Bạo lực nơi học đường- Bài 1: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Tình trạng bạo lực nơi học đường hiện nay đang có xu hướng gia tăng về số vụ việc lẫn mức độ nghiêm trọng. Môi trường giáo dục ngày càng trở thành mối quan ngại chung của toàn xã hội
Bạo lực nơi học đường- Bài 1: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” ảnh 1
Nữ sinh Đ.N.T.Anh thuê giang hồ đâm chết một nam sinh trước cổng trường vì mâu thuẫn, xảy ra tại Đắk Nông.

Học trò vô lễ, tấn công thầy cô giáo

Vụ việc mới nhất, rất đau lòng, diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6, TPHCM). Thầy LĐH là giáo viên dạy môn Toán, chủ nhiệm một lớp 10, đã bị một học trò trong lớp là N.Q.Huy tấn công. Theo lời kể của những nhân chứng, trò Huy vi phạm nội quy liên tục nên thầy chủ nhiệm phải thường xuyên nhắc nhở. Vào buổi sáng 31-10-2012, Huy lại vi phạm nội quy về đồng phục và được thầy H. khuyến cáo. Huy bỏ mặc ngoài tai những lời của thầy, không chỉnh trang tác phong và bất ngờ xông đến đấm vào mặt thầy ngay tại trường. Thầy H. bị tét trán chảy máu. Ngay sau khi vụ việc nghiêm trọng này xảy ra, ông Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TP.HCM) - đã thông báo quyết định đình chỉ học tập có thời hạn đối với trò N.Q.Huy.

Khi đi học Sơn đã thủ sẵn dao trong người, khi xảy ra chuyện gây gỗ đã nhanh tay rút dao đâm thủng tim bạn học, dẫn đến tử vong.
Tại trường THCS Ngô Chí Quốc (quận Thủ Đức, TP.HCM), một nữ sinh lớp 9 tên là M.Duyên gây mất trật tự và bị cô giáo dạy nhạc la mắng. Duyên đã xông đến tát vào mặt cô. Toàn thể học trò trong lớp hết sức ngỡ ngàng khi sau đó chứng kiến cô giáo bị mất bình tĩnh và hai cô trò nắm tóc đánh nhau. Hiệu trưởng đã ra quyết định đình chỉ việc học của M.Duyên trong một tuần (sau đó vì xấu hổ nên M.Duyên đã nghỉ học luôn).

Dư luận không khỏi bàng hoàng trước hiện tượng học trò vô lễ thậm tệ. Càng phẫn nộ hơn khi học trò hành hung thầy cô giáo đến mức phải cấp cứu. Như trường hợp xảy ra tại trường THPT Tôn Đức Thắng (tỉnh Ninh Thuận) cách đây hơn một năm rưỡi. Hôm ấy, cô Lý Thị Thu Sương, giáo viên môn Hóa, cho học sinh kiểm tra 15 phút đầu giờ. Tuy nhiên, một nam sinh tên là Thành không chịu làm bài, đã vậy còn nói chuyện ồn ào khiến cho cô Sương cảnh cáo sẽ đuổi ra khỏi lớp nếu còn tiếp tục. Ngay lập tức, Thành gân cổ nói sẵng: “Tui không ra khỏi lớp, bà làm gì tui?” rồi văng tục và bỏ ra khỏi lớp. Tưởng Thành chỉ dừng lại ở lời nói vô lễ, nhưng không ngờ sau đó Thành chặn đường hành hung cô Sương khiến cho cô bị gãy sống mũi và một vết thương dài 2 cm phía sau gáy, phải đưa vào bệnh viện khâu ba mũi.

Học trò kết bè kéo cánh đánh nhau

Theo lời kể của một số học sinh, tại Trường THPT Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc ẩu đả, có sử dụng hung khí. Hồi đầu năm 2012, có hai nữ sinh tên Huyền và Chà Ly bị đuổi học vì dùng dao lam rạch mặt một nữ sinh cùng trường. Trước đó, một nam sinh có biệt danh “Huy sida” cũng bị đuổi học một tuần vì tham gia vào một vụ đánh nhau, Huy đã dùng bình hơi cay xịt vào mặt bạn học.

Hiện tượng học trò tụ tập thành băng nhóm, sử dụng hung khí để đánh nhau, thậm chí trấn lột ngày càng gia tăng. Vào ngày 6-6-2012, một học sinh lớp 9 trường THCS Tân Hà (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) là Lại Văn Sơn đã gây án mạng chỉ vì mâu thuẫn với bạn trong giờ ra chơi. Điều đáng lưu ý là khi đi học Sơn đã thủ sẵn dao trong người, khi xảy ra chuyện gây gỗ đã nhanh tay rút dao đâm thủng tim bạn học, dẫn đến tử vong.
Bạo lực nơi học đường- Bài 1: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” ảnh 2
Hai học sinh lớp 12 vì thiếu tiền tiêu xài nên đi cướp tài sản ở Ninh Thuận. Ảnh: H.TUYẾT

Em ĐHT, học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (quận 3, TP.HCM) đã bị Nguyễn Văn Dư, học sinh Trường Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh, TP.HCM), đón ngay trước cổng trường và đâm chết chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt.

Xuất phát từ những chuyện không đâu vào đâu, một số nam sinh sẵn sàng đánh “dằn mặt” để ra oai. Do mâu thuẫn với Nguyễn Văn Vương (lớp 12C3 trường THPT Phạm Văn Đồng, tỉnh Đắk Nông), Đặng NgọcThái Anh (lớp 12C2 trường THPT Phạm Văn Đồng) đã nhờ Trần Hùng Trí và Nguyễn Văn Quảng (cư ngụ tại thôn Tân Bình, xã Đắk Ru) tìm cách “dằn mặt”. Khi Vương đang cùng với hai người bạn đang ngồi uống nước tại một quán tạp hóa thì bị Trí, Quảng và Thái Anh dùng dao lao đến tấn công, dẫn đến tử vong.

Thậm chí ở lứa tuổi học sinh cấp 2, cũng đã có những vụ việc thanh toán nhau chí mạng. Vào ngày 22-4-2012, Nguyễn Thái Sơn là học sinh lớp 8 Trường THCS Gia Kiệm (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đâm chết Đào Hoàng Bảo Phát (15 tuổi, ngụ ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất). Được biết, Phát từng học chung lớp với Sơn và giữa hai trò này cùng “để ý” tới một trò gái trong trường. Do tranh giành tình cảm với nhau nên giữa Sơn và Phát đã hẹn nhau “thư hùng”, hậu quả là Phát tử vong bởi một bạn học. 
Bạo lực nơi học đường- Bài 1: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” ảnh 3
Trường PTTH Hiệp Bình, quận Thủ Đức nơi xảy ra nhiều vụ việc đâm chém, đánh nhau.

Thầy cô giáo hạ nhục học sinh

Bạo lực trong môi trường học đường đôi khi còn xảy ra bởi “tác nhân” từ chính thầy cô giáo. Hiện tượng giáo viên dùng đến biện pháp bạo lực để răn dạy học sinh, gây hiệu ứng phản giáo dục đã xuất hiện râm ran trong vài năm qua.

Dư luận không khỏi bất bình trước vụ việc một giáo viên trường THCS Liên Hoa (Hà Tĩnh) bắt học sinh liếm ghế, một cô giáo bắt học sinh tụt quần và đánh cho chừa ở Vị Thanh (Cần Thơ), bắt học sinh phơi nắng và bắt học trò tát vào mặt nhau tại một trường học ở TP.HCM. Thậm chí có vụ việc rất nghiêm trọng: có cô giáo dùng thước kẻ đánh mạnh vào mặt một học trò, làm gãy xương sống mũi chỉ vì em này nói chuyện trong giờ sinh hoạt lớp.

Tại Trường Tiểu học Tân Lập 2 (phường Tân Lập, TP Nha Trang, Khánh Hòa), trong giờ học tiếng Pháp lớp 2, cô giáo tên Tuyên vì quá bực mình do thấy trò Thiên không chép bài nên cô đã dùng thước bảng đánh vào tay trò đến mức bầm tím. Bố của em Thiên nổi nóng, tới trường gặp cô và tát vào mặt.

ÁI NHÂN - HOÀNG TUYẾT - QUỐC VIỆT
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 185)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm