Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao ký kết quy chế phối hợp

(PLO)- Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao việc ký kết quy chế phối hợp giữa Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-4, Thành ủy TP.HCM phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị trao đổi thông tin và ký kết quy chế phối hợp giữa Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao.

Tham dự hội nghị có ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Về phía TP.HCM có ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy TP, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

60% số dự án được triển khai nhờ có hợp tác quốc tế

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định TP.HCM luôn xác định trách nhiệm là trung tâm lớn về kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục... và là đầu mối hội nhập, giao lưu quốc tế. Trong quá trình phát triển, TP luôn coi trọng công tác đối ngoại.

Ông Mãi thông tin TP đã thiết lập quan hệ với 54 địa phương quốc tế ở tất cả châu lục, ký 66 văn bản hợp tác. Hàng năm, TP đón khoảng 140 đoàn vào và chủ trì, tổ chức khoảng 40 sự kiện đối ngoại. Lãnh đạo TP hàng năm tiếp khoảng 400 cuộc khách quốc tế và tham dự hơn 100 hoạt động đối ngoại.

Đại diện Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao trao đổi quy chế phối hợp

Đại diện Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao trao đổi quy chế phối hợp. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

“Không có hợp tác quốc tế thì khoảng 60% dự án tại TP không thể hoạt động được. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của công tác đối ngoại với sự phát triển của TP” - ông Mãi nhấn mạnh.

Ông Phan Văn Mãi cho biết trong thời gian tới, TP xác định ngoại giao kinh tế là trọng tâm, nâng cao chất lượng hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác trên cơ sở có chọn lọc, xác định rõ trọng tâm để đem lại kết quả thiết thực, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Với mục tiêu phát triển hoạt động ngoại giao, thu hút nguồn lực từ bên ngoài, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất TP.HCM cùng Bộ Ngoại giao tiếp tục xây dựng chiến lược đối ngoại, trong đó xác định rõ trọng tâm, lĩnh vực phối hợp.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Sơn cũng khẳng định Bộ Ngoại giao sẳn sàng hỗ trợ, giúp đỡ TP xây dựng, làm sâu sắc, mở rộng mạng lưới quan hệ với các địa phương, đối tác quan trọng, cũng như đẩy mạnh chia sẻ thông tin hai chiều giữa Bộ Ngoại giao và TP.

Về việc thúc đẩy hợp tác trong vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xã hội, ông Sơn cho biết Bộ Ngoại giao sẵn sàng phối hợp với TP để mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư và khoa học công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đề xuất TP đẩy mạnh việc kết nối và huy động nguồn lực từ kiều bào như kiều hối, nhân lực. Ông Sơn nhấn mạnh Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP.HCM để phát triển và xây dựng TP.

Nguồn lực chia sẻ và hỗ trợ với TP.HCM

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định cần nhận thức rõ vai trò, vị trí của TP.HCM trong Nghị quyết 21, Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị.

Theo ông Nên, yếu tố ngoại giao, đối ngoại, hợp tác quốc tế, mở cửa và hội nhập tại TP.HCM rất cao. Bí thư Thành ủy cho rằng nguồn lực từ ngành ngoại giao trong việc xây dựng và phát triển TP là rất quan trọng.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận hội nghị

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Đánh giá về quy chế phối hợp giữa Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, ông Nên khẳng định việc ký kết có ý nghĩa quan trọng. Ông đánh giá: “TP nghĩ rằng bên cạnh mình còn có nguồn lực khác để chia sẻ, hỗ trợ”.

Bên cạnh đó, việc ký kết quy chế phối hợp còn thể hiện sự quan tâm, phối hợp của Bộ Ngoại giao, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của TP.HCM, cho thấy sự ý thức trách nhiệm của Bộ Ngoại giao đối với sự phát triển của TP và tăng trách nhiệm hơn giữa hai bên.

Trong giai đoạn tới, ông Nên đề nghị cần thường xuyên sơ kết rút kinh nghiệm để bổ sung, nâng cao chương trình hợp tác chất lượng, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao và TP.HCM có thể phối hợp chuyển đổi số với quyết tâm chính trị cao nhất, xây dựng kế hoạch chương trình thực hiện cụ thể.

Bí thư Nguyễn Văn Nên trao quà lưu niệm TP.HCM gửi tặng cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Bí thư Nguyễn Văn Nên trao quà lưu niệm TP.HCM gửi tặng cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Trước đó, chiều ngày 25-4, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có buổi làm việc với Sở Ngoại vụ TP.HCM.

Tại buổi làm việc, ông Sơn đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của tập thể Sở Ngoại vụ trong thời gian qua. Đồng thời chỉ đạo Sở Ngoại vụ tiếp tục nỗ lực triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch đối ngoại của Bộ và TP.HCM trong giai đoạn tới, đặc biệt là công tác ngoại giao kinh tế.

“Cán bộ, công chức Sở Ngoại vụ phải tiếp tục đoàn kết, nhất trí, tận tâm, tận lực, không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân” - ông Sơn nhấn mạnh.

7 nội dung của bản Quy chế phối hợp

1. Phối hợp chỉ đạo các cơ quan liên quan trong quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

2. Phối hợp nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác đối ngoại.

3. Thường xuyên trao đổi thông tin tổng hợp, báo cáo tình hình khu vực và thế giới, tình hình chính trị, kinh tế - văn hóa - xã hội có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TP, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật nhằm quản lý hoạt động đối ngoại tại TP.

4. Phối hợp chỉ đạo triển khai đón tiếp các đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc tại TP. Tăng cường trao đổi thông tin để tổ chức tốt, hiệu quả các đoàn lãnh đạo TP đi thăm, làm việc hoặc tham dự các hoạt động ở nước ngoài.

5. Phối hợp chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả đối với công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại..., tham vấn, trao đổi thông tin huy động nguồn lực quốc tế và chỉ đạo Sở Ngoại vụ tham mưu, điều phối hiệu quả quan hệ kinh tế song phương và đa phương, công tác hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác quốc tế cấp địa phương của TP.

6. Chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi lãnh đạo của hai bên nghiên cứu, tham mưu các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất…

7. Phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ trên tinh thần chủ động, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm, tăng cường bảo vệ cán bộ và tạo điều kiện thuận lợi cho Sở Ngoại vụ và cán bộ của Sở thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Ngoại giao, của Thành ủy và UBND TP; đồng thời xử lý dứt điểm các vấn đề phát sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm