Vào ngày 8-11 tới (giờ địa phương), chính trường Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden. Cuộc bầu cử năm nay sẽ bầu lại tất cả 435 ghế hạ nghị sĩ và 35/100 ghế thượng nghị sĩ. Ngoài cuộc đua vào lưỡng viện Quốc hội, cuộc bầu cử còn bầu lại 36 thống đốc bang và lãnh đạo chính quyền địa phương. Lúc này là thời gian để hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tranh thủ mọi nguồn lực để vận động cử tri.
Một nhóm cử tri tham gia cuộc vận động tranh cử của ứng viên nghị sĩ tại bang New Mexico ngày 29-10. Ảnh: ABS |
Đảng Dân chủ nhiều nỗi lo
Kể từ 2020 đến nay, đảng Dân chủ đã kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện của Quốc hội, tạo bệ phóng cho ông Biden dễ dàng thực hiện chương trình nghị sự của mình. Đơn cử, gói kích cầu kinh tế giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 trị giá 1,9 ngàn tỉ USD được Quốc hội thông qua với kết quả rất sít sao, 220-211 ở Hạ viện và 50-49 ở Thượng viện hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, khả năng giữ được thế đa số này của phe Dân chủ sau kỳ bầu cử sắp tới là không dễ dàng bởi theo số liệu của hãng phân tích Gallup (Mỹ), các số liệu về mức độ hài lòng đối với nền kinh tế quốc gia của Mỹ rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1982.
Chỉ 40% người Mỹ được hỏi ủng hộ cách điều hành của Tổng thống Biden, 17% hài lòng với tình hình ở Mỹ và 21% ủng hộ hoạt động của Quốc hội dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ. Giới quan sát dự báo kết quả của cuộc bầu cử sắp tới phụ thuộc phần nhiều vào lá phiếu của các cử tri trẻ và những vấn đề như lạm phát, quyền tiếp cận phá thai và công bằng sắc tộc là những mối quan tâm hàng đầu của thế hệ này, theo hãng tin AP.
Cộng hòa - Dân chủ cạnh tranh quyết liệt
Tại Thượng viện, số ghế lúc này giữa hai đảng đang chia đều rất sát. Đảng Dân chủ chỉ nắm 50 ghế vừa đủ thế đa số trong tổng số 100 thành viên viện này nhưng vì chủ tịch Thượng viện là Phó Tổng thống Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ nên lá phiếu của bà đã cho phép đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện. Như vậy, đảng Cộng hòa chỉ cần thắng một ghế trước đảng Dân chủ là có thể kiểm soát Thượng viện trong ít nhất hai năm tới.
Hồi ngày 29-10, đài CNN đưa tin đã có khoảng 17 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm, trong đó hơn 6 triệu cử tri bầu trực tiếp, số còn lại gửi phiếu bầu qua đường bưu điện. Đây được cho là con số khá cao so với các kỳ bầu cử giữa kỳ trước đó. Ông Biden cũng đã đi bỏ phiếu sớm tại quê nhà là bang Delaware. Trả lời phỏng vấn, ông cho hay đã lên kế hoạch tham gia vận động tranh cử cho ứng viên đảng Dân chủ tại các bang New Mexico, California và Maryland trong những ngày tới.
Trong khi đó, ở Hạ viện, với tỉ lệ Dân chủ 220 ghế - Cộng hòa 212 ghế hiện nay, đảng Cộng hòa sẽ cần giữ nguyên được số hiện tại và giành thêm được sáu ghế nữa để hội đủ 218 ghế và giành lại quyền kiểm soát Hạ viện.
Kịch bản tốt nhất cho phe Dân chủ lúc này là đảng Cộng hòa sẽ chiếm đa số ở Thượng viện, còn đa số ghế ở Hạ viện vẫn là của phe Dân chủ. Dĩ nhiên, vẫn có khả năng đảng Cộng hòa kiểm soát luôn Hạ viện nhưng các cuộc bầu cử tại những bang chiến địa năm nay như Pennsylvania, California, Ohio và North Carolina chưa xác định được xu hướng cử tri sẽ chọn ứng viên phe nào. Hồi tháng 5, Tổng thống Biden từng dự báo đảng Dân chủ có thể kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện. Thế nhưng hồi tuần trước, ông thừa nhận cuộc đua hiện đã trở nên sít sao. “Chúng tôi và họ thay nhau dẫn trước” - ông Biden nói. Ông đánh giá tỉ lệ sẽ còn thay đổi và có thể sẽ đảo chiều về phía đảng Dân chủ trước ngày 8-11.
Các chuyên gia nhận định bất kỳ chiến thắng nào của đảng Cộng hòa tại Hạ viện hoặc Thượng viện đều có thể gia tăng chia rẽ đảng phái ở Mỹ và sẽ tạo ra vô số thách thức cho chương trình nghị sự của chính quyền ông Biden trong hai năm tới. Hơn nữa, việc đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội cũng có thể góp phần gia tăng sức nặng tiếng nói của cựu Tổng thống Donald Trump - người được cho là ứng viên đại diện đảng này tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào năm 2024.
Với hy vọng giành được ưu thế trước đảng Dân chủ, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã công bố một chương trình nghị sự ưu tiên giải quyết một loạt vấn đề từ lạm phát, tội phạm cho đến trách nhiệm giải trình bầu cử, theo tờ The New York Times.
Mang tên “Cam kết với nước Mỹ”, chương trình cam kết sẽ cho cử tri thấy cách thức đảng Cộng hòa giải quyết các vấn đề mà nước Mỹ đang phải đối mặt nếu các nghị sĩ đảng này giành thế đa số tại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tới. Phần lớn chương trình gồm các mục tiêu chính sách như kiềm chế chi tiêu lãng phí, hỗ trợ quân đội Mỹ, tăng trách nhiệm của cha mẹ trong giáo dục con cái, bảo vệ thai nhi...
Trong khi đó, nhiệm vụ của đảng Dân chủ là giữ được thế đa số tại lưỡng viện mặc dù điều này là không hề dễ dàng. Các chủ đề mà Tổng thống Biden cùng đảng Dân chủ đang tập trung giải quyết rộng hơn nhiều khi phải kiểm soát lạm phát, bảo vệ quyền được phá thai, quyền bầu cử, ứng phó với Trung Quốc, thúc đẩy xây dựng các nhà máy mới, xử lý vấn đề biến đổi khí hậu, giảm thâm hụt ngân sách và tăng cường viện trợ cho Ukraine.
Có thể thấy rằng danh sách các ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden dàn trải trên mọi lĩnh vực và tác động đáng kể tới nhiều thành phần cử tri. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đó chính là giảm chi phí cho người dân trong bối cảnh lạm phát tiếp tục ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Đây là yếu tố tác động nhiều nhất tới tâm lý và lá phiếu của cử tri trước cuộc bầu cử sắp tới.
Ngoài ra, các đảng viên Dân chủ cũng hy vọng rằng các vấn đề pháp lý của ông Trump sau khi Cục Điều tra liên bang (FBI) đột kích vào nhà riêng của ông tại bang Florida, cũng như việc tiếp tục điều tra vai trò của ông trong việc thúc đẩy vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội vào tháng 1 năm ngoái, sẽ khiến cử tri có chiều hướng không ủng hộ các ứng viên Cộng hòa.•
Dù kết quả bầu cử ra sao...
Nếu đảng Dân chủ duy trì quyền kiểm soát ở Quốc hội, chính sách đối ngoại của ông Biden tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được tiếp tục. Nhà Trắng cũng sẽ không gặp trở ngại nào trong việc bổ nhiệm các đại sứ mới và các nhà ngoại giao khác nếu đảng Dân chủ giữ được quyền kiểm soát Thượng viện. Sự hỗ trợ trong nước có thể giúp ông Biden cảm thấy có động lực hơn khi làm việc với các đối tác khu vực.
Ông Michael O›Hanlon, chuyên gia chính sách đối ngoại cấp cao tại Viện Brookings (Mỹ), dự đoán nếu đảng Cộng hòa nắm được đa số tại Hạ viện cũng sẽ không có nhiều tranh cãi về chính sách thương mại hoặc chi tiêu quốc phòng chung. “Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội thì đây có thể là một thay đổi lớn. Nhưng việc không có nhiều tranh cãi về chính sách thương mại hoặc chi tiêu quốc phòng chung cho thấy lưỡng đảng đều ủng hộ việc phát triển quốc phòng mạnh mẽ và thận trọng đối với thương mại”.