Để ứng phó với cơn bão RAI có thể ảnh hưởng đến vùng biển và đất liền nước ta trong những ngày tới, sáng 15-12, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai (Ban chỉ đạo) tổ chức cuộc họp với 30 đầu cầu, trong đó có 20 đầu cầu là các tỉnh, thành phố ven biển có khả năng nằm trong vùng ảnh hưởng của bão.
Bão RAI sẽ vào Biển Đông trong hai ngày tới
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết thời điểm hiện tại bão RAI cách Philippines khoảng 800-900 km. Bão đang mạnh cấp 11 và có khả năng mạnh thêm.
Dự báo trước khi vào đến Philippines bão có thể đạt cấp cực đại, cấp 13-14, giật cấp 16.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: NH
Sau khi đi qua Philippines, bão sẽ đi vào Biển Đông vào đêm 17, ngày 18-12, trở thành cơn bão số 9 năm 2021. Dự kiến khi đi qua Philippines bão suy yếu nhẹ, vào Biển Đông mạnh trở lại.
Theo ông Lâm, gió mạnh nhất của bão RAI ở trên biển nhiều khả năng duy trì cấp 12-13, giật cấp 14-15. Do tác động của không khí lạnh đang tăng cường, vùng ven bờ mặt biển lạnh nên khi vào gần bờ nước ta, bão RAI có khả năng suy yếu. Tuy nhiên các dự báo hiện nay cho thấy mức độ suy yếu không nhiều. Ngoài ra, dù có không khí lạnh và được tăng cường tiếp theo vào ngày 18, 19-12 nhưng lượng bổ sung yếu nên bão vẫn có khả năng dịch chuyển lên phía bắc, thời gian dịch chuyển muộn.
"Theo các tính toán hiện nay của chúng tôi, tâm bão phải vào kinh tuyến 113-115 mới chếch lên phía bắc" - ông Lâm nói.
Về bán kính gió mạnh cấp 6-7 sẽ trải rộng khoảng 300 km. Khi bão vào kinh tuyến 114 thì vùng gió mạnh đã vào kinh tuyến 110, tức vùng ven bờ nước ta đã bị ảnh hưởng gió mạnh.
Với dự báo như trên, từ ngày 19-12 đã có ảnh hưởng về gió trên biển nên tàu thuyền hoạt động trên biển cần phải đề phòng nguy hiểm.
"Lưu ý dự báo hiện tại đến khi bão vào là 20-12, tức là năm ngày tới nên sai số đến 350-450 km. Tuy nhiên thực tế đây là cơn bão mạnh, có thể đạt cấp 12, trên cấp 12 trên Biển Đông nên khả năng tiếp cận đất liền với khoảng cách nhỏ, gây mưa to trên đất liền. Với tình hình như vậy thì công tác phòng chống cần triển khai khẩn trương, đặc biệt với tàu thuyền hoạt động trên biển" - ông Lâm nhấn mạnh.
Cương quyết không để tàu thuyền trên biển khi bão vào
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá đây là cơn bão cuối mùa năm 2021. Theo dự báo của chuyên gia khí tượng quốc gia và quốc tế đây là cơn bão mạnh, chịu tương tác của các hình thái thời tiết như không khí lạnh nên đường đi, phạm vi ảnh hưởng của bão có thể sẽ bị thay đổi.
Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai họp ứng phó với bão RAI sáng 15-12. Ảnh: NH
Vì vậy, ông Hoài đề nghị Trung tâm theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, kịp thời có thông tin tới Ban chỉ đạo về đường đi, phạm vi tác động... để kịp thời triển khai công tác ứng phó. Ông cũng đề nghị các đài dự báo khu vực, địa phương phối hợp cùng Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia để có những nhận định sâu hơn tới từng khu vực.
Xác định vùng nguy hiểm nhất là vùng trên biển nước ta vì có số lượng tàu thuyền đang hoạt động rất lớn, Phó trưởng Ban chỉ đạo đề nghị Tổng cục Thủy sản, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phải thông tin cụ thể tới từng gia đình có tàu thuyền trên biển.
"Đây là cơn bão lớn nên cương quyết không để tàu thuyền vãng lai trên biển, kể cả tàu đánh bắt ven bờ" - ông Hoài nhấn mạnh.
Hơn 11.000 tàu đang hoạt động trên Biển Đông Báo cáo tại cuộc họp, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo cho biết cả nước có hơn 94.000 tàu thuyền, đang có hơn 11.000 tàu đang hoạt động trên Biển Đông. Các tàu có kết hoạch ra khơi đánh bắt vụ cá Bắc từ ngày 19 đến ngày 21-12. Hiện có 71 khu neo đậu với tổng sức chứa hơn 46.200 tàu, đáp ứng 49% yêu cầu. Về cơ bản, các hồ chứa ở miền Trung, Tây Nguyên đã đầy nước. Tổng số nhà ở không an toàn tại các tỉnh/TP ven biển Nam Bộ là 243.254 nhà. Trong đó Bà Rịa Vũng Tàu: 10.788 nhà; TP.HCM: 340 nhà; Tiền Giang 18.014 nhà; Bến Tre: 12.000 nhà; Trà Vinh: 18.651 nhà; Sóc Trăng: 62.981 nhà; Bạc Liêu: 30.000 nhà; Cà Mau: 90.480 nhà. |