Bão Noru tăng cấp quá nhanh, vì sao?

(PLO)-  Từ khi bão Noru hình thành cho đến khi chuẩn bị đổ bộ Philippines đã tăng lên 8 cấp. Sau khi vào biển Đông, từ sáng qua đến nay đã tăng lên hơn hai cấp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

10 giờ trưa nay, 27-9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã sang thăm, động viên các cán bộ, nhân viên của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn quốc gia và trao đổi về công tác dự báo bão số 4 - Noru.

Báo cáo Bộ trưởng về công tác dự báo bão Noru, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết rất nhiều chuyên gia khí tượng quốc tế và cả Việt Nam đều ngạc nhiên trước sự tăng cấp rất nhanh của bão Noru.

Theo đó, khi cơn bão này hình thành cho đến khi chuẩn bị đổ bộ Philippines, cơn bão đã tăng lên 8 cấp. Sau khi vào biển Đông, từ sáng qua đến nay đã tăng lên hơn hai cấp.

Dự báo khi gần bờ biển Trung Trung bộ, cường độ bão Noru trên cấp 13. Ảnh: VNDMS

Dự báo khi gần bờ biển Trung Trung bộ, cường độ bão Noru trên cấp 13. Ảnh: VNDMS

“Rất nhiều chuyên gia khí tượng thế giới ngạc nhiên vì sao tăng cấp nhanh vậy. Qua phân tích của Viện Khí tượng thuỷ văn và các chuyên gia của chúng ta đều đánh giá nguyên nhân chính là nhiệt độ bề mặt nước biển ở phía đông Philippines cao, lại nằm ở vùng nước sâu nên năng lượng nuôi cơn bão rất lớn, khiến bão tăng cấp nhanh” - ông Khiêm cho hay.

Tương đồng ở biển Đông, hiện nhiệt độ ở đây cũng 30-31 độ C, trong khi chỉ cần 25-26 độ C đã tạo điều kiện thuận lợi cho bão tăng cấp. Ngoài ra, độ đứt gió cũng thuận lợi cho đà tăng của bão Noru.

Cạnh đó, đối với những cơn bão mạnh trước đây, như cơn Shanshen hay cơn Ketsana đều có sự tác động của không khí lạnh ở phía bắc, cơn bão này cũng có tác động của không khí lạnh nhưng mức tác động quá yếu, không giúp làm suy giảm cường độ của cơn bão Noru này.

“Hầu hết các yếu tố về động lực, nhiệt lực cũng như quy mô đều có dấu hiệu rất thuận lợi cho sự phát triển của cơn bão Noru này. Thực tế sau khi vào biển Đông còn ở cấp 12 thì đêm qua đã lên cấp 14-15, tăng hơn hai cấp, cũng chứng minh được về các điều kiện phát triển của bão trong hai ngày qua là tương đối chính xác và phù hợp” - ông Khiêm nói.

Tiếp tục thông tin, ông Khiêm cho hay tất cả các cơ quan khí tượng Việt Nam và quốc tế đều chung nhận định khi bão tiến gần bờ biển Trung Trung bộ của Việt Nam, hướng tập trung ở Quảng Nam - Quảng Ngãi đều phải ở cấp 13 trở lên.

Hồi 10 giờ trưa nay, ngày 27-9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 310km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 22 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm