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.

Bà Priscille de Cambourg - Cán bộ phụ trách Hợp tác pháp luật, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam chia sẻ, giữa Pháp và Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác sâu rộng về pháp lý trong hàng chục năm qua.

"Trường ĐH Kinh tế - Luật là một đối tác quan trọng của Pháp trong việc triển khai các chương trình đào tạo về pháp lý. Hội thảo này là một phần trong quá trình hợp tác, tiếp tục thúc đẩy và khẳng định quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các bên" - bà Priscille de Cambourg nói.

can-van-dung-che-dinh-tin-thac-trong-phap-luat-dan-su-viet-nam.JPG
Bà Priscille de Cambourg - Cán bộ phụ trách Hợp tác pháp luật, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: SONG MAI

Tại hội thảo, Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện đã trình bày về trust (tín thác) do hệ quả (resulting trust - trust réversif) và khả năng vận dụng vào Việt Nam.

Theo đó, tín thác do hệ quả là tín thác được lập như là hệ quả của một sự kiện hoặc một hành vi mà trong đó chủ thể liên quan có tham gia vào việc chuyển giao tài sản một cách tự nguyện và hợp lệ nhưng không hề có ý định xác lập quan hệ tín thác với nhau. Quan hệ tín thác được xác lập giữa các bên và các bên phải chấp nhận điều này một cách ngoài ý muốn.

Tín thác do hệ quả hình thành một khi tư cách chủ sở hữu được thừa nhận theo luật cho một người do sự hợp lệ của hành vi hoặc sự kiện có tác dụng chuyển dịch tài sản cho người đó. Người có tư cách chủ sở hữu theo luật chỉ là người được ủy thác hoặc không đóng góp gì vào việc tạo ra giá trị của tài sản. Người này bị ràng buộc vào nghĩa vụ trao trả tài sản cho chủ sở hữu ban đầu hoặc người thật sự có đóng góp trong việc tạo ra giá trị của tài sản.

Lấy ví dụ, A (50 tuổi) muốn mua căn biệt thự dành riêng cho người từ 55 tuổi trở lên nên đã nhờ B (56 tuổi) đứng tên mua hộ. Trong trường hợp này, B là người đứng ra mua căn biệt thự và đứng tên chủ sở hữu, tuy nhiên B chỉ được coi là người nhận tín thác trong việc quản lý căn biệt thự vì lợi ích của người thụ hưởng là A.

Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Điện, việc vận dụng tín thác vào Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại do sự không tương thích đối với pháp luật. Tuy nhiên, có thể cân nhắc khả năng áp dụng tín thác do hệ quả để xử lý một số trường hợp đặc thù được ghi nhận trong thực tiễn Việt Nam như đứng tên hộ để mua bất động sản hoặc quản lý, khai thác tài sản của vợ chồng...

can-van-dung-che-dinh-tin-thac-trong-phap-luat-dan-su-viet-nam-1.JPG
Hội thảo khoa học quốc tế "Tín thác - trust/fiducie - khả năng ứng dụng tại Việt Nam" nhằm tạo diễn đàn để trao đổi về những vấn đề của quan hệ tín thác. Ảnh: SONG MAI

Đối với trường hợp đứng tên hộ mua bất động sản do người có tiền là người nước ngoài không thể tự mình đứng ra nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên phải nhờ người khác đứng tên thay… việc nhờ đứng tên hộ không phải là việc làm trái luật. Tuy nhiên, trong trường hợp người đứng tên hộ muốn chiếm đoạt tài sản thì người nhờ đứng tên hộ có thể gặp khó khăn trong việc bảo vệ các quyền lợi của mình.

Trong trường hợp người đứng tên hộ tự ý chuyển nhượng tài sản mà mình đứng tên hộ và thu được một số tiền, thì việc phân chia số tiền này được giải quyết theo án lệ số 02/2016 về tranh chấp quyền sở hữu nhà của người Việt Nam định cư nước ngoài nhờ người đứng tên hộ.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Điện cho rằng, sẽ tốt hơn nếu vận dụng mô hình tín thác vào trường hợp này. Khi đó, tài sản được tạo lập là tài sản thuộc tín thác, người đứng tên là người nhận tín thác (trustee) và có đầy đủ các quyền của chủ sở hữu, đồng thời có trách nhiệm quản lý tài sản vì lợi ích của người nhờ đứng tên hộ.

Khi đó, người quản lý tài sản có thể được nhận một khoản thù lao cho công việc của mình; mức thù lao do người lập tín thác quyết định hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên. Trong trường hợp không có thỏa thuận mà người lập tín thác yêu cầu người nhận tín thác giao trả tài sản nhưng người này không đồng ý với lý do chưa nhận được thù lao thỏa đáng thì mức thù lao do tòa án quyết định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm