Ngày 1-8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trầm Bê (58 tuổi), nguyên là phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank, ông Phan Huy Khang (nguyên là thành viên hội đồng tín dụng, nguyên tổng giám đốc Sacombank), cùng về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Chiều cùng ngày, một nguồn tin từ cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an xác nhận cơ quan chức năng đang tiến hành thủ tục bắt giữ và khám xét nhà ông Trầm Bê tại TP.HCM.
Ông Trầm Bê được biết đến là một đại gia trong lĩnh vực ngân hàng
Ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên chủ tịch HĐTV kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Theo thông tin ban đầu, ông Trầm Bê đã tiếp tay cho Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.
Theo hồ sơ, ông Phạm Công Danh và đồng phạm đã thông đồng lấy tiền của VNCB gửi qua Sacombank làm tài sản bảo lãnh, nhằm mục đích trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.
Ông Trầm Bê (58 tuổi, quê Trà Vinh) được biết đến là một đại gia trong lĩnh vực ngân hàng.
Năm 2004, ông Trầm Bê tham gia đầu tư và trở thành thành viên HĐQT của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank).
Năm 2012, ông bất ngờ rút khỏi ban lãnh đạo của SouthernBank để tham gia vào HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Tại đây, ông giữ chức phó hủ tịch HĐQT.
Ngày 13-8-2015, NHNN đã đồng ý cho SouthernBank và Sacombank sáp nhập.
Sau sáp nhập, Sacombank thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu đạt gần 24.506 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỉ đồng; mạng lưới hoạt động lên đến 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia; tổng số cán bộ nhân viên là 15.510 người.
Ông Trầm Bê sau đó đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ của SouthernBank, Sacombank. Điều này đồng nghĩa ông sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập.
Ngày 11-11-2015, HĐQT Sacombank đã họp và thống nhất cho ông Trầm Bê thôi giữ chức vụ phó chủ tịch thường trực theo nguyện vọng cá nhân.
Ngày 24-2-2017, NHNN chính thức phát đi thông báo về thông tin mới nhất liên quan đến ông Trầm Bê.
Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu hai ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, ông Trầm Bê và Trầm Khải Hòa (con trai ông Trầm Bê) cũng đã có đơn gửi Hội đồng quản trị Sacombank và NHNN xin từ nhiệm chức danh thành viên hội đồng quản trị Sacombank.
Trên cơ sở đề nghị của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa, xét thực tiễn quá trình triển khai Phương án tái cơ cấu PNB/Sacombank/Sacombank sau sáp nhập và các ý kiến chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, NHNN đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank.
Ông Trầm Bê và người có liên quan có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại tại Sacombank theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc chấm dứt vai trò quản trị điều hành đối với ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank nằm trong lộ trình và các giải pháp thực hiện phương án tái cơ cấu ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gắn với đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, phương án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.