Bắt ông Trầm Bê và 15 người liên quan

Ngày 1-8, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng đối với Trầm Bê (58 tuổi) - nguyên phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng Ngân hàng Sacombank và ông Phan Huy Khang (nguyên thành viên hội đồng tín dụng, nguyên tổng giám đốc Sacombank).

Gây thiệt hại cho Sacombank hơn 1.800 tỉ đồng

Ngoài hai người trên, công an cũng đã bắt giam 14 người, khởi tố chín bị can liên quan tại các ngân hàng Tiên Phong Bank, Sacomban, BIDV và Ngân hàng Xây dựng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

26 bị can bị khởi tố liên quan đến việc điều tra mở rộng của C46 trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm mà TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xét xử vào tháng 1-2017 vừa qua.

Theo cơ quan điều tra, ông Trầm Bê đã tiếp tay cho Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, nguyên chủ tịch HĐTV kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm trong việc cho sáu công ty do ông Danh thành lập vay hơn 1.800 tỉ đồng.

Cụ thể, để có tiền trả nợ nhiều khoản, ông Danh cùng bốn thành viên khác trong ngân hàng đã lập biên bản họp HĐQT rồi ra nghị quyết thống nhất chủ trương dùng số tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng của VNCB làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại các tổ chức tín dụng.

Công an đến nhà ông Trầm Bê ở quận Bình Tân khám xét (ảnh lớn). Ông Trầm Bê và Phạm Công Danh (ảnh nhỏ). Ảnh: H.TÂM

Đến ngày 19-4-2013, ông Danh cùng Phan Thành Mai, Nguyễn Quốc Viễn (thành viên của VNCB) đến Sacombank liên hệ vay tiền. Ông Trầm Bê (lúc này là phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng) đã đồng ý cho ông Danh vay 1.800 tỉ đồng. Sau đó ông Trầm Bê đưa ông Danh sang gặp ông Phan Huy Khang (tổng giám đốc Sacombank) và chỉ đạo ông Khang cho ông Danh vay tiền.

Để vay được khoản tiền này, ông Danh chỉ đạo cấp dưới lập báo cáo tài chính năm 2012 và sáu tháng đầu năm 2013 khống để nộp cho Sacombank.

Phía Sacombank, dưới sự chỉ đạo của ông Trầm Bê, đã hoàn tất mọi thủ tục vay và cho vay trong vài ngày. Đến ngày 26-4-2013, toàn bộ khoản vay 1.800 tỉ đồng đã được chuyển vào tài khoản của ông Danh tại Ngân hàng ACB Chi nhánh Phú Thọ. Có tiền, ông Danh chuyển 1.700 tỉ đồng trả khoản nợ trước đó cho BIDV. Số tiền còn lại, ông Danh giữ trong tài khoản cá nhân của mình.

Vụ việc cho vay bằng tài sản ảo chỉ bị lộ khi ông Danh bị bắt vì các sai phạm lên đến 6.000 tỉ đồng.

Một thời quyền lực trong giới ngân hàng

Ông Trầm Bê rất nổi danh trong giới tài chính ngân hàng. Năm 2004, ông tham gia đầu tư và trở thành thành viên HĐQT của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank).

Năm 2012, ông rút khỏi ban lãnh đạo của SouthernBank để tham gia vào HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Tại đây, ông giữ chức phó chủ tịch HĐQT. Ngày 13-8-2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đồng ý cho SouthernBank và Sacombank sáp nhập.

Sau sáp nhập, Sacombank thuộc tốp 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt gần 300.000 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu hơn 24.000 tỉ đồng, mạng lưới hoạt động lên đến 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và ở Lào, Campuchia; tổng số cán bộ, nhân viên là 15.510 người.

Ông Trầm Bê nói gì?

Một nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho hay trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, khi làm việc với các điều tra viên của C46, ông Trầm Bê xác nhận có việc cho Phạm Công Danh vay tiền số tiền hơn 1.800 tỉ đồng nói trên. Ông cho là do tin tưởng vào các hồ sơ ông Danh đưa đến là tài sản đảm bảo của sáu công ty nên chỉ đạo ông Khang, tổng giám đốc Sacombank lúc đó, cho vay.

Ông Trầm Bê sau đó đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ của SouthernBank, Sacombank. Điều này đồng nghĩa ông sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập.

Trên cơ sở đề nghị của ông Trầm Bê, xét thực tiễn quá trình triển khai phương án tái cơ cấu PNB/Sacombank/ Sacombank sau sáp nhập và các ý kiến chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ…, đến tháng 2-2017, NHNN đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và con trai tại Sacombank.

Việc chấm dứt vai trò quản trị điều hành đối với ông Trầm Bê và con trai tại Sacombank nằm trong lộ trình và các giải pháp thực hiện phương án tái cơ cấu ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

“Hiện C46 tiếp tục mở rộng điều tra các sai phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh của ông Trầm Bê và một số cá nhân, tổ chức liên quan” - một lãnh đạo Bộ Công an thông tin thêm.

Sacombank lên tiếng về việc ông Trầm Bê bị bắt

Theo Sacombank, qua thông tin báo chí về việc ông Trầm Bê, nguyên thành viên HĐQT và ông Phan Huy Khang, nguyên phó chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Sacombank, bị bắt ngày 1-8, Sacombank có ý kiến như sau:

Việc khởi tố ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng, theo kết luận giám định của NHNN, Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với sáu công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh. Các khoản vay trên Sacombank đã thu hồi vốn và lãi đầy đủ từ tháng 4-2014. Ông Trầm Bê không còn đảm nhiệm bất kỳ chức vụ quản trị, điều hành nào tại Sacombank từ ngày 23-2-2017 và từ ngày 3-7-2017 đối với ông Phan Huy Khang.

Ngày 30-6, đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2016-2017 của Sacombank đã bầu ra HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021 với tân chủ tịch HĐQT là ông Dương Công Minh. Sacombank hoạt động theo đề án tái cơ cấu ngân hàng đã được NHNN phê duyệt.

Hiện Sacombank vẫn hoạt động bình thường và tăng trưởng ổn định.

N.ĐỨC - T.PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới