Ông James Hieu Nhon Khuu, Giám đốc Công ty Koyu & Sunitek (Bình Chánh, TP.HCM), cho biết ông cảm thấy bất lực khi không thể xuất khẩu sản phẩm thịt gà sang thị trường tiềm năng Nhật.
“Phía đối tác Nhật sau khi đã kiểm tra, giám sát quá trình nuôi, giết mổ, chế biến đóng gói của doanh nghiệp (DN) đã đồng ý mua hàng và cơ quan thú y nước này cũng đã chấp thuận. Tuy nhiên, vì nhiều thủ tục liên quan đến thú y và xuất khẩu Việt Nam không thể đáp ứng nên mọi kế hoạch xuất khẩu vẫn dở dang” - ông Hieu nói vẻ buồn bã.
Bất khả thi
Lâu nay sản phẩm thịt gà đông lạnh của Việt Nam muốn xuất khẩu sang Nhật là bất khả thi vì theo ông James Hieu Nhon Khuu, tiêu chuẩn thú y của Nhật rất chặt chẽ. Vì vậy, công ty đã chọn làm sản phẩm thịt gà đã qua xử lý nhiệt (thịt có thể ăn liền hoặc có thể đem chiên, hấp, nấu chín…). Để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, công ty đã hợp tác với các DN Nhật để họ hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật theo sát quy trình.
Ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn nhưng khi tìm được thị trường thì lại gặp khó vì thủ tục. Ảnh: QUANG HUY
“Đáng tiếc là đến nay chúng tôi vẫn chưa xuất khẩu được” - James Hieu Nhon Khuu nói.
Vì sao vậy? Ông Hieu cho rằng cái khó thứ nhất là Việt Nam - Nhật chưa ký kết hiệp định công nhận thú y lẫn nhau. Điều này rất khó để thịt gà Việt Nam có thể xuất sang Nhật. Để giải quyết khó khăn trên, DN đối tác Nhật đã báo cáo với cơ quan thú y nước họ hỗ trợ, họ đồng ý và gửi các câu hỏi yêu cầu phía Việt Nam trả lời. Ví dụ như về dịch tả, phía Nhật đề nghị thú y Việt Nam cho biết cách quản lý dịch, công bố vùng dịch… Có điều hiện tại phía Nhật vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Khó khăn thứ hai là Việt Nam vẫn chưa cấp mã vạch xuất khẩu quốc tế cho sản phẩm gia cầm, do đó không thể xuất khẩu được. “Đây là yêu cầu của các nước nhập khẩu, tức cần có mã vạch quốc tế cho sản phẩm gia cầm thì họ mới có thể áp thuế, kiểm soát thông tin” - ông Hieu chia sẻ.
Ông James Hieu Nhon Khuu cho biết thêm công ty ông từng nhận được lời mua hàng từ New Zealand nhưng ông đã chọn Việt Nam. Đáng buồn là Việt Nam lại chưa đáp ứng những yêu cầu trên nên đành chịu. Đồng thời, cơ quan thú y cũng không hướng dẫn hoặc trả lời cụ thể cho DN được rõ.
Đại diện một DN chăn nuôi khác cũng có kế hoạch xuất khẩu thịt sang một số thị trường có nhu cầu tiêu thụ thịt cao như Hàn Quốc nhưng thấy không khả thi về thủ tục nên đã dừng lại. Hiện DN này chỉ tập trung cho thị trường trong nước dù rất khó khăn.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay hiện nay để xuất khẩu thịt cần đáp ứng về chất lượng rất ngặt nghèo từ phía nước nhập khẩu. Tuy vậy, ông Dương thừa nhận: “Một lý do quan trọng thịt Việt Nam chưa thể xuất khẩu vào một số nước như Nhật là do chúng ta chưa ký kết hiệp định hợp tác về thú y và kiểm dịch động vật với các nước đó”.
Tại sao Thái Lan xuất khẩu được?
Khi chúng tôi kể câu chuyện khó khăn của DN trên, một lãnh đạo trong ngành thú y nói muốn xuất khẩu thịt vào thị trường nào đòi hỏi nhiều thủ tục phải triển khai. Việc các DN có xuất khẩu được thịt heo vào thị trường này hay không còn phụ thuộc vào đánh giá từ cả hai phía Việt Nam và nước nhập.
Cụ thể, trong quá khứ Việt Nam từng xuất khẩu thịt heo sang Nga và Hong Kong. Sau đó do Việt Nam bị dịch bệnh lở mồm long móng nên họ dừng nhập khẩu. Còn xuất khẩu sang Nhật, hiện tại Việt Nam vẫn chưa ký kết hợp tác thú y giữa hai nước. Riêng với trường hợp Công ty Koyu & Sunitek phải xem xét lại cụ thể.
Trong khi đó, ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, đặt vấn đề: “Tại sao Thái Lan là một trong những quốc gia bị cúm gia cầm nhưng họ vẫn xuất khẩu thịt gia cầm hàng đầu và họ vẫn đang cung cấp thịt gà cho Nhật với giá rất cao?”.
Lý do là nhờ họ có vùng an toàn dịch bệnh đã được Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) công nhận. Việt Nam cần phải nhanh chóng xây dựng những vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, được công nhận. Đồng thời, cần tiến hành nhanh việc đàm phán với các nước để ký kết các hiệp định về thú y.
Ông Long đánh giá: “Đây chính là những điều kiện quan trọng để tính tới chiến lược xuất khẩu, không chỉ cho giai đoạn trước mắt mà còn lâu dài về sau”.
Mặt khác, theo ông Long, nếu nước nhập khẩu đồng ý nhập thì Việt Nam cần tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho DN đẩy mạnh xuất khẩu. Trong khu vực, các nước đang phát triển mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ có nhu cầu sử dụng thịt rất lớn. Đây là cơ hội lớn của các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, xuất khẩu sản phẩm động vật sang các thị trường này. Chưa kể những thị trường khó tính nhưng thiếu thịt như Nhật, Hàn Quốc.
Có thể cạnh tranh với Thái Lan Sau Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA) được ký kết đã mở ra cơ hội cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta vào thị trường này, trong đó có sản phẩm chăn nuôi. Nga hiện đang có nhu cầu tiêu thụ thịt được đánh giá rất lớn. Đây chính là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thịt heo, gia cầm vào thị trường này. Song song đó, Việt Nam cũng cần kiểm soát xuất khẩu thịt heo tiểu ngạch sang Trung Quốc, giảm các chi phí về thú y, phí giao thông thì khi đó giá sản phẩm mới có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác như Thái Lan. Ông ÂU THANH LONG, Phó Chủ tịch |