Ngày 14-9, áp thấp đã bất ngờ mạnh lên thành bão số 3 và áp sát khu vực đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Người dân, chính quyền các tỉnh đã phải ra sức chống chọi với bão khi lượng mưa lớn, gió mạnh rít và giật liên hồi.
Tại các khu vực ven biển Đà Nẵng, người dân cấp tập chằng chống nhà cửa và dùng các bao cát dằn lên mái tôn. Các cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn TP cũng được cho nghỉ làm sớm để về nhà gia cố nhà cửa, đối phó với bão. Các mặt hàng như nến, đèn pin, dây thép, mì tôm và thực phẩm khô… được người dân mua nhiều nhất về cầm cự qua bão. Một người dân ở quận Sơn Trà trong lúc chằng chống nhà cửa đã bị gió hất văng rơi từ trên mái nhà xuống đất gây chấn thương nặng phải nhập viện điều trị.
Gió lớn đã xô ngã đổ nhiều cây xanh, thổi bay nhiều biển quảng cáo, biển hiệu. Do gió quá lớn nên chính quyền TP Đà Nẵng đã dựng rào chắn ở hai đầu cầu Thuận Phước, ngăn người dân không được qua cầu để đảm bảo an toàn. Từ trưa 14-9, học sinh trên địa bàn TP Đà Nẵng được nghỉ học, Sở GD&ĐT sẽ theo dõi diễn biến mưa bão để quyết định thời điểm cho học sinh đi học lại. TP Đà Nẵng cũng đặt lệnh “cấm biển”, không cho tàu thuyền ra khơi. Trong ngày 14-9, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ký công điện khẩn yêu cầu Sở Xây dựng, Sở GTVT và UBND các quận, huyện… khẩn trương phòng, chống cho các công trình xây dựng, đặc biệt phải hạ các cẩu tháp trước khi bão đổ bộ.
Một cây xanh ở Đà Nẵng bị bão quật ngã. Ảnh: TẤN TÀI
Ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) khẩn trương phòng, chống bão số 3. Ảnh: PHẠM MỊNH
Theo dự báo, bão số 3 sẽ đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi. Từ đêm 13 đến chiều 14-9, mưa liên tục dội xuống các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Tuyến đường nối từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My có nhiều đoạn nước lên cao nên đã hạn chế xe qua lại. Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai ngay lực lượng xung kích phòng, chống lụt bão ở địa phương giúp người dân chằng chống nhà cửa, di chuyển dân đến tạm trú nơi an toàn. Ngoài ra, ông Thu cũng yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện phải trực ban 24/24 giờ nhằm kiểm tra, phát hiện các sự cố và kịp thời xử lý, đồng thời phải theo dõi lượng mưa, mực nước các hồ chứa để thực hiện tốt việc thông báo, điều tiết xả lũ linh hoạt.
Dự báo bão số 3 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ngãi nên tỉnh này đã huy động mọi lực lượng ứng phó. Ngay khi tiếp nhận tin, ngư dân của Quảng Ngãi đã nhanh chóng đưa tàu cá vào bờ tránh bão. Tính đến chiều tối 14-9, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã kêu gọi được 625 tàu thuyền với 4.317 lao động vào trú ẩn… Bão cũng phong tỏa tuyến đường biển Sa Kỳ - Lý Sơn làm 200 lao động mắc kẹt, không vào đất liền được và cuốn trôi nhà của hai hộ dân. Sở GD&ĐT tỉnh cũng yêu cầu các trường cho học sinh nghỉ học trong ngày 14-9. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ yêu cầu bộ đội biên phòng sẵn sàng các phương án để kịp thời cứu hộ, cứu nạn ngư dân gặp nạn.
Tàu thuyền mắc nạn Theo Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đã hướng dẫn khoảng 36.660 tàu với gần 165.400 người biết vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 3 để chủ động trú tránh. Hiện vẫn còn 72 tàu (Quảng Nam có hai tàu và Quảng Ngãi có 70 tàu) với 414 người đang ở trong vùng biển nguy hiểm. Do ảnh hưởng của mưa bão khiến nhiều tàu thuyền ở các địa phương liên tiếp gặp nạn trên biển. Cụ thể: - Chiều 14-9, hai tàu của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 - DaNangMRCC đã đưa hai tàu cá của ngư dân bị nạn cập cảng an toàn. - Tàu cá BĐ 91052 TS bị hỏng máy, phải thả trôi trên biển cách Nha Trang 103 hải lý. Trên tàu có 13 người nhưng do vùng bị nạn có sóng, gió cấp 5 nên chưa thể tiếp cận được. - Đến chiều 14-9, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình vẫn đang khẩn trương cứu nạn tàu cá QB 92780 TS. Các thuyền viên vào bờ an toàn nhưng tàu mắc nạn chưa được cứu do thời tiết xấu. Trước đó, trưa 13-9, sóng lớn làm chìm một chiếc tàu khác ở Quảng Bình. Các thuyền viên trên tàu đã được cứu. - Ngày 14-9, tàu cá NĐ 2887/06 LĐ bị vỡ bánh lái cách Hà Tĩnh khoảng 19 hải lý. Biên phòng Hà Tĩnh cử 11 cán bộ, chiến sĩ và một chiếc tàu ra cứu nạn nhưng phải quay vào bờ vì sóng gió to. Sau đó tàu cảnh sát biển được điều ra nhưng cũng không thể cứu nạn vì tàu cứu nạn bị hỏng hệ thống lái. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao Dự báo từ ngày 14 đến 16-9 ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to và các sông ở các nơi này sẽ có một đợt lũ. Theo đó, nước trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3… Ngoài lũ quét, ở các tỉnh này còn có nguy cơ xảy ra sạt lở đất cao. |