Bạo lực nơi học đường- Bài 2: Tâm lý bạo hành và tác động của truyền thông mạng

Sự kiện có một nhóm gồm ba nữ sinh trường THCS Nguyễn Hiền đánh “hội đồng” một nữ sinh khác chỉ vì dám quen bạn trai của một người trong nhóm. Nữ sinh tội nghiệp kia bị bạo hành nhiều lần tại trường, nhưng BGH và giáo viên chủ nhiệm không hề hay biết cho đến khi video clip quay lại cảnh bạo hành được lan truyền.

Chặn đứng bạo lực trong học sinh, cách nào?

Tìm hiểu kỹ về nhóm nữ sinh bạo hành thì cả ba em đều rơi vào hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc: một em có ba mẹ ly thân, một em có ba đi tù, một em có người mẹ tối mắt tối mũi vì những đồng tiền cho vay nặng lãi. 

Hoặc trường hợp một nữ sinh lớp 8 ở huyện Hóc Môn dùng dao lam rạch nát mặt bạn vì dám yêu bạn trai của mình. Khi tìm hiểu kỹ nhân thân nữ sinh này, mới hay cha mẹ của em đều là “dân đầu gấu” ở địa phương, do đó em không hề run tay hạ thủ vì đã quen chứng kiến đàn em của cha mẹ  xuống tay tàn độc với những con nợ.
Học sinh ngày nay dễ dàng tiếp cận những thông tin trên internet và nghiện games - một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường ngày càng phổ biến. Ảnh: Q.VIỆT

Trao đổi với một số giáo viên tư vấn tâm lý học đường tại TP.HCM, đa số đều cho rằng: nếu thầy cô chịu dành ra thời gian để quan tâm, gần gũi với học trò thì có thể phát hiện, chặn đứng và điều chỉnh hành vi, hạn chế tới mức thấp nhất những hậu quả đau lòng của bạo lực học đường.

Một học sinh lớp 9 của trường THCS Tân Bình bị bạn đâm trọng thương chỉ vì hay buông lời trêu chọc, chạm vào tự ái của bạn và khiến cho bạn “nổi khùng”.  Cô Đào Thị Thu Cúc, giáo viên trường THPT Mạc Đĩnh Chi, chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu những giáo viên tâm lý làm công tác tham vấn học đường, vào những giờ ra chơi, chịu khó quan sát học trò thì sẽ không khó phát hiện ra những biểu hiện bất thường nơi các em. Có lần, tôi thấy cậu học trò lớp 12 của tôi chân cứ đá vào gốc cây, tỏ thái độ bực dọc. Tôi tìm cách khơi chuyện một cách thân mật, cuối cùng em tâm sự là đang có “cuộc chiến” với người cha chỉ vì ông cứ khư khư ép con mình thi vào ĐH Sư phạm mà không một lời giải thích, thay vì thi vào ĐH Kinh tế theo sở thích của con. Em học trò bị ức chế. Sau đó, tôi tìm đến gia đình để làm cầu nối giúp cha con hiểu nhau hơn, và em học trò được giải tỏa tâm lý khi người cha giải thích hoàn cảnh tài chính gia đình đang khó khăn nên khó mà đeo đuổi việc học ĐH Kinh tế…”.

TS Nguyễn Thị Bích Hồng, Trưởng bộ môn Tâm lý (ĐH Sư phạm TP.HCM), cho biết cô từng tham vấn thành công một ca tâm lý phức tạp của một nam sinh lớp 9 có thói ưa gây sự, đánh nhau: “Em này bị mắc lỗi trong phát âm là diễn đạt không trôi chảy, lúng túng, không thể nói được ý mình muốn gì; em bị các bạn chọc ghẹo cho là “khùng”; do vậy, em đâm ra lầm lì, cáu gắt và dễ bùng phát thành cơn giận không kềm chế được. Em nam sinh này bị chứng rối loạn ngôn ngữ, nhưng thầy cô không biết và không để ý. Sau đó tôi phải gặp BGH nhà trường để can thiệp với giáo viên chủ nhiệm, tránh truy bài em quá mức khiến em không trả lời được, lúng túng, và bị ức chế. Nếu em tiếp thu tri thức chậm thì đừng la mắng, đừng lôi em ra làm trò chế giễu, phải kiên nhẫn…”.

Tự chủ trong truyền thông mạng

Trong thời đại truyền thông internet hiện nay, mỗi người đều có cơ hội chia sẻ nhiều thông tin cho nhau và chia sẻ trên phạm vi toàn cầu. Không ai thật sự có đủ quyền lực để kiểm soát một xã hội đầy ắp các nguồn tin đa dạng đến từ mỗi cá nhân.

Rèn luyện kỹ năng sống, trước hết, là rèn luyện ý thức tôn trọng đối với phẩm giá con người. Nếu thiếu đi ý thức về phẩm giá thì kỹ năng sống chỉ còn lại cái vỏ vô hồn của những kỹ xảo.

Theo quan niệm của TS Huỳnh Văn Thông, trưởng khoa Báo chí và truyền thông (ĐH KHXH&NV TP.HCM), cơ hội của thời đại truyền thông đi kèm với thách thức, đó là “mất kiểm soát” và “sai trật tự”. Liên hệ đến môi trường học đường, TS Thông cho rằng: “Lẽ ra nhà trường nên giữ kín chuyện thầy cô la mắng học trò không đúng mô phạm để xử lý đúng sai, rồi sau đó mới công bố (hoặc quyết định không cần thiết phải công bố) thì giờ đây những chuyện như thế được công bố ngay lập tức, bởi học trò có trong tay những thiết bị đa truyền thông lợi hại như điện thoại di động. Đó là sai trật tự. Nhà trường không thể giữ kín chuyện thầy cô la mắng học trò để xử lý phải trái. Đó là mất kiểm soát. Rõ ràng thời đại truyền thông internet đã trao vào tay giới trẻ những cơ hội hầu như không giới hạn và những điều kiện công nghệ tiện lợi, giúp họ tham gia vào đời sống truyền thông toàn cầu như những cá nhân tích cực và chủ động; nhưng cũng đồng thời đặt giới trẻ trước nhiều khả năng lầm lạc, thách đố khả năng tự chủ của họ ở mức cao nhất”.

Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Dung (Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho rằng: “Môi trường các em học sinh hiện nay có những mặt trái, cạm bẫy, tệ nạn xã hội mà các em có thể bị lôi kéo bất cứ lúc nào. Nếu học sinh được trang bị những kỹ năng tự bảo vệ phù hợp thì các em sẽ vững vàng hơn, bản lĩnh hơn và tránh được sa ngã. Chẳng hạn, các trò chơi games bạo lực thu hút không ít học sinh, khiến cho các em nghiện games, giam mình trong phòng kín, lười hoạt động ngoài trời, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm sinh lý: các em dễ gây hấn, thiếu kiềm chế dẫn đến giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực”.

Hiện nay nhà trường chỉ tập trung vào giảng dạy kiến thức, mà chưa chú ý đủ về khía cạnh tâm sinh lý, hoạt động tinh thần, đặc biệt theo ThS Ngọc Dung, là hướng dẫn kỹ năng sống cho học sinh.

“Cái cách mà nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền để giúp con cái tiếp cận đa truyền thông bằng mọi giá - nhưng phụ huynh lại hoàn toàn “mù mờ” về những thứ này, đó sẽ là một kịch bản đầy rủi ro về giáo dục. Cho nên, chúng ta cần những mô hình lớp học về đa truyền thông cho các vị phụ huynh. Những lớp học có thể được tổ chức theo mô hình dịch vụ hay mô hình cộng đồng, với mục tiêu là trang bị cho các vị phụ huynh những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích, để họ giữ vai trò chia sẻ và hướng dẫn giới trẻ tham gia xã hội đa truyền thông tích cực hơn” TS Huỳnh Văn Thông kết luận.

ÁI NHÂN - HOÀNG TUYẾT - QUỐC VIỆT

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 185)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới