Thông tin đáng chú ý trên được các đại biểu Quốc hội ngành tư pháp nêu tại phiên thảo luận về các báo cáo của cơ quan tư pháp. Ngoài những thành tích, nhiều ý kiến cũng đã nêu ra thực trạng và khó khăn mà ngành tòa án đang phải đối mặt.
Tạm dừng bổ nhiệm 33 thẩm phán
Báo cáo trước Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay thực hiện quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND và bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán, TAND Tối cao đã tạm dừng bổ nhiệm lại 33 thẩm phán; không xem xét bổ nhiệm lại 10 thẩm phán; cách chức một người. Đồng thời qua thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tòa tối cao đã xử lý kỷ luật 43 công chức do vi phạm.
Ông Bình thừa nhận ngành tòa án còn một số hạn chế, thiếu sót như tỉ lệ giải quyết các vụ án hành chính và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao. Cạnh đó còn trường hợp áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chưa chính xác; xác định chưa đúng, chưa đầy đủ các thành phần tham gia tố tụng…
Các hạn chế, thiếu sót nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan do số lượng án thụ lý tiếp tục tăng mạnh và tính chất ngày càng phức tạp. Cạnh đó một số cơ quan, tổ chức chưa phối hợp, thậm chí chưa làm hết trách nhiệm với tòa trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định, tham gia định giá tài sản, thực hiện ủy thác tư pháp… Về chủ quan, còn một số thẩm phán, công chức tòa án thiếu trách nhiệm và kinh nghiệm, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng nên có vi phạm và hiệu quả công tác chưa tốt.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của TAND Tối cao. Năm 2019, TAND các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới trong hoạt động xét xử và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2018, tiếp tục đạt và vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Trong kỳ báo cáo chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, theo bà Nga vẫn còn 107 trường hợp phải hủy án và 275 trường hợp phải sửa án do nguyên nhân chủ quan và 81 trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định. Cạnh đó, qua khảo sát, một số tòa địa phương phản ánh số lượng kháng nghị giám đốc thẩm của TAND cấp cao đối với bản án của tòa cấp huyện ít hơn nhiều so với trước đây khi thẩm quyền này thuộc TAND cấp tỉnh.
Bà Đào Tú Hoa (trái) và bà Trịnh Ngọc Thúy phát biểu. Ảnh: ML
Đã tinh giản 1.401 người
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng cho hay công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự tiếp tục được các tòa án triển khai thực hiện nghiêm túc. TAND Tối cao đã xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Theo đó tính đến ngày 30-9-2019, tòa án các cấp đã tinh giản 1.401 người nhưng TAND các cấp hiện vẫn thiếu biên chế và các chức danh tư pháp.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ TAND Tối cao Đào Tú Hoa (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) chỉ ra bất cập khi số lượng các loại vụ việc hằng năm tăng, trong khi biên chế hơn 15.200 người được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ từ năm 2012. Bà Hoa so sánh: “Tại thời điểm đó, tòa án các cấp chỉ phải giải quyết hơn 303.800 vụ việc/năm. Đến nay số lượng vụ việc tăng gấp đôi so với thời điểm được giao biên chế và theo dự báo thì số lượng án sẽ tiếp tục tăng”.
Cũng theo bà Hoa, đến năm 2021, ngành tòa án phải thực hiện tinh giản tối thiểu 10%. Theo định mức xét xử mỗi thẩm phán chỉ 4-5 vụ/tháng nhưng thực tế mỗi người phải giải quyết 9-10 vụ/tháng, nhiều tòa là hơn 10 vụ/tháng. Có nhiều vụ án lớn hàng trăm người tham gia tố tụng được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, hồ sơ vụ án cân nặng hàng tạ, với hàng ngàn bút lục. Do vậy bà đề nghị có sự cân nhắc thấu đáo về chỉ tiêu tinh giản biên chế đối với ngành tòa án.
Bà Hoa đề nghị Quốc hội không ấn định chỉ tiêu trong nghị quyết mà giao cho chánh án TAND Tối cao chủ động căn cứ vào đặc điểm cụ thể của ngành trong từng năm để triển khai nhiệm vụ và giải quyết đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng xét xử.
Bà Hoa cho hay: “Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mỗi cán bộ tòa án phải chịu áp lực quá lớn, công việc quá nhiều, chế độ đãi ngộ quá thấp đã dẫn đến việc trong 10 tháng gần đây đã có 51 thẩm phán xin nghỉ việc”.
Thiếu thư ký tòa trầm trọng Phát biểu tại nghị trường, Phó Chánh án TAND TP.HCM Trịnh Ngọc Thúy phán ánh thực tế tại TP.HCM, một thẩm phán quận mỗi tháng phải giải quyết trên 10 vụ án. Bà Thúy nói: “Biên chế giảm nhưng vẫn phải bổ nhiệm thẩm phán dẫn đến tình trạng thiếu thư ký trầm trọng. Hiện nay một thư ký tòa án ở TP.HCM phải giúp việc cho ba thẩm phán. Các phiên họp đưa người đi cai nghiện, thẩm phán này phải làm... thư ký cho thẩm phán kia”. Bà Thúy cho biết TAND TP.HCM không xin tăng biên chế nhưng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên biên chế được phân bổ cho TP và được chủ động điều động thẩm phán sơ cấp, trung cấp thuộc mình quản lý. TAND TP.HCM đã nhận rất nhiều đơn xin nghỉ việc của thẩm phán và thư ký do quá tải công việc và áp lực trách nhiệm trong khi chế độ đãi ngộ tiền lương không phù hợp. Biết rằng ngân sách nhà nước đang khó khăn nhưng với mức lương hiện nay thì cán bộ tòa không đủ để trang trải cuộc sống. “Chúng tôi chỉ cho thư ký nghỉ việc, còn thẩm phán chỉ cho nghỉ trong trường hợp bệnh nặng. Các trường hợp khác thì động viên và giải quyết cho nghỉ lần lượt vì cũng không có đủ kinh phí để trả thôi việc một lần. Nhưng những người này thường làm việc một cách cầm chừng, gây ảnh hưởng không tốt đến công việc chung của tòa án. Tuần vừa rồi cũng có một chánh án quận xin nghỉ việc, đây là lần thứ hai chánh án này xin nghỉ” - bà Thúy nói. |