Sau 10 năm xét xử phúc thẩm (lần một), ngày 30-10, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tiếp tục đưa vụ án đường Hồ Chí Minh ra xét xử phúc thẩm lần hai. Đây là vụ án khá hy hữu vì ba người từng được tòa tuyên không phạm tội, tám người được miễn hình phạt.
Đề nghị giảm án cho tất cả bị cáo
Tại phiên tòa, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (được xác định là bị hại) khẳng định công trình đến thời điểm hiện nay sau 16 năm sử dụng chưa thấy phát sinh sự cố gì. Điều đáng nói là đoạn công trình thi công này vẫn chưa được quyết toán. Cạnh đó, theo đơn vị này, CQĐT đã dùng đơn giá đào đất thay cho đào đá, trong khi đó phương án đào đá lại có chi phí cao hơn phương án đào đất. Hiện nay đơn vị này còn đang giữ số tiền 7 tỉ đồng và cũng chưa thanh toán cho đơn vị thi công.
Cạnh đó, Công ty 621 (được xác định là đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) cũng khẳng định đến giờ này công trình này vẫn chưa bị thiệt hại và vẫn chưa được quyết toán.
Phía Công ty Thanh Nam cho rằng công trình kết thúc từ năm 2003 nhưng đến nay Công ty 621 vẫn chưa thanh toán số tiền hơn 14,7 tỉ đồng cho đơn vị này. “Chúng tôi phải tự bỏ tiền túi để tạm ứng thi công mà Nhà nước không hề bỏ ra. Số tiền này chúng tôi phải đi vay, huy động từ các tổ chức tín dụng nên thiệt hại rất lớn” - đại diện Công ty Thanh Nam nói.
Phần tranh luận, đại diện VKS cho rằng do biết đơn giá thi công theo phương án đặc biệt cao hơn so với phương án thông thường nên Bùi Hải Nhân đã lập lại hồ sơ hủy 130 hộ chiếu nổ mìn thay bằng 365 hộ chiếu để thanh toán. Thiệt hại theo tính toán của Viện Kinh tế Bộ Xây dựng theo văn bản 396A (năm 2008) hơn 3,6 tỉ đồng là có căn cứ.
Tuy không có tình tiết nào mới nhưng cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo là quá nghiêm khắc nên đề nghị tòa giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Lê Quang Tứ, Bùi Hải Nhân (không nói rõ giảm bao nhiêu - PV). Cạnh đó, đại diện VKS còn đề nghị cho sáu bị cáo được hưởng án treo và hai bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự (tòa sơ thẩm phạt ông Nhân 10 năm tù, các bị cáo còn lại từ 12 tháng tù treo đến tám năm tù). VKS cũng đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại là Ban quản lý dự án không yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền hơn 3,6 tỉ đồng do không có thiệt hại xảy ra.
Bị cáo Lê Quang Tứ bật khóc tại phiên tòa. Ảnh: NGÂN NGA
Mất thanh xuân vì 16 năm lao lý
Tại tòa, ông Bùi Hải Nhân tiếp tục kêu oan và tự bào chữa: “Tôi không báo cáo phương án nổ om với cơ quan chức năng, vì mỗi lần bị cáo có ý kiến thì thanh tra lại trình ra một tờ giấy khác nhưng vì an toàn cho đường dây 500 kV nên bị cáo phải làm. Bị cáo rất bất ngờ với tư duy, suy nghĩ của cơ quan tố tụng. Giá trị công trình đã thi công theo đơn giá được phê duyệt là 28 tỉ đồng, được duyệt hơn 17 tỉ đồng nhưng mới chỉ tạm thanh toán hơn 14 tỉ đồng. Sử dụng phương án của bị cáo đã tiết kiệm ít nhất là 8 tỉ đồng thì sao được gọi là thiệt hại”.
Ông Nhân còn cho rằng đại diện VKS nói bị cáo làm lại hộ chiếu để nâng khống vật tư nhằm mục đích thanh toán chiếm đoạt là không đúng bởi ông không có nhiệm vụ lập hồ sơ thanh toán. Động cơ của bị cáo không nhằm mục đích vụ lợi mà chỉ để an toàn tuyệt đối cho đường dây 500 kV. “Suốt 16 năm qua bị cáo không được hưởng quyền cơ bản của con người, lang bạt khắp nơi để kiếm ăn. Thời gian đẹp nhất của đời người bị cáo bị mất rồi, mong HĐXX xem xét công tâm, đúng người, đúng tội” - bị cáo Nhân nói như khóc.
Bị cáo Lê Quang Tứ vừa khóc vừa mong tòa xét xử đúng quy định pháp luật. Ông Tứ đang bị ung thư giai đoạn ba và trong quá trình xạ trị từng bị đột quỵ và phải đặt sten tim nhiều lần.
Bào chữa cho bị cáo Tứ, luật sư Phan Trung Hoài, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng các cơ quan tố tụng đã phủ nhận thành quả của các bị cáo, cấp sơ thẩm đã lúng túng thể hiện sự quyết buộc tội các bị cáo. Phương án nổ om của bị cáo Nhân không theo “phương án đặc biệt” của ông Đỗ Đức Khoa nhưng chi phí cho việc dùng máy công suất lớn cậy đá cao hơn và điều quan trọng là “phương án đặc biệt” này cũng không đảm bảo tuyệt đối cho đường dây 500 kV. Do đó buộc Nhân phải cải tiến thực hiện phương án của mình. Việc làm của Nhân đã từng được Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng ghi nhận trong bản án vào năm 2009 là rút ngắn thời gian thi công hơn một năm. Đây là nổ mìn phá đá chứ không phải đào phá đất nên cần áp dụng đơn giá thanh toán cho phù hợp.
Theo luật sư Hoài, cấp sơ thẩm căn cứ vào kết luận 396A năm 2008 của Viện Kinh tế Bộ Xây dựng để xác định thiệt hại hơn 3,6 tỉ đồng nhằm kết tội các bị cáo là không có căn cứ. Vì biên bản sử dụng làm căn cứ giám định lập ngày 11-3-2004 không có giá trị pháp lý và không đúng với thực tế thi công do những người thực hiện giám định không phải là giám định viên tư pháp. Các cơ quan tố tụng không chứng minh được thiệt hại. Vì vậy, trong quyết định trả hồ sơ để điều tra lại ngày 14-9-2009 của VKSND Tối cao đã yêu cầu CQĐT trưng cầu giám định lại nhằm xác định chính xác số tiền thất thoát thiệt hại do các bị cáo gây ra.
Hôm nay phiên tòa tiếp tục.
Vụ án kéo dài 16 năm chưa xong Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, năm 2000, để đảm bảo an toàn đường dây 500 kV dự án đường Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Xây dựng công trình khai thác đá 621 (đơn vị trực thuộc Tổng Công ty 6) đã ký hợp đồng để Công ty TNHH Thanh Nam thi công với phương án “nổ mìn đặc biệt”. Trong quá trình thực hiện, Công ty Thanh Nam và kỹ sư Bùi Hải Nhân (thuộc Công ty 621) đã cải tiến và gọi đó là “nổ om”. Năm 2002, Ban quản lý dự án đã thanh toán 80% khối lượng phê duyệt được đề nghị là 14 tỉ đồng. Sau đó Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) giám định công trình và xác định hạng mục nổ mìn phá đá chỉ tốn hơn 10 tỉ đồng. Cho rằng các bị cáo gây thiệt hại hơn 4 tỉ đồng nên kỹ sư Bùi Hải Nhân bị khởi tố tội tham ô tài sản rồi bị chuyển sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị bắt tạm giam. Tháng 4-2009, TAND tỉnh Kon Tum xử sơ thẩm lần đầu tuyên ông Nhân và hai người thuộc Công ty Thanh Nam không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và miễn hình phạt cho tám bị cáo còn lại về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (sau đó một bị cáo qua đời nên được đình chỉ điều tra). Tháng 7-2009, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) hủy bản án sơ thẩm theo hướng tất cả bị cáo không phạm tội. Năm 2018, TAND tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm lần hai tuyên phạt như trên và các bị cáo tiếp tục kháng cáo kêu oan. Trước khi TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm lần hai, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã có kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và chánh án TAND Tối cao tiến hành giám sát, xem xét lại vụ án với nhận định các bị cáo kêu oan là có căn cứ. |