Băn khoăn về một số trường hợp phạm nhân không được lao động ngoài trại giam

(PLO)-  Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 12 trường hợp phạm nhân không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Các ý kiến tại hội trường đều tán thành đề xuất của Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tổ chức thí điểm hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Tuy nhiên, trong số 12 trường hợp không đưa phạm nhân ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, một số đại biểu (ĐB) băn khoăn về trường hợp “người tổ chức trong vụ án đồng phạm”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn TP.HCM). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn TP.HCM). Ảnh: quochoi.vn

ĐB Nguyễn Thanh Sang (Đoàn TP.HCM) cũng nhận xét quy định trên là “bất hợp lý trong áp dụng chính sách hình sự”. Phó viện trưởng VKSND TP.HCM phân tích theo quy định của BLHS, đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Khi xét xử một vụ án hình sự có đồng phạm, HĐXX sẽ đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo để đưa ra mức hình phạt phù hợp với vai trò của từng bị cáo.

Ông Sang nhấn mạnh: Người tổ chức trong vụ án thuộc trường hợp ít nghiêm trọng khác với thuộc trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Ông dẫn chứng, người tổ chức trong vụ án trốn thuế, mức cao nhất pháp luật quy định chỉ đến ba năm tù, trong khi người tổ chức trong vụ án giết người mức hình phạt cao nhất đến tử hình.

“Tôi chỉ so sánh hai tội danh đó cũng đã thấy rằng sự phân hóa rất lớn”- ông Sang nói.

Mặt khác, người tổ chức trong vụ án ít nghiêm trọng, theo quy định của dự thảo, lại nặng hơn đối với người thực hành, người giúp sức trong vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội trốn trại, mức hình phạt trên chỉ ba năm nhưng người thực hành trong vụ án cướp tài sản, hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiếp dâm, giết người, mức hình phạt tuyên bảy năm, 15 năm vẫn được hưởng chính sách đưa ra ngoài trại giam, lý do họ không phạm tội với vai trò tổ chức.

“Đây là một sự bất hợp lý. Nếu không sửa sẽ tạo nên bất bình đẳng”, ông Sang nói.

Để thống nhất áp dụng chính sách hình sự, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM cũng đề nghị sửa dự thảo theo hướng quy định: “Người tổ chức trong vụ án đồng phạm thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng”, tức là thu hẹp phạm vi chỉ người nào phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng mới áp dụng quy định này.

“Như thế mới có phân hóa tội phạm và góp phần thống nhất trong áp dụng pháp luật”- ông Sang nhấn mạnh.

Kiến nghị của ông Sang cũng tương tự như đề xuất của ĐB Lê Tất Hiếu (Đoàn Vĩnh Phúc).

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị ban soạn thảo quan tâm đến “độ tuổi”. “Ở đây phải xác định là độ tuổi lao động” - ông Tạo nói và lưu ý cần quy định rõ nam, nữ theo độ tuổi lao động được quy định tại Bộ luật Lao động.

Ngoài ra, ĐB Tạo cũng băn khoăn về trường hợp “đang xếp loại chấp hành án phạt tù ‘Trung bình’ hoặc ‘Kém’”. Theo ông, thực tế có trường hợp phạm nhân cải tạo tốt nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự do hoàn cảnh đặc biệt, không thể khắc phục được những chế tài về dân sự trong bản án hình sự. Những trường hợp này thường bị xếp loại ‘trung bình’ hoặc ‘kém’ và theo quy định của dự thảo sẽ không có cơ hội để tham gia lao động bên ngoài trại giam.

ĐB Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) lại quan tâm đến quy định không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi. “Để đảm bảo chính sách pháp luật hình sự đối với người chưa thành niên đó là hướng thiện, nhân văn và thân thiện, tôi đề nghị cân nhắc phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên lao động, hướng nghiệp và đi học ngoài trại giam”- bà Thu đề nghị.

Bộ trưởng Tô Lâm: Sẽ tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết

Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thực tế chưa có phạm nhân về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh để thực hiện thi hành án ở trong các trại giam của ta. Dự thảo dự liệu trường hợp này do dự kiến những phạm nhân chấp hành án về điều này thì đều có “yếu tố quốc tế”.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: quochoi.vn

Về các điều điều kiện khác như có từ hai tiền án trở lên, tội phạm nguy hiểm, người tổ chức trong đồng phạm, theo Bộ trưởng Bộ Công an, đây là những phạm nhân có thâm niên xấu, có tính chất, mức độ tội phạm nguy hiểm, cần phải quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ trong các trại giam.

Về đối tượng phạm nhân là người dưới 18 tuổi, ông Tô Lâm cho hay, theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019, những phạm nhân này phải được bố trí giam giữ riêng. Cạnh đó, việc tổ chức lao động dạy nghề, thực hiện chế độ chính sách cho những đối tượng này phải có sự khác biệt so với các vi phạm nhân khác.

“Dưới 18 tuổi có chế độ đặc biệt riêng. Các trại giam phải tổ chức các hoạt động giáo dục, cải tạo riêng đặc thù như tổ chức dạy văn hóa... Chúng tôi đề nghị không đưa số này đi lao động thí điểm ngoài trại tạm giam”- Bộ trưởng Bộ Công an nói.

Cũng theo ông Tô Lâm, Luật Người cao tuổi 2009 quy định người cao tuổi là những người đủ 60 tuổi trở lên. Công tác quản lý giáo dục đối với phạm nhân là người 60 tuổi trở lên cũng phải có những biện pháp phù hợp với tình trạng sức khỏe, tâm lý của người cao tuổi.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, các cơ quan có liên quan khác để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết này để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những phạm nhân thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

b) Có từ 02 tiền án trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Người tổ chức trong vụ án đồng phạm;

đ) Người nước ngoài;

e) Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

g) Người dưới 18 tuổi;

h) Người đủ 60 tuổi trở lên;

i) Người bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần không đủ sức khỏe để lao động được y tế của trại giam xác nhận;

k) Đang xếp loại chấp hành án phạt tù “Trung bình” hoặc “Kém”;

l) Đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ, trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc.

Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm