Băn khoăn việc điểm danh học lý thuyết lái ô tô

Sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo các trung tâm đào tạo lái ô tô lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết áp dụng đầu tháng 5, đã có nhiều ý kiến phản biện về biện pháp điểm danh này.

Giám sát như học sinh phổ thông

Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng việc Tổng cục ĐBVN quy định giám sát thời gian học lý thuyết môn pháp luật giao thông đường bộ (GTĐB) là những điều kiện ràng buộc chưa hợp lý, thiếu khoa học. Ngoài ra, việc này sẽ khiến học phí tăng cao vì phải đầu tư trang thiết bị không cần thiết.

Ông Quản cũng cho rằng việc giám sát học viên như tập trung điểm danh tại cơ sở giống học sinh phổ thông có thể khiến người dân muốn tham gia học lái xe để chuyển đổi nghề nghiệp, cũng như các cơ sở đào tạo có tâm lý bất an.

Trước đó, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Tổng cục ĐBVN phản biện về vấn đề này. Hiệp hội này khẳng định điều này chưa phù hợp với điều kiện cho các học viên là cán bộ, công nhân viên, người lao động đang làm việc giờ hành chính. Việc học lý thuyết có thể có nhiều cách áp dụng như các phương pháp đào tạo, giảng dạy trực tuyến, giảng dạy từ xa, giảng dạy trên mạng…

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho biết qua nghiên cứu văn bản của Tổng cục ĐBVN thì mục đích của những yêu cầu này là nhằm đảm bảo an toàn giao thông. “Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông liên quan nhiều yếu tố như đường sá, phương tiện, thời gian làm việc, thời tiết, tâm lý người lái xe... Lái xe là một ngành nghề chủ yếu dành cho tầng lớp lao động bình dân nên thiết nghĩ cơ quan chức năng nên nghiên cứu càng tinh giản thủ tục hành chính càng tốt, thay vì đòi hỏi khá gắt gao như hiện nay” - ông Tính nói.

Còn theo anh Thanh Nhật (quận 8), người chuẩn bị học bằng lái ô tô hạng B2, với công nghệ hiện đại ngày nay, để tăng tiện ích, đồng thời hỗ trợ một cách tốt nhất cho người học thì việc học lý thuyết nên triển khai nhiều phương pháp để người dân có chọn lựa phù hợp cho mình. “Tôi cũng tranh thủ thời gian rảnh đi học. Học thực hành thì tất nhiên phải giám sát kỹ, còn việc học lý thuyết có thể học online, trực tuyến với các giáo trình thiết kế sinh động để người dân dễ tiếp cận hơn” - anh Nhật nói.

Một buổi sát hạch giấy phép lái xe tại trung tâm sát hạch lái xe Hóc Môn. Ảnh: L.THY

Chờ áp dụng thực tiễn

Theo giám đốc một cơ sở đào tạo, sát hạch trên địa bàn TP.HCM, chương trình kiểm soát giờ học lý thuyết của học viên sẽ bắt đầu được áp dụng từ tháng 5, vì thế thời điểm hiện tại khó nhận xét được đúng sai của quy định này.

Thực tế cho thấy phải áp dụng trong thực tiễn mới biết được cái khó ở đâu và thay đổi hay tiếp tục thực hiện. Hiện tại các cơ sở đào tạo đã bắt đầu có phương án chuẩn bị, nhưng để trang bị một phần mềm kiểm tra, giám sát dấu vân tay cũng cần thời gian tìm hiểu. Một số đơn vị mời chào loại máy này có giá khoảng 120 triệu đồng.

Tuy nhiên, vị giám đốc này cũng cho biết thêm, thông tư quy định về quản lý của Nhà nước đã ban hành, các đơn vị đào tạo trực thuộc Bộ GTVT phải theo đó để thực hiện. “Việc chấp hành về quản lý nhà nước đều có lý do của nó, trường hợp có khó khăn chúng tôi sẽ kiến nghị. Nếu quy định này không hợp lý thì đã có những ý kiến trái chiều lúc ban hành dự thảo. tuy nhiên, khi bộ trưởng đã ký quyết định ban hành thì thực hiện trách nhiệm là của các cơ sở đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe” - vị giám đốc cơ sở đào tạo phân tích.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, hiện nay hiệp hội nhận được nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải cho thấy số lượng tài xế thiếu trầm trọng, dẫn đến doanh nghiệp thường xuyên hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, thậm chí bán xe, phá sản.

“Chúng tôi kiến nghị các cơ quan hữu quan nên nghiên cứu sửa đổi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động tham gia chuyển đổi nghề nghiệp trong việc học tập lý thuyết, thực hành. Cơ quan chức năng cũng cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, người học trong thời buổi đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19” - văn bản của hiệp hội kiến nghị.

Đình chỉ tuyển sinh đào tạo lái ô tô cơ sở không chấp hành

Thông tư 38/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, quy định việc lắp đặt, thời gian lưu trữ, thời gian lắp đặt thiết bị theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật GTĐB đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng B1) tại các cơ sở đào tạo lái ô tô.

Tổng cục ĐBVN yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái ô tô hoàn thành việc ứng dụng công nghệ để nhận dạng, theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật GTĐB đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng B1). Theo đó, việc lắp đặt thiết bị hoàn thành trước ngày 20-4 để kiểm tra, thử nghiệm và chấp thuận hoạt động chính thức trước ngày 1-5.

Trường hợp sau ngày 1-5, cơ sở đào tạo lái ô tô chưa hoàn thành việc ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học theo quy định trên, Tổng cục ĐBVN đề nghị Sở GTVT đình chỉ tuyển sinh đào tạo lái ô tô theo quy định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm