Bảo hiểm cháy nổ: Tiểu thương tự bơi

Khoảng 60 tiểu thương ở Trung tâm Thương mại (TTTM) Hải Dương mừng phát khóc khi họ biết đã được một ngân hàng mua bảo hiểm cháy nổ. Số là khi họ đi vay tiền, ngân hàng tự động trích một khoản tiền để mua bảo hiểm cháy nổ mà họ không biết.

Theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, TTTM là một trong số các cơ sở phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nhưng nhiều cơ sở chưa thực hiện việc này. Ở TP.HCM, có đến hơn 2.300 cơ sở thuộc diện mua bảo hiểm cháy nổ, trong đó có hơn 240 chợ, siêu thị, TTTM nhưng cách thực hiện việc mua bảo hiểm mỗi nơi mỗi khác.

Phần hàng hóa, ít người mặn mà

Tuy nhiên, ở nhiều nơi thực tế phần hàng hóa trong các chợ, TTTM chưa được lưu tâm mua bảo hiểm cháy nổ.

Chúng tôi đến một số chợ như Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chợ Gò Vấp, chợ Phạm Văn Hai… nhiều tiểu thương cho biết họ không biết đến việc mua bảo hiểm hàng hóa. Nếu có biết họ cũng không mua vì mua bán ế ẩm, đã đóng đủ loại phí… Ở các chợ lớn như Bến Thành, An Đông, Tân Bình… nhiều tiểu thương cũng không mua bảo hiểm hàng hóa.

Bảo hiểm cháy nổ: Tiểu thương tự bơi ảnh 1

Hàng hóa bên trong TTTM Hải Dương hóa tro bụi sau vụ cháy. Ảnh: T.PHÚ

Trong khi đó, các TTTM lớn ý thức được việc mua bảo hiểm hàng hóa bên trong nên ngoài chuyện chủ đầu tư các TTTM mua bảo hiểm cho mình thì họ còn buộc tiểu thương phải mua bảo hiểm cháy nổ cho phần tài sản nếu muốn vào trung tâm đó kinh doanh.

Theo một doanh nghiệp (DN) kinh doanh mỹ phẩm tại Thương xá Tax, trong hợp đồng, Thương xá Tax buộc DN phải mua bảo hiểm cháy nổ nên DN phải mua. Tương tự, bà Triệu Thị Hương Giang, Phó Tổng Giám đốc TTTM Zen Plaza, trung tâm cũng buộc tiểu thương mua bảo hiểm khi vào thuê để kinh doanh…

Luật chưa “đụng” đến tiểu thương

Một cán bộ Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết: Hầu hết chợ, TTTM chỉ mua bảo hiểm đối với nhà lồng chợ, cơ sở hạ tầng, còn tài sản, hàng hóa bên trong của các tiểu thương thì bỏ mặc cho họ tự lo.

“Theo quy định tại Thông tư 220/2010 của Bộ Tài chính, các chợ, TTTM phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho cả hàng hóa bên trong. Tuy nhiên, trên thực tế các hộ tiểu thương thường không mua bảo hiểm cho phần hàng hóa. Khi cảnh sát PCCC đi kiểm tra có nhắc nhở các hộ tiểu thương nhưng tình hình chấp hành vẫn rất kém. Cơ quan PCCC cũng rất khó buộc các chủ đầu tư, ban quản lý chợ phải mua bảo hiểm cháy nổ cho cả hàng hóa của các tiểu thương vì luật không buộc điều này” - vị cảnh sát trên nói.

Một luật sư phân tích có tình trạng tiểu thương không mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc vì hiện các quy định của pháp luật chưa có chế tài với tiểu thương. Điều 24 Nghị định 52/2012 chỉ quy định: Cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua có thể bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng, còn các hộ tiểu thương kinh doanh trong TTTM, chợ… chưa thấy đề cập.

Về phía cơ quan bảo hiểm, họ có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy nổ cho các tiểu thương nếu không đáp ứng được các yêu cầu về PCCC. Một trong các căn cứ để các cơ quan bảo hiểm xem xét bán bảo hiểm cháy nổ cho các tiểu thương là giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC do công an cấp. Hiện nay giấy này đã được bãi bỏ nhưng chưa có loại giấy thay thế, cơ quan bảo hiểm chưa có căn cứ để bán nếu tiểu thương có yêu cầu…

Hàng hóa trong các TTTM, chợ… thuộc diện phải mua bảo hiểm nhưng trách nhiệm, chế tài chưa rõ ràng. Vì thế nếu xảy ra cháy nổ, tiểu thương lãnh đủ.

Vẫn còn tình trạng các DN bán bảo hiểm thường tư vấn với khách hàng mua bảo hiểm cháy nổ tự nguyện để ít tốn chi phí và DN bảo hiểm không phải trích kinh phí cho hoạt động PCCC theo quy định.

Thiếu tướng TRẦN TRIỀU DƯƠNG, Giám đốc Sở PCCC phát biểu tại cuộc họp ngày 15-5

Tài sản phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc gồm: nhà, công trình kiến trúc và các trang thiết bị kèm theo; máy móc thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư, tài sản khác.

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm