50 NĂM KENNEDY BỊ ÁM SÁT - BÀI 1

Bật mí vụ giết TT Kennedy

Cách đây hai năm, một nhóm nhà sử học và nhân viên mật vụ về hưu đã sử dụng công nghệ kỹ thuật số mới nhất để phân tích các thước phim và hình ảnh chụp tại Dallas hôm Tổng thống Kennedy bị ám sát (22-11-1963). Kết luận của nhóm là sát thủ Lee Harvey Oswald hành động một mình. Kết luận này tương tự kết quả điều tra chính thức được công bố.

Dù vậy, tạp chí The Week của Anh số ra ngày 6-11 mới đây đã đăng bài viết với đầu đề “Ai giết Kennedy? 50 năm học thuyết âm mưu được giải thích”. Bài viết nêu các tranh cãi xung quanh cái chết của Tổng thống Kennedy trong nhiều năm qua.

Viên đạn ma thuật

Ngày 22-11-1963, sát thủ Lee Harvey Oswald đã bắn ba phát súng giết chết Tổng thống Kennedy và làm bị thương nặng Thống đốc bang Texas John Connally, người cùng xe chở tổng thống.

Ủy ban Warren (cơ quan phụ trách điều tra vụ ám sát Kennedy) đưa ra giả thuyết Tổng thống Kennedy và Thống đốc John Connally đã trúng cùng một viên đạn. Viên đạn đi xuyên qua phần lưng trên của Tổng thống Kennedy, sau đó bay qua cổ họng và trúng vào Connally làm gãy một xương sườn và làm nát cổ tay của Connally. Cuối cùng viên đạn nằm lại ở đùi của Connally.

Nếu căn cứ lý giải như trên thì đường đạn hết sức lạ. Vì thế mới hình thành giả thuyết “viên đạn ma thuật” và có giả thuyết phải có tối thiểu một sát thủ nữa ngoài Oswald tham gia ám sát.

Bật mí vụ giết TT Kennedy ảnh 1

Ngày 22-11-1963, trên chiếc xe chở tổng thống ở Dallas có Tổng thống Kennedy và phu nhân (hàng ghế cuối), Thống đốc bang Texas John Connally và phu nhân (hàng ghế trước tổng thống). Ảnh: REUTERS

Âm mưu của CIA

Giả thiết này có vẻ kỳ quặc nhưng học thuyết âm mưu tin rằng do Tổng thống Kennedy muốn tách CIA thành nhiều bộ phận nhỏ nên ông đã trở thành mục tiêu ám sát của CIA.

Sau khi Tổng thống Kennedy bị trúng đạn, đoàn xe chở tổng thống chạy băng qua một đồi cỏ xanh ở hướng bắc đại lộ Elm. Hình ảnh đăng trên báo chí cho thấy ngay sau đó cảnh sát đã bắt giữ ba kẻ lang thang tại một toa tàu đường sắt sau đồi cỏ xanh.

Học thuyết âm mưu khẳng định một trong ba kẻ lang thang đó là Everette Howard Hunt, nhân viên CIA có dính líu đến sự kiện vịnh Con Heo năm 1961 (bọn Cuba lưu vong do CIA huấn luyện đổ bộ lên vịnh Con Heo nhằm lật đổ chính quyền ở Cuba).

Trong tác phẩm CIA và vụ giết chết Kennedy, nhà sử học pháp y Patrick Nolan kết luận bốn người tham gia ám sát Tổng thống Kennedy gồm Richard Helms, James Angleton, David Phillips và Everette Howard Hunt. Ông khẳng định có ba tay súng được bố trí ở ba nơi đã bắn bốn phát súng.

Kết luận này dựa trên các chứng cứ pháp lý, nhân chứng, bằng chứng từ phim chụp và từ các bác sĩ. Ví dụ như bằng chứng cho thấy các mảnh kim loại của các viên đạn không khớp với nhau, chứng tỏ phải có sát thủ thứ hai.

Patrick Nolan đã phỏng vấn vài nhân chứng. Họ nói có nhìn thấy vài người tình nghi lảng vảng ở ba khu vực nêu trên. Năm 2007, Everette Howard Hunt từng thừa nhận trên giường bệnh và nêu tên những người có liên hệ gián tiếp và trực tiếp với CIA.

Patrick Nolan khẳng định động cơ CIA ra tay ám hại Tổng thống Kennedy vì muốn bảo vệ quyền lực và ngăn chặn Kennedy giảng hòa với Cuba và Liên Xô.

Bàn tay của mafia

Học thuyết âm mưu cho rằng mafia Mỹ hoặc cơ quan tình báo nước ngoài đứng sau vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Nếu là mafia, vậy tại sao mafia muốn sát hại Tổng thống Kennedy? Học thuyết âm mưu cho rằng vì Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy là em trai của Tổng thống Kennedy đã gây sức ép với bọn tội phạm có tổ chức. Robert Kennedy đã mở cuộc thập tự chinh chống lại mafia và số vụ truy tố các tay trùm mafia gia tăng. Robert Kennedy đã bị ám sát chết ngày 6-6-1968 tại Los Angeles.

Cấp phó Lyndon B. Johnson

Sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên thệ nhậm chức. Năm 2003, Viện Gallup đã tổ chức thăm dò với kết quả 20% số người Mỹ được hỏi tin rằng ông Johnson có điều gì đó liên quan đến cái chết của Tổng thống Kennedy. Theo trang web Environmental Graffiti, các giả thuyết được đưa ra bao gồm tham vọng của một phó tổng thống muốn được làm tổng thống hay ông Johnson muốn che giấu các vụ bê bối.

Tổng thống Richard Nixon (1969-1974) lại tin rằng chính Lyndon B. Johnson là nhân vật đã đạo diễn vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Theo báo Sunday Times (Anh), trong cuốn sách với nhan đề Người giết Kennedy - Vụ kiện chống lại Lyndon B. Johnson, Roger Stone (chuyên gia về các thủ đoạn dơ bẩn của đảng Cộng hòa) cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Ông Roger từng làm việc trong tám chiến dịch tranh cử tổng thống và đã phục vụ cho Tổng thống Richard Nixon suốt 15 năm.

Chuyên gia Roger Stone đưa ra các ghi nhận như sau:

- Chính Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson là người đề nghị Tổng thống Kennedy đến thăm Dallas vào ngày ám sát và cũng là người đề nghị lái chiếc xe hộ tống băng ngang qua quảng trường Dealey Plaza, nơi xảy ra vụ ám sát.

- Không phải Lee Harvey Oswald ra tay bắn Tổng thống Kennedy mà là sát thủ khét tiếng Malcolm “Mac” Wallace, người có quan hệ lâu dài với Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson. Chuyên gia Roger Stone dẫn chứng theo Ủy ban Warren, dấu vân tay của Wallace được tìm thấy trên tầng sáu, vị trí được cho là sát thủ Oswald đã ra tay nổ súng.

- Đêm trước vụ ám sát, người tình của Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson lúc bấy giờ là Madeleine Duncan Brown cho biết ông Johnson có nói với bà sau ngày mai, Tổng thống Kennedy sẽ không bao giờ làm phiền ông nữa.

Bí mật từ KGB và Cuba

Học thuyết âm mưu khẳng định Ủy ban An ninh quốc gia (KGB thời Liên Xô cũ) đã tổ chức ám sát Tổng thống Kennedy với động cơ có vẻ hợp lý là trả đũa cho vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962 (Liên Xô xây dựng căn cứ tên lửa ở Cuba để đáp trả Mỹ xây dựng tên lửa ở các nước đồng minh, sau đó Mỹ dọa tấn công và tổ chức phong tỏa).

Học thuyết âm mưu cho rằng sát thủ Lee Harvey Oswald là người thân Cộng và đã trải qua nhiều thời gian tại Liên Xô, từ đó mới có liên hệ với KGB.

Ông Brian Latell là quan chức cấp cao CIA trong 40 năm đã nhiều năm bám địa bàn Cuba và Mỹ Latin. Ông cho rằng sát thủ Lee Harvey Oswald giết Tổng thống Kennedy để gây ấn tượng với Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Trong cuốn sách với tựa đề Bí mật của Castro, Brian Latell lập luận Fidel Castro đã biết kế hoạch sát hại Tổng thống Kennedy của Oswald và có thể chính Fidel Castro hoặc người của ông đã huấn luyện Oswald ra tay nhằm trả đũa cho sự kiện vịnh Con Heo và vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba.

Brian Latell cho biết đã phỏng vấn các quan chức tình báo cấp cao đào ngũ từ Cuba, trong đó có Florentino Aspillaga Lombard là người có liên hệ trực tiếp với Chủ tịch Fidel Castro.

Lombard cho biết vào ngày 22-11-1963 (ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát), trong khi đang theo dõi tín hiệu điện đài từ Mỹ, ông nhận được lệnh chuyển tín hiệu từ trụ sở CIA tại Florida sang Texas và ba tiếng sau thì vụ ám sát xảy ra. Lombard đoan chắc chính quyền Cuba phải biết trước Tổng thống Kennedy sẽ bị bắn.

Vincent Bugliosi, tác giả cuốn sách với nhan đề Lịch sử lên tiếng, cho rằng sát thủ Lee Harvey Oswald là kẻ bất mãn chính trị, căm ghét Mỹ và là con người ảo tưởng. Oswald là người sùng bái Fidel Castro nên ám sát Tổng thống Kennedy chính là giết chết kẻ thù của Fidel Castro.

Bật mí vụ giết TT Kennedy ảnh 2

Sát thủ Lee Harvey Oswald (ảnh) sinh ngày 18-10-1939 tại New Orleans thuộc bang Louisiana, Mỹ. Cha mất sớm, Oswald sống trong trại mồ côi, sau đó chuyển đến sống tại New Orleans và học ở New York. Năm 1956, Oswald gia nhập lính thủy đánh bộ. Oswald là tay thiện xạ, từng bị tòa triệu tập hai lần vào năm 1958 do sở hữu súng trái phép và có hành vi bạo lực. Sau đó, Oswald bị trục xuất khỏi quân ngũ.

Tháng 10-1959, Oswald đào tẩu sang Moscow (Nga) và được phép ở lại Minsk (Belarus) dưới sự giám sát của KGB. Tháng 4-1961, Oswald cưới Marina Prusakova và có một con gái. Tháng 6-1962, Oswald cùng gia đình trở lại Mỹ, cư trú tại Dallas (bang Texas).

Tháng 4-1963, Oswald bị cáo buộc mưu sát tướng Edwin Walker. Sau khi trở lại New Orleans, tháng 9-1963, Oswald sang Mexico xin thị thực sang Cuba và Nga nhưng không thành. Sau đó, Oswald vào làm việc tại kho sách thuộc trường Texas ở Dallas. Trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy, Oswald bị bắt tại nhà hát Texas ở ngoại ô Dallas. Khi Oswald bị dẫn giải đến nhà tù thì đã bị một kẻ lạ mặt bắn chết.

DUY KHANG

Kỳ tới: 50 năm sau vụ ám sát Kennedy, nhiều tài liệu chưa được công bố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm