Bất thường ở móng: dễ gặp, khó chữa

Bất thường ở móng: dễ gặp, khó chữa ảnh 1

Mặt khác, các thuốc uống và thoa rất khó ngấm hết vào tổ chức sừng cứng của móng nên các biến chuyển trên móng chỉ nhận thấy phần nào sau nhiều tuần, nhiều tháng trị liệu.

Ngoài những bất thường màu sắc (xanh, vàng, nâu đen, trắng…) móng còn có bất thường hình dáng (hình cái muỗng, quặp như mỏ diều hâu...), bất thường trên bề mặt phiến móng (dợn sóng, chỗ lõm lỗ chỗ, móng dày, móng mỏng…), bất thường cách phát triển (móng chọc thịt), hoặc tình trạng hư móng (xước móng, tách móng…) Cũng có những trường hợp rụng móng, móng mềm... hoặc đi kèm với viêm quanh móng. Một số bất thường ở móng hay gặp khi thăm khám bệnh da liễu:

Ly móng

Móng bị tách dần từ bờ tự do ra khỏi thịt. Lúc đầu một móng, sau đó nhiều móng. Dưới lớp móng bị vểnh, có thể có những chất sừng vụn đội bờ tự do lên. Có nhiều nguyên nhân gây ra ly móng: do nội sinh (các bệnh hệ thống, thiếu máu thiếu sắt, dãn phế quản, tiểu đường, cường giáp, suy giáp, porphyrie da muộn, các bệnh ác tính... Hoặc các bệnh da như vẩy nến, lichen phẳng, viêm da thể tạng, pemphigus, bất thường bẩm sinh của móng...), ngoại lai (các yếu tố cơ học, liên quan đến những nghề nghiệp tạo chấn thương mạnh, hoặc chấn thương nhẹ nhưng lặp đi, lặp lại; yếu tố hoá học như tiếp xúc không đúng cách với các mỹ phẩm dành cho móng, các hoá chất độc hại; hoặc yếu tố sinh học như nhiễm nấm, nhiễm vi khuẩn, nhiễm siêu vi...), di truyền, tình trạng kích thích, chấn thương da quanh móng và đầu ngón tay... Hoặc không rõ nguyên nhân, hoặc nhiều nguyên nhân gộp lại. Một số thuốc cũng gây ly móng thông qua cơ chế có liên quan ánh sáng (tetracyclin và dẫn xuất, doxycyclin, psoralen, thuốc ngừa thai...), hoặc không liên quan cơ chế này như captoril, bleomycin, 5-fluorouracil, retinoid, hydroxylamine...

Trong số các bệnh da, vẩy nến và nấm móng cho tổn thương dưới hình thức ly móng nhiều hơn các bệnh khác.

Móng trắng

So với các bất thường khác về màu sắc của móng, bệnh móng trắng thường gặp hơn. Móng có thể trắng toàn bộ hoặc chỉ một phần, thành vài đốm hoặc từng vệt dọc hay sọc ngang trên móng. Người ta chia làm hai loại: móng trắng thật (nếu do thay đổi cấu tạo của phiến móng) và móng trắng giả (chỉ tổn thương ở dưới móng hoặc giường móng).

Móng trắng có thể do di truyền (theo gen trội) hoặc mắc phải sau một nguyên nhân nào đó. Móng trắng do di truyền có thể kèm theo tật điếc và một số vấn đề khác về sức khoẻ. Thể mắc phải có thể đi kèm bệnh bạch biến hoặc do thuốc (thuốc trị ung thư, sulphonamides…), do chấn thương móng, nhiễm trùng cục bộ hoặc toàn thân như bệnh thương hàn, xơ gan, hội chứng thận hư, viêm ruột kết, bệnh phong, giảm canxi trong máu, thiếu kẽm, ngộ độc…

Móng chọc thịt

Thường xảy ra ở ngón chân cái nhưng các ngón khác cũng có thể bị. Bình thường hai cạnh bên của móng mọc thuôn ra, khi phần móng hai cạnh bên mọc cong lại hoặc bạnh ra, đâm vào vùng da của ngón sẽ gây ra móng chọc thịt. Tình trạng này có thể xảy ra do móng bị cong quá mức bình thường từ các nguyên nhân như: di truyền, mang giày quá chật, cắt tỉa móng không đúng cách, áp lực lên móng (chấn thương móng, đá banh, chạy nhảy...) Lúc đầu móng chọc thịt không đau, có thể chỉ là cảm giác cộm, vướng do móng thường xuyên chạm vào thịt. Về sau, khi bàn chân vận động nhiều hoặc mang giày chật, phần móng này sẽ đâm vào phần thịt xung quanh nhiều hơn, gây sưng tấy vùng da quanh móng. Trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn, da quanh móng trở nên viêm đỏ, chảy nước vàng hoặc mưng mủ làm người bệnh đau nhức. Thông thường, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân, kết hợp giảm đau, giảm viêm. Sau đó cắt hoặc đốt bỏ phần móng đâm vào thịt. Bệnh hay tái phát nếu còn tồn tại các yếu tố thuận lợi đã kể trên.

Cần lưu ý, không phải với nguyên nhân này thì chỉ hư phiến móng hay với nguyên nhân khác thì bị tách móng hoặc bất thường về màu móng, vẫn có nhiều bệnh thể hiện qua nhiều hình thức hư móng khác nhau cùng lúc. Muốn chữa khỏi các bất thường về móng, phải trị liệu nguyên nhân trước, móng sẽ ra lại dần dần. Để thấy sự cải thiện của bệnh, cần một thời gian dài, gồm thời gian giải quyết bệnh căn nguyên, cộng với thời gian cho sự tiến triển và hồi phục của móng. Cũng như làn da, các móng tay, móng chân giúp phản ánh phần nào tình trạng sức khoẻ của bạn. Do đó đừng coi thường khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở móng. Nên đi khám bệnh sớm khi da quanh móng có biểu hiện như tróc vẩy, sưng, đỏ, ngứa hoặc móng bị hư, biến dạng...

Cách chăm sóc móng

– Để móng với độ dài thích hợp: không nên quá dài, đặc biệt móng tay. Móng càng dài càng dễ bị tổn thương, gây vướng trong thao tác sinh hoạt và là nơi trú ngụ của các chất bụi bẩn, vi trùng. Nếu thích để dài, bạn chỉ nên để dài chừng 3mm. Tuy vậy, bạn cũng không nên cắt móng quá sát vì sẽ không đủ độ dài để bảo vệ cho vùng da đầu ngón.

– Dùng riêng bộ dụng cụ chăm sóc móng: để tránh lây lan một số bệnh (khi lỡ cắt sướt tay, chảy máu…) Giữ khô sạch sau khi dùng. Tốt nhất luộc chín hoặc hấp khô trước khi sử dụng.

Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý giúp cung cấp các chất thiết yếu cho móng: chú ý bổ sung đạm, canxi, kẽm, vitamine nhóm B, đặc biệt vitamin B5 và vitamin H (biotin) khi thấy móng có triệu chứng yếu, giòn, dễ gãy.

– Hạn chế sử dụng nước sơn, rửa móng tay quá thường xuyên: khi cần, nên chọn các sản phẩm có thương hiệu đã qua kiểm nghiệm nhằm hạn chế tiếp xúc với các hoá chất độc hại.

– Nên mang găng tay: khi phải tiếp xúc với các chất tẩy rửa, nước... Mỗi ngày dành một ít thời gian thoa kem dưỡng ẩm cho tay, thoa và massage nhẹ nhàng các vùng da quanh móng và phiến móng.

Theo BS Võ Thị Bạch Sương, giảng viên đại học y dược TP.HCM;
bác sĩ phòng chăm sóc da, bệnh viện đại học Y dược TP.HCM. (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đường

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đườngInfographic

(PLO)- Các loại hạt được biết đến là loại thực phẩm có hàm lượng đường huyết thấp, giúp giảm lượng đường trong máu. Chúng cũng có lượng carbohydrate hạn chế và có rất ít ảnh hưởng đến mức đường huyết trong cơ thể chúng ta. 

10 loại thực phẩm tốt cho thận

10 loại thực phẩm tốt cho thận

(PLO)- Được biết đến với tên gọi là 'kẻ sát nhân thầm lặng', bệnh thận có thể rất khó nhận biết, không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu. Dưới đây là 10 loại thực phẩm để bảo vệ thận của bạn.