Bán tuyến xe khách, bán luôn xã viên

Từ bốn năm qua, Hợp tác xã Xe khách Liên tỉnh, Du lịch và Dịch vụ Thống Nhất (HTX Thống Nhất) được Sở GTVT TP.HCM giao quyền khai thác tuyến xe khách liên tỉnh cố định từ ga hành khách quận 8 (TP.HCM) - Bến xe thị xã Gò Công (Tiền Giang) và ngược lại.

Tuy vậy, gần đây, ông Hồ Văn Hưởng - Chủ tịch HĐQT HTX Thống Nhất đã “bán” tuyến xe trên cùng các thành viên (luật cũ gọi là xã viên) đang khai thác tuyến này cho một đơn vị khác.

Bán trước, báo sau

Trước đó, đầu tháng 6-2015, HTX Thống Nhất thông tin cho các xã viên sẽ chuyển đổi tuyến xe đò trên thành tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề không trợ giá. Nếu được chạy xe buýt thì được dừng, đậu ở nhiều nơi trên tuyến, lượng khách tăng lên, doanh thu sẽ cao hơn… Vì vậy, muốn chuyển đổi thì mỗi đầu xe phải lo “chi phí” với mức 100 triệu đồng/xe. Do việc chuyển đổi này không thành nên xã viên KA (là một trong số những người đã đưa tiền) được ông Hưởng trả lại 100 triệu đồng mà ông đã nhận.

Sau đó, HTX Thống Nhất “bán” tuyến này cho HTX Xe khách Liên tỉnh Miền Tây (HTX Miền Tây). Trong văn bản gửi Sở GTVT (ngày 20-7), HTX Thống Nhất nêu đã bàn bạc, thống nhất chuyển nhượng quyền khai thác tuyến lại cho HTX Miền Tây. Từ ngày 3-8, việc chuyển nhượng giữa hai HTX đã được tiến hành. Tuy vậy, ông Hưởng nhìn nhận với Pháp Luật TP.HCM, sau khi có văn bản chấp thuận của Sở GTVT thì ông mới thông báo cho các thành viên, nhà xe đang khai thác tuyến.

Ông Hưởng cho hay thương vụ này ông thu về 500 triệu đồng. Song ông nói: “Nói tôi bán tuyến là không đúng mà phải gọi chính xác là chuyển nhượng quyền khai thác tuyến. Khi chuyển nhượng thì người mua phải trả cho tôi các khoản chi phí ban đầu khi đi mở tuyến và tiền đầu tư khai thác tuyến suốt bốn năm qua. Lấy bao nhiêu cho đủ bù chi phí mở tuyến ư? Hồi đó ôm cả đống bạc, đi hàng chục lần, mỗi lần là “tiêu hao sạch” nên khó biết được tổng chi mở tuyến là bao nhiêu”.

 
Xe khách chạy tuyến quận 8 - Gò Công từ HTX Thống Nhất nay đã chuyển sang HTX Miền Tây. Ảnh: LƯU ĐỨC

Bán tuyến là sai

Theo Luật HTX 2012, việc ra khỏi hoặc gia nhập HTX là quyền tự nguyện, tự quyết của các thành viên. Vậy nhưng khi bán tuyến, HTX Thống Nhất đã “bán” cả thành viên theo phương thức “bàn giao nguyên căn, nguyên cư số phương tiện (chín xe), thành viên (sáu người) sang HTX Miền Tây. “Không những họ bán tuyến chúng tôi đang khai thác mà họ còn “bán” cả các thành viên. Chúng tôi là con người, là thành viên HTX chứ có phải là tài sản… thuộc HTX Thống Nhất đâu mà họ muốn là bán” - một thành viên HTX Thống Nhất bức xúc.

Trước thắc mắc này, đại diện HTX Thống Nhất khẳng định: “… luồng tuyến là của đơn vị vận tải…”. Tuy vậy, theo ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT, tuyến cố định là tuyến vận tải hành khách được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công bố. Mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng tuyến giữa các đơn vị vận tải là trái pháp luật. “Tuyến không phải là tài sản, quyền tài sản của đơn vị vận tải nên họ không được sang nhượng, mua bán” - ông Đức khẳng định.

Nhưng ông Đức cũng nhìn nhận cán bộ thụ lý đơn (xin bán) của HTX Thống Nhất đã không để ý đến câu chữ “sang nhượng tuyến” mà HTX Thống Nhất đã dùng nên đã tham mưu và Sở GTVT ra văn bản chấp thuận. Đúng ra nếu đơn vị khai thác tuyến không có nhu cầu hoặc không đủ năng lực quản lý, khai thác nữa thì cơ quan chức năng sẽ thu hồi để giao quyền khai thác tuyến cho đơn vị khác. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại liên tục của người dân. Tóm lại, “việc HTX Thống Nhất cho rằng luồng tuyến là của họ và có quyền chuyển nhượng quyền khai thác tuyến là sai. Do vậy, Sở GTVT sẽ kiểm tra lại sự việc, nếu xác định có việc mua bán, chuyển nhượng tuyến thì sẽ có biện pháp xử lý phù hợp” - ông Đức nhấn mạnh.

Chỉ là… sang nhượng

Trong văn bản gửi Sở GTVT TP.HCM, tôi ghi rõ: “HTX Thống Nhất bàn giao nguyên căn, nguyên số phương tiện, thành viên tuyến này sang HTX Miền Tây”. Sở chấp thuận thì HTX Thống Nhất triển khai đến các thành viên. Còn khi qua bên HTX Miền Tây các thành viên HĐQT bên đó có làm thủ tục gia nhập và chấp thuận gia nhập theo tinh thần tự nguyện của Luật HTX không là chuyện của bên đó.

Trước đó, tôi có lấy tiền của các thành viên HTX để có chi phí lo việc chuyển đổi tuyến xe khách liên tỉnh cố định trên thành tuyến xe buýt. Không thể nói xin “chay” mà được chấp thuận. Đến khi mở tuyến không thành, tôi đã trả lại cho bà KA 100 triệu đồng. Còn dư luận cho rằng tôi lấy 200 triệu đồng là không đúng. Chứng cứ đâu?

Ông HỒ VĂN HƯỞNG, Chủ tịch HĐQT HTX Thống Nhất

Chúng tôi không bán tài

Ngày 3-8, HTX Miền Tây “lấy” tuyến của HTX Thống Nhất là để chuẩn bị cho việc cầu Mỹ Lợi (thay cho phà hiện hữu) nối thông quốc lộ 50 từ TP.HCM qua Long An tới Gò Công, Tiền Giang. HTX Miền Tây phải trả chi phí mở tuyến và thời gian khai thác tuyến cho HTX Thống Nhất. Nhưng sau khi nhận tuyến, nếu chúng tôi bán tài, cho thêm xe vào khai thác thì các xã viên cũ sẽ phản ứng vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Được biết HTX Thống Nhất còn nợ tiền phí bến bãi hơn 100 triệu đồng. Họ phải trả khoản này. Việc HTX Thống Nhất mất khả năng chi trả hay ông Hưởng chi tiêu hết tiền phí bến bãi là việc của họ. Chúng tôi chỉ đóng phí bến bãi từ tháng 8-2015, sau khi nhận bàn giao tuyến, xe và xã viên.

Ông NGUYỄN LƯƠNG SƠN, Giám đốc HTX Miền Tây

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm