Ngày 18-3, TAND tỉnh Hậu Giang mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm (lần ba) đối với Huỳnh Hữu Nhơn (34 tuổi, ngụ thị trấn Rạch Gòi, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) bị cáo buộc tội cướp tài sản.
Tại phiên toà hôm nay, Nhơn tiếp tục kêu oan cho rằng ngày 17-4-2016, Nhơn đang chở thuê mía ở Kiên Giang chứ không tham gia cướp với Trần Văn Rồi ở Hậu Giang như cáo buộc.
Huỳnh Hữu Nhơn tại toà. Ảnh: HD
Đa số các nhân chứng đều khẳng định ngày 17-4-2016, Nhơn đang chất mía ở Kiên Giang đến khoảng 14 giờ đến 15 giờ mới bắt đầu chạy ghe đi nhà máy đường Vị Thanh (Hậu Giang).
Cụ thể, ông Phạm Văn Lương nói rõ chuyến mía của Nhơn bắt dầu từ ngày 9-3 (âm lịch) đến chiều 11-3 (âm lịch) Nhơn mới chạy ghe đi. Khi được toà hỏi vì sao biết rõ ngày tháng thì ông Lương cho biết “Tôi có sổ ghi nhân công vác mía nên biết rõ. Tôi có thói quen sử dụng lịch âm nhưng đối chiếu lại lịch dương thì rõ ngày”.
Tương tự, ông Dương Hoài Sơn cũng khẳng định khoảng 3 giờ chiều 17-4-2016 (tức 11-3-2016 âm lịch), Nhơn đóng tiền bến cho ông rồi mới chạy ghe đi. “Đúng là tôi có thói quen xài lịch âm nhưng tôi đối chiếu lại lịch dương thì đúng là 17-4-2016 Nhơn ở bãi mía. Đây tôi trình bày đúng những gì tai nghe, mắt thấy”, ông Sơn khẳng định.
Nhân chứng Dương Hoài Sơn khẳng định lời khai của mình là chính tai nghe mắt thấy. Ảnh: HD
Đặc biệt là vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Nam và Phạm Thị Thu Hương (thuê Nhơn chở mía) đã làm tờ tường trình nhờ các nhân chứng khác tên xác nhận ngày 17-4-2016 Nhơn đang chở mía ở Kiên Giang nhằm gỡ tội cho Nhơn. Tại phiên toà, bà Hương cũng đã nộp sổ ghi chép gốc cho toà xem xét.
Nói về tờ tường trình, bà Hương khai tờ tường trình là do ông Nam ghi và bà đem đến đọc và cho các nhân chứng khác biết.
Nhân chứng Phạm Thị Thu Hương. Ảnh: HD
Bà Hương nộp sổ ghi chép (sổ gốc) các chuyến mía cho Hội đồng xét xử.
Ảnh: HD
“Tờ tường trình chồng tôi ghi dựa vào sổ ghi chép can mía mà tôi đã ghi. Sổ ghi chép là ngày âm lịch nhưng khi vợ chồng tôi đối chiếu lại lịch thì phù hợp. Thấy Nhơn có dấu hiệu bị oan nên vợ tôi mới có ý định làm tường trình. Khi đem đến các nhân chức tôi cũng có nói rõ cho các nhân chứng nghe là ai còn nhớ ngày xảy ra vụ án Nhơn có ở bãi mía thì ký tên giúp Nhơn minh oan. Tôi cũng nói rõ là tôi ghi sổ ngày âm lịch nhưng đối chiếu dương lịch là phù hợp cho mọi người nghe”.
“Lúc toà chuẩn bị xử lần một, tôi có nghe công an nói là sẽ mời tôi ra toà làm chứng nhưng khi xử lại không thấy mời. Sau khi tuyên án, Nhơn làm kháng cáo kêu oan thì tôi mới hay xử rồi. Thấy Nhơn bị oan nên tôi mới làm tờ tường trình”, ông Nam khai.
Nhân chứng Nguyễn Hoàng Nam. Ảnh: HD
Nhân chứng Sơn và Lương cũng cho biết có đối chiếu lại lịch dương đúng mới ký tên vào tường trình. Còn nhân chứng vác mía thuê khác cũng cho biết có thấy Nhơn ở bãi mía vài khoảng 3 giờ chiều mới rời đi nhưng không nhớ ngày tháng năm.
Ông Lê Bá Dõng khai có quen biết Rồi vì Rồi là học trò, ông cũng không thấy Rồi đi với ai.
Toà nghỉ trưa, chiều sẽ tiếp tục phiên xét xử.