Ngày 8-11 (giờ địa phương), cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra tại Mỹ. Toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 34 ghế tại Thượng viện và các ghế thống đốc bang, các vị trí quan chức địa phương sẽ được bầu lại.
Trong thời gian vận động tranh cử, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã đưa ra các quan điểm chính sách cả đối nội và đối ngoại nhằm thu hút sự ủng hộ của người dân, tăng khả năng chiến thắng trong cuộc đua vào lưỡng viện.
Cử tri đi bỏ phiếu sớm tại thị trấn Sandy Spring, hạt Montgomery, bang Maryland (Mỹ) vào ngày 27-10. Ảnh: GETTY IMAGES |
Đối nội ít khác biệt
Dễ dàng nhận thấy các mối quan tâm chính của người dân Mỹ thời điểm này là về kinh tế, an ninh, y tế. Theo tờ The Conversation, các cam kết đối nội của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tập trung nhiều vào các vấn đề này.
Về kinh tế - vấn đề được các cử tri Mỹ quan tâm hàng đầu, đảng Dân chủ hướng đến việc ổn định và phát triển kinh tế sau đại dịch. Chủ trương của đảng Dân chủ là sẽ triển khai vận động thông qua các gói hỗ trợ ngân sách lên đến hàng ngàn tỉ USD để đầu tư phát triển kinh tế. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu giảm lạm phát, giảm giá lương thực và năng lượng cho người dân. Theo tờ The New York Times, nếu các chính sách trên phát huy hiệu quả thì các nghị sĩ Dân chủ và ông Biden sẽ giành được lợi thế rất lớn trong bầu cử giữa kỳ. Mục tiêu của đảng Cộng hòa cũng là tập trung kéo Mỹ thoát khỏi lạm phát, đưa kinh tế đất nước trở lại đà phát triển trước đại dịch. Về cụ thể, đảng Cộng hòa dự kiến công bố đạo luật giảm một số loại thuế cá nhân và doanh nghiệp để thúc cầu từ người dân, thúc đẩy sản xuất, từng bước giảm lạm phát.
Kết quả bầu cử giữa kỳ sẽ phát đi tín hiệu về các chính sách trong vòng hai năm tới của Mỹ.
Về an ninh, cả hai đảng đều tập trung nỗ lực kiểm soát súng và an toàn xã hội tại Mỹ. Đảng Dân chủ tiếp tục thực hiện mục tiêu ngăn chặn các cá nhân có nguy cơ về an ninh sở hữu và sử dụng các loại vũ khí tấn công. Hồi tháng 8, đảng Dân chủ công bố kế hoạch “Safer America Plan” nhằm hạn chế bạo lực súng đạn. Theo kế hoạch này, đảng Dân chủ tính huy động thêm 100.000 cảnh sát tăng cường an ninh đường phố và chi hàng trăm tỉ USD đầu tư cho các hoạt động chống tội phạm trên toàn nước Mỹ. Đảng Cộng hòa dự kiến triển khai thêm 200.000 cảnh sát tuần tra trên các đường phố khắp nước Mỹ thông qua các gói tài trợ liên bang để bảo vệ an ninh và phòng chống tội phạm tại các tiểu bang.
Về y tế, đảng Dân chủ cam kết tiếp tục theo đuổi chính sách đầu tư, nâng cao cơ sở vật chất y tế và giảm giá một số loại thuốc kê đơn, cũng như quyết tâm hợp thức hóa quyền phá thai trên toàn nước Mỹ. Cam kết của đảng Cộng hòa là tiếp tục mục tiêu hỗ trợ phúc lợi y tế cho người dân thông qua việc thúc đẩy chương trình Medicaid tại các tiểu bang (chương trình cung cấp bảo hiểm y tế cho các cá nhân và gia đình có thu nhập thấp).
Kết quả bầu cử giữa kỳ sẽ phát đi tín hiệu về các chính sách trong vòng hai năm tới của Mỹ, theo The New York Times.
“Đảng Cộng hòa không rõ tình hình chiến sự tại Ukraine, nếu đảng này chiến thắng thì Kiev có thể mất nguồn viện trợ từ Washington” - đài ABC News dẫn ý kiến Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tương đồng về đối ngoại
Bầu cử giữa kỳ diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức đối ngoại. Không chỉ khá giống nhau ở chính sách đối nội, chính sách đối ngoại của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng khá tương đồng, theo tạp chí Foreign Policy.
Cụ thể, cả hai đảng đều tuyên bố đứng về phía Kiev trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Theo nghị sĩ Dân chủ Adam Smith, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ vũ trang Hạ viện, chủ trương của đảng Dân chủ là tiếp tục ủng hộ tài chính cho Ukraine, còn đảng Cộng hòa ủng hộ sáng kiến viện trợ thêm nhiều vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Trong mối quan hệ với Iran, cả hai đảng đều có những chính sách cứng rắn để siết chặt ảnh hưởng của Tehran. Sự cứng rắn mà hai đảng nhắm tới là về trừng phạt. Trong khi đảng Cộng hòa tập trung vào các lệnh trừng phạt có liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran thì đảng Dân chủ cho biết sẽ không bỏ qua cho Iran trước động thái hỗ trợ UAV cho Nga trong xung đột Moscow - Kiev, theo trang National Review.
Trong quan hệ với Bắc Kinh, quan điểm của hai đảng trong lưỡng viện Mỹ cũng tương đồng. Đảng Dân chủ có kế hoạch cạnh tranh, ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, tái cấu trúc trật tự quốc tế. Trong khi đó, phe Cộng hòa chủ trương tập trung giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.•
Hàng chục triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm
Cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 chính thức diễn ra vào ngày 8-11, tuy nhiên, từ ngày 28-10, cử tri nhiều bang được phép bỏ phiếu sớm, theo hãng tin Reuters. Đã có hàng chục triệu cử tri bỏ phiếu ở 46 bang. Tỉ lệ bỏ phiếu sớm ở đợt bầu cử này vượt qua mức năm 2018, theo đài CNN. Theo thăm dò của hãng Gallup thì tỉ lệ bỏ phiếu sớm tính đến ngày 2-11 đã là 41%, cao hơn mức 34% năm 2018.
Về hình thức bỏ phiếu và kiểm phiếu, bầu cử giữa kỳ năm 2022 áp dụng hình thức bỏ phiếu hỗn hợp (bỏ phiếu qua máy điện tử tại trung tâm bầu cử và bỏ phiếu giấy). Quá trình kiểm phiếu sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng tay để đảm bảo độ tin cậy từ cử tri. Những người thắng cử vào Quốc hội khóa 118 sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 3-1-2023.