Trầm Bê: Từ người buôn gỗ đến ông trùm ngân hàng

Trầm Bê và Sacombank là cái tên được giới tài chính - ngân hàng nhắc đến nhiều nhất trong suốt hai năm qua. Có thời điểm nhiều người đồn đoán ông “trùm” tài chính này bị bắt sau thông tin ông Trầm Bê xin rút khỏi Sacombank và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức phát đi thông báo liên quan đến ông này vào tháng 2-2017.

Thế nhưng mọi chuyện lắng đi cho đến chiều 1-8, cơ quan công an đã phát đi thông tin khởi tố 25 người và tạm giam 16 người, trong đó có ông Trầm Bê vì cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cái tên Trầm Bê lại một lần nữa khiến dư luận dậy sóng.

Ông Trầm Bê sinh năm 1959 tại Trà Vinh trong một gia đình người Việt gốc Hoa. Ông Trầm Bê có vợ là Viên Đông Anh. Vợ chồng ông có ba người con là Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều (1983) và Trầm Khải Hòa (1988).

Năm 1991, ông Trầm Bê bắt đầu sự nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lâm sản và thành lập Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh. Đến đầu những năm 2000, ông Trầm Bê tham gia vào lĩnh vực bất động sản với vai trò là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI). Sau đó ông góp vốn xây dựng BV Triều An.

Không chỉ kinh doanh trong lĩnh vực trên, từ năm 2002-2004, ông Trầm Bê tham gia đầu tư vào Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn với vai trò chủ tịch HĐQT. Sơn Sơn ghi dấu ấn và chiếm lĩnh toàn bộ thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam, đây là điều kiện cần thiết về vệ sinh an toàn thực phẩm để được phép xuất khẩu trái thanh long. Mãi cho đến năm 2009, thế độc quyền này mới mất đi khi có nhà máy chiếu xạ thanh long thứ hai do Công ty Cổ phần An Phú đầu tư.

Bước ngoặt của đại gia Trầm Bê là khi ông tham gia vào thị trường tài chính ngân hàng. Năm 2004, ông Trầm Bê tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank). Đây cũng là những năm mà ngân hàng phát triển mạnh nhất đạt doanh thu trên 1.000 tỉ đồng cùng lợi nhuận ròng gần 200 tỉ đồng trong năm 2007.

Bên cạnh đó, ông Trầm Bê còn thành lập Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC) vào năm 2007 và Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS). Tại Công ty NJC, ông Trầm Bê là phó chủ tịch, đưa con gái Trầm Thuyết Kiều (sở hữu 11% cổ phần) nắm giữ chức phó giám đốc của NJC. Còn tại PNS, sau ba năm thành lập, con trai út của ông Trầm Bê là Trầm Khải Hòa đã được đưa lên làm chủ tịch hội đồng quản trị.

Khi thành công với Ngân hàng Phương Nam, ông Trầm Bê bắt tay vào việc thâu tóm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank). Đầu tháng 2-2012, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được ủy quyền đại diện cho nhóm cổ đông đa số (bao gồm cả ông Trầm Bê), yêu cầu bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo của Sacombank. Qua cuộc bầu cử, chức vụ phó chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank được trao cho ông Trầm Bê, sau khi ông rời khỏi ghế phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam.

Con trai ông Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân trở thành phó chủ tịch thường trực Ngân hàng Phương Nam. Còn người con trai khác Trầm Khải Hòa cũng trở thành một thành viên trong hội đồng quản trị của Sacombank bắt đầu từ tháng 5-2012.

Ngày 13-8-2015, NHNN đã đồng ý cho hai ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) và Sacombank sáp nhập. Từ đây cũng là bước ngoặt của cuộc đời ông Trầm Bê. Sau đó, ông Trầm Bê đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ của SouthernBank, Sacombank. Điều này đồng nghĩa ông sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập.

Ngày 11-11-2015, HĐQT Sacombank đã họp và thống nhất cho ông Trầm Bê thôi giữ chức vụ phó chủ tịch thường trực theo nguyện vọng cá nhân.

Ngày 24-2-2017, NHNN chính thức phát đi thông báo liên quan đến ông Trầm Bê. Theo đó, NHNN đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank. Ông Trầm Bê và người có liên quan có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại tại Sacombank theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thời điểm năm 2005, ông Trầm Bê được nhắc đến khi con trai cả của ông này là Trầm Trọng Ngân bị bắt cóc đòi tiền chuộc. Số tiền chuộc được công bố lên tới 10 triệu USD, tương đương 160 tỉ đồng.

Cuối năm 2012, ông Trầm Bê lại được nhắc đến với vụ bị trộm sừng tê giác tại tư dinh ở Trà Vinh với giá trị đồn đoán lên tới 4 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm