Tái chế chất thải luôn là một trong những chương trình hành động trọng điểm của TP.HCM. Trong đó với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường, Sở TN&MT TP.HCM liên tục triển khai nhiều chương trình thu gom chất thải nguy hại, giảm lượng rác thải xả ra môi trường. Quan trọng hơn nữa là hình thành ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn sức khỏe trong cộng đồng.
Hiện TP đang phải đối mặt với vấn nạn rác thải trong khi diện tích chôn lấp rác có hạn. Do vậy việc tái chế chất thải là hướng giải quyết căn cơ để chúng ta cùng nhau giữ gìn TP sạch đẹp.
Tái chế là công việc gồm ba thành tố “3T” mà chúng ta vẫn thường thấy ở các câu tuyên truyền. Một là tiết giảm, bạn có thể sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng điện và nước. Chẳng hạn như sử dụng loại bóng đèn tiết kiệm điện. Khi mua hàng, bạn có thể dùng bao bì tái chế, hạn chế dùng bao nylon. Hai là tái sử dụng, nghĩa là bạn có thể tái sử dụng sản phẩm cho lần sau thay vì vứt bỏ đi. Điều này giúp hạn chế rác thải ra môi trường trong khi nó vẫn còn có ích cho cuộc sống của chúng ta. Ví dụ như dùng những sản phẩm có chất lượng tốt, có thể sửa chữa khi hỏng; dùng pin sạc nhiều lần; tận dụng cả hai mặt giấy; dùng bao bì sử dụng nhiều lần… Ba là tái chế, nghĩa là biến các đồ vật, vật liệu đã qua sử dụng thành đồ dùng mới. Chúng ta vẫn thường thấy nhiều sản phẩm có thể tái chế trong gia đình như chai thủy tinh, chai nhựa, giấy các loại, giấy báo, lon nhôm…
Các em nhỏ thích thú xem vật dụng tái chế trưng bày tại Ngày hội tái chế chất thải 2014 do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức. Ảnh: NGỌC CHÂU
Chai nhựa dễ dàng tái chế thành những chậu cây xinh xắn. Ảnh: NGỌC CHÂU
Bạn có thể áp dụng một số mẹo vặt, lưu ý để tái chế các loại chất thải trong nhà. Với các loại vỏ lon nước ngọt, lon bia, lon thép, lọ thủy tinh, hộp đựng nước trái cây, chai nhựa… thay vì bỏ rác chúng ta có thể sử dụng lại làm chậu cây nho nhỏ trong nhà. Bạn có thể cùng các con làm chung với mình, vừa tái chế được rác thải, vừa hướng dẫn bé cách yêu môi trường xung quanh. Với các đồ dùng nhựa, bạn có thể dùng đĩa, chén, hộp có nắp, dễ dàng lau rửa để đậy thức ăn thay vì dùng bao nylon; dùng chai nước rỗng để tưới cây hoặc đựng nước ủi quần áo… Khi đọc báo xong, bạn cố gắng giữ báo khô ráo để tái chế sau này. Báo có thể được tái sử dụng để gói vật dụng, xé vụn báo làm phân hữu cơ, diệt cỏ dại bằng cách trùm trên mặt đất, lau kiếng… Thùng carton, tạp chí, tờ rơi, giấy phôtô, bìa hồ sơ, giấy màu, văn phòng phẩm… cũng có thể dùng để tái chế. Tuy nhiên, không phải rác thải nào cũng có thể tái chế bởi vì rất khó để tái chế khi chúng bị lẫn lộn với nhau. Chẳng hạn như giấy dính thức ăn thừa; vỏ giấy gói có nhựa và kim loại…
Một vấn đề chung bạn hãy nhớ về 3T là cố gắng tiết giảm rác thải; trước khi bỏ một vật gì đó vào thùng rác, hãy tự hỏi rằng chúng ta có thể tái sử dụng vật này hay không; nên tái chế càng nhiều rác thải càng tốt, nên phân loại rác có thể tái chế thành giấy, thủy tinh, kim loại, nhựa… Những việc làm này tuy đơn giản nhưng cũng góp phần lớn để bảo vệ môi trường. Chỉ cần bạn chú ý một chút là chúng ta có thể làm cho TP ngày càng sạch, đẹp hơn.
NGỌC CHÂU (Theo Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức - GIZ)