Bằng chứng ngoại phạm vụ 'cướp xuyên không'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-3, TAND tỉnh Hậu Giang sẽ tuyên án phúc thẩm (lần ba) vụ Huỳnh Hữu Nhơn (34 tuổi, ngụ thị trấn Rạch Gòi, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cướp tài sản. Sau nhiều phiên tòa, đến nay có thể khẳng định bị cáo Nhơn bị oan rất rõ.

Một vụ án truy xét

Theo hồ sơ, khoảng 16 giờ ngày 17-4-2016, tại xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang xảy ra vụ cướp. Nạn nhân là anh Nguyễn Hoàng Ngân bị cướp túi xách chứa 1,35 triệu đồng cùng 15 tờ vé số. Sau khi anh Ngân báo công an xã, Trần Văn Rồi bị bắt. Rồi khai đi cướp cùng Nhơn. Vì vậy, cả Nhơn và Rồi bị khởi tố. Rồi đã chấp hành xong bản án 3,5 năm tù; còn Nhơn sáu năm qua miệt mài kêu oan.

Đây là vụ án truy xét, không phải bắt quả tang nên cơ quan tố tụng buộc tội chủ yếu căn cứ vào lời khai của bị hại, bị cáo Trần Văn Rồi và người làm chứng (nhưng không tận mắt chứng kiến vụ cướp). Tuy nhiên, những lời khai được dùng để buộc tội lại rất lỏng lẻo, nhiều điểm mâu thuẫn. Đa số người làm chứng đều khai chỉ thấy Rồi (trên đường, không phải thấy lúc đang thực hiện hành vi cướp) chứ không thấy Nhơn. Nói chung là không có lời khai nào thể hiện thấy Nhơn tham gia cướp với Rồi, trừ lời khai của Rồi. Tuy nhiên, những lời khai của Rồi lại không rõ ràng, đầy mâu thuẫn.

Một trang trong cuốn sổ ghi chép thuê nhân công mà bà Phạm Thị Thu Hương (người thuê Nhơn lái ghe chở mía) nộp cho tòa. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Về phía Nhơn, ngay từ đầu bị cáo này đã kêu oan, bảo mình không tham gia cướp. ngày xảy ra vụ cướp, Nhơn đang làm thuê (chở mía) ở Kiên Giang, cách hiện trường vụ án 100 km.

Chứng cứ ngoại phạm quá thuyết phục

Việc Nhơn làm thuê ở Kiên Giang (vào thời điểm xảy ra vụ cướp ở Hậu Giang) được nhiều người ở Kiên Giang đứng ra làm chứng, trước sau họ khai như một, thuyết phục, rõ ràng. Những người làm chứng này là vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Nam và bà Phạm Thị Thu Hương (thuê Nhơn lái ghe đi chở mía), ông Phạm Văn Lương (người ghi sổ nhân công vác mía), ông Dương Hoài Sơn (người thu tiền bến khi ghe mía đi qua).

Tại tòa, vợ chồng ông Nam - bà Hương đưa ra cuốn sổ ghi chép thể hiện thời điểm đó Nhơn đang làm thuê cho họ. Trong cuốn sổ này, có một trang ghi “GHE NHƠN, ngày 10/3/16AL”, trong đó có ghi tên nhiều người vác mía cho ghe mà Nhơn lái cùng số tiền công phải trả...

Tại tòa, ông Nam khai: “Chiều tối 9-3-2016 (âm lịch), Nhơn và em trai tôi đã chạy ghe về tới, em tôi lên bờ, còn Nhơn ở lại ghe. Ngày 10-3 bắt đầu xuống mía. Đáng lẽ ghe của Nhơn đi rồi nhưng do thiếu mía, Nhơn mới xin cho chở thêm để kiếm thêm tiền nên mới kéo dài đến chiều 11-3 âm lịch Nhơn mới đi. Quyển sổ chỉ ghi ngày 10-3 bởi vì chúng tôi thường chỉ ghi ngày xuống mía đầu tiên”.

Ông Nam, bà Hương nói họ có thói quen xài lịch âm nhưng khi đối chiếu lại lịch dương thì ngày 11-3 âm lịch nhằm ngày 17-4 dương lịch (ngày xảy ra vụ cướp ở Hậu Giang).

Theo ông Nam, quãng đường từ bãi mía ở Kiên Giang đến Nhà máy đường Vị Thanh (Hậu Giang) khoảng 100 km. Thời điểm đó, đường (đường bộ) đi rất khó, nhỏ và nhiều ổ gà. Còn đường thủy di chuyển rất lâu, trường hợp ghe chở mía nổi (nhẹ) thì chạy khoảng 12 tiếng, còn ghe chở khẳm (đầy) thì chạy đến 20 tiếng.

Ông Phạm Văn Lương thì khai ông được vợ chồng ông Nam thuê làm nhiệm vụ ghi lại công vác mía cho nhân công. “Chiều 9-3 (âm lịch), ghe của Nhơn đã về tới bãi mía nhưng trời tối nên không xuống mía. Đến ngày 10-3 Nhơn mới xuống mía, đến khoảng 15 giờ ngày 11-3 thì Nhơn chạy ghe đi. Tôi có ghi vào sổ công vác mía nên nhớ rõ” - ông Lương trình bày.

Tương tự, ông Dương Hoài Sơn cũng cho rằng khoảng 3 giờ chiều 17-4-2016 (tức ngày 11-3 âm lịch), Nhơn đóng tiền bến cho ông rồi mới chạy ghe đi. “Sở dĩ tôi nhớ được chính xác ngày tháng vì tôi là chủ bến thu tiền ghe, hỗ trợ các xuồng ghe qua đập và canh độ mặn để báo cáo cho Sở NN&PTNT. Đó cũng là chuyến ghe cuối cùng của mùa mía. Vào cuối mùa, chúng tôi thường tổ chức ăn uống, chia tay nhau nên tôi nhớ rất rõ. Đó là tất cả những gì tai tôi nghe, mắt tôi thấy” - ông Lương nói chắc nịch.

Vì sao gọi là vụ “cướp xuyên không”?

Vụ án này ngay từ đầu Pháp Luật TP.HCM đã phân tích, cho rằng có dấu hiệu oan. Với những chứng cứ thuyết phục, chúng tôi cho rằng khi xảy ra vụ cướp ở Hậu Giang, Nhơn đang làm thuê ở Kiên Giang, cách nhau cả 100 km. Vì thế, bị cáo Nhơn chỉ có thể “xuyên không” mới thực hiện được vụ cướp cùng với Rồi.

Bản án sơ thẩm lần một, hai và ba của TAND huyện Phụng Hiệp đều tuyên phạt Nhơn bốn năm tù. Trần Văn Rồi bị phạt ba năm sáu tháng tù và đã chấp hành án xong. Chỉ có Nhơn thì suốt sáu năm qua quyết tâm kêu oan.

Trong vụ này, có điều lạ là ngay từ đầu, vợ chồng nhân chứng Nguyễn Hoàng Nam và Phạm Thị Thu Hương đã khai về cuốn sổ ghi chép nhưng phải đến phiên tòa phúc thẩm lần ba này họ mới tin tưởng giao cho tòa. Hy vọng với bằng chứng ngoại phạm thuyết phục này, phán quyết của tòa sẽ chính thức minh oan cho Nhơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm