Theo khảo sát của PV tại nhiều khu vực ở Đà Nẵng, giá đất có nơi tăng nhẹ, có nơi đứng im so với mức giá đầu năm 2021. Các nhà môi giới cho hay lượng giao dịch chỉ đang tăng nhẹ và cục bộ ở một số vị trí, tổng quan thị trường vẫn còn ảm đạm.
Khung cảnh ảm đạm tại các kiốt bất động sản khu vực tây bắc TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Nơi rục rịch tăng, nơi đứng bánh
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ vừa liên tiếp có các quyết định, chủ trương có lợi cho sự phát triển kinh tế Đà Nẵng. Đây là những tín hiệu tích cực khiến thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng có phần ấm lên. Trên thực tế, một số khu vực bắt đầu có giao dịch trở lại.
Đơn cử, quanh khu đô thị FPT và tổ hợp giải trí Cocobay (quận Ngũ Hành Sơn), một nền đất 100-150 m2 đang có giá dao động 2,1-2,5 tỉ đồng. Ở quận Cẩm Lệ, một nền đất 100 m2 tại khu đô thị Hòa Xuân có giá dao động 2,5-3,2 tỉ đồng. Còn tại khu vực Nam Hòa Xuân - Hòa Quý, một nền đất tương tự có giá 2,3-2,8 tỉ đồng.
Các mức giá này đã tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu năm 2021. Tuy nhiên, so với mức đỉnh được thiết lập năm 2019, mỗi nền đất đã “bốc hơi” từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng. Tính ra giá đất hiện tại của TP Đà Nẵng tại nhiều nơi đang thấp hơn so với giá năm 2019 và nhiều nhà đầu tư đang lỗ nặng.
Đó là những diễn biến ở phía nam TP Đà Nẵng, còn ở khu vực tây bắc TP, giao dịch tăng khoảng 20% so với đầu năm 2021 tại một số nơi.
Ông Sang, chủ một kiốt giao dịch BĐS tại khu đô thị Golden Hills, cho hay vừa mở lại kiốt để hoạt động vì nhận thấy các tín hiệu tích cực. “Thấy thị trường có vẻ rục rịch nên tôi ra đây mở cửa lại nhưng hầu như không có ai hỏi mua đất. Các nền đất đã có chủ ký gửi bán giúp từ năm ngoái đến giờ cũng chưa đẩy đi được bao nhiêu” - ông Sang nói. Xung quanh khu vực này, một số kiốt BĐS cũng đã mở cửa trở lại nhưng quang cảnh vô cùng vắng vẻ.
Ông PVS, Giám đốc kinh doanh một công ty BĐS tại Đà Nẵng, nhận định những thông tin tích cực thời gian qua của TP chưa đủ vực dậy thị trường. “Khắp nơi vẫn đang vắng bóng các nhà đầu tư ngoại tỉnh, hầu hết là giao dịch nhỏ lẻ. Thị trường mới chỉ gọi là ấm lên rất nhẹ chứ chưa thể gọi là nóng hay sốt” - ông PVS nói.
Ngoài các khu vực trên tăng giá thì vùng trung tâm TP Đà Nẵng ở các quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê… thị trường nhà, đất gần như không biến động. Giá đất không tăng vì cơ bản đã thiết lập đỉnh của giá.
Nhà đầu tư vẫn đang quan sát
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho hay thị trường sẽ tích cực khi có những thông tin lạc quan. Tuy nhiên, sự tích cực ở đây mới chỉ từ một phía là các động thái của Chính phủ với Đà Nẵng và của chính quyền Đà Nẵng, quyết tâm xây dựng TP phát triển hơn. Ở phía còn lại, các nhà đầu tư từ hai đầu đất nước vẫn đang quan sát chứ chưa thật sự trở lại thị trường Đà Nẵng.
“Năm qua, giá đất tại Đà Nẵng bị chìm xuống, giao dịch đóng băng và các nhà đầu tư rút khỏi thị trường, còn ai nữa đâu mà giao dịch. Bản thân BĐS Đà Nẵng sức cầu yếu chứ không lớn. Cầu phải đến từ những vùng phát triển kinh tế mạnh như Hà Nội, TP.HCM thì mới giúp thị trường tốt lên được. Hiện tại các nhà đầu tư này mới chỉ nhìn thấy sự phát triển trở lại của Đà Nẵng trên các khẩu hiệu thôi, thực tế còn phải chờ” - ông Đính nói.
Ông Đính cho rằng để tránh lặp lại viễn cảnh 13 năm trước sau khi dòng vốn ồ ạt chuyển sang BĐS và tăng trưởng nóng, thị trường bắt đầu suy thoái rồi xuất hiện nợ xấu thì vai trò quản lý của chính quyền rất quan trọng. Làm sao để các nhà đầu tư BĐS vào Đà Nẵng tuân thủ đúng quy hoạch, chủ trương phát triển kinh tế của TP. Đồng thời, TP cũng phải kiểm soát tốt chất lượng, tiến độ các dự án. Khi đó, hoạt động đầu cơ tạo sóng sẽ được ngăn chặn.
Nhận định về ý kiến của Sở TN&MT TP Đà Nẵng rằng có thể đang có hiện tượng đầu cơ, tạo sốt ảo, ông Đính cho hay cảnh báo của chính quyền là việc nên làm. “Tức là khi chưa có thông tin gì cụ thể từ các dự án mà giá đất đã vọt lên là bất thường, khi đó chính quyền ra cảnh báo là đúng. Sau đó, chính quyền phải kiểm soát chặt các hoạt động đầu tư, giao dịch, chống thất thu thuế” - ông Đính nói.
Siết chặt các phòng công chứng Trao đổi với chúng tôi, bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, cho hay hai năm qua đơn vị đã kiểm tra các phòng công chứng và nhận thấy một số trường hợp nghi vấn “ký gửi, ký chờ”. Sở Tư pháp đã chuyển một số trường hợp sang công an điều tra nhưng công an kết luận không đủ cơ sở xác định hành vi này. “Khi mua bán không sang tên, không đóng dấu vào hợp đồng công chứng, không đăng ký biến động vào sổ hồng mà chờ đó để bán sang tay cho người khác rồi phòng công chứng mới đóng dấu thì thất thu một lần thuế. Người dân đừng vì cái lợi vài chục triệu hay trăm triệu tiền thuế mà có khi mất cả tài sản” - bà Hoa nói. Bà Hoa khẳng định: “Ba phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp tuyệt đối không có ký gửi, ký chờ. Các phòng công chứng tư nhân thì có thể nhưng hiện nay công chứng viên cũng rất sợ bởi đã có một số rủi ro rồi. Ví dụ như mua bán có ký gửi, ký chờ mà phát sinh kiện tụng, tranh chấp, tòa án xử là trách nhiệm của công chứng viên ký gây thiệt hại cho các bên liên quan thì công chứng viên sẽ phải bồi thường”. |