Sáng 10-8, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp (DN) năm 2016. Buổi đối thoại nóng lên khi ông Nguyễn Văn Đệ (tức bầu Đệ), Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa lên tiếng đề xuất với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chuyển ông Đào Vũ Việt, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, làm công tác khác. Xung quanh vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với bầu Đệ.
Lo sợ tụt hậu
. Phóng viên: Thưa ông, vì sao ông đưa ra đề xuất chuyển ông Đào Vũ Việt sang làm công tác khác?
+ Ông Nguyễn Văn Đệ: Lý do là kỷ cương phép nước mà thực thi không nghiêm, tức là trên nói dưới không nghe, mà dưới thì chống lại trên. Tôi thấy nếu để ông Việt ở lại thì đây là nguồn nguy cơ tụt hậu của Thanh Hóa. Cứ DN nào liên quan đến lĩnh vực xây dựng lên đấy (Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa - PV) là phải xin, năn nỉ, tiêu cực. Nếu không đáp ứng được những yếu tố như vậy thì ông Việt sẽ “ngâm” hồ sơ từ một tháng đến vài ba tháng, thậm chí có hồ sơ cả năm.
Việc “ngâm” hồ sơ như thế khiến cộng đồng DN Thanh Hóa rất bức xúc. Đây là một sự nhức nhối, u nhọt cần phải được cắt bỏ. Chúng tôi đã phản ánh vấn đề này lên cấp trên và đề nghị là sai đến đâu thì phải xử lý đến đó, thế nhưng không được xử lý rốt ráo.
. Ông từng phát biểu rằng khi lên tiếng bảo vệ hội viên của mình thì bị ông Đào Vũ Việt “trả thù”. Ông có thể nói rõ thêm về điều này?
+ Tôi xin được ví dụ: Khi DN Huy Lâm vừa phát văn bản kiến nghị giải quyết thủ tục vì “chậm” thì Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra DN Huy Lâm ngay lập tức, thậm chí là kiểm tra ngay cả vào thứ Bảy. Ngay hôm sau Huy Lâm có văn bản kêu cứu, nhờ Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa can thiệp, sau đó hiệp hội có văn bản thì ngay lập tức Sở Xây dựng lại thanh tra Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Hợp Lực (của ông Đệ - PV).
Những việc làm như thế thì không ai nghĩ là họ không “trả thù”, “đánh vùi, đánh dập”. Đây là hành vi mà theo tôi nghĩ không thể chấp nhận được.
.Nhưng phía Sở Xây dựng từng trả lời rằng họ đã làm đúng quy trình, pháp luật, quy định của tỉnh nhằm đảm bảo trật tự xây dựng?
+ Tôi nghĩ rằng đó là biện bạch cho những người không chịu tìm hiểu hoặc đến tìm hiểu lớt phớt. Ở đây cần phải nhìn ở góc độ chuỗi việc mà ông Việt làm mới biết rõ rằng là việc đó tốt hay không tốt. Ví dụ như DN chưa đủ yêu cầu thẩm định về PCCC, ông ấy vẫn cấp phép cho người ta xây. Hay nhiều công trình xây dựng ở Thanh Hóa “có vấn đề” nhưng vẫn cho qua. Như vậy tính công bằng ở đâu trong điều hành quản lý nhà nước trên địa bàn?
Ông Nguyễn Văn Đệ tin là cơ quan chức năng sẽ sớm tháo gỡ vướng mắc để các DN của tỉnh Thanh Hóa phát huy các thế mạnh của mình. Ảnh: ĐT
Sai đến đâu sửa đến đó
. Ông cũng từng phát biểu rằng những hành động của ông Đào Vũ Việt đã gây khó dễ cho cộng đồng DN. Trên cơ sở nào ông đưa ra nhận xét này?
+ Thứ nhất, khi DN sai thì tiến hành xử phạt theo quy định. Nhưng đến bây giờ ông Việt vẫn không làm mà tiếp tục gây ức chế và bắt bẻ DN. Thứ hai, trong quá trình thanh tra, ông Việt ra một thông báo căn cứ của Thanh tra Bộ Xây dựng là DN Huy Lâm không được cấp giấy phép, trong khi đó Thanh tra Bộ Xây dựng chưa hề có kết luận. Đây chính là vi phạm.
Đặc biệt đến hôm qua (13-8) chúng tôi mới nhận được dự thảo mới có sự thống nhất giữa các bên nhưng ông Việt trước đó cả tuần đã có văn bản căn cứ kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Đến nay Sở Xây dựng cũng chưa có hướng dẫn DN khắc phục sai sót. Chẳng hạn vụ DN Huy Lâm có hàng chục tấn sắt nằm ở dưới nước, ai là người nghĩ cho tổn thất của Huy Lâm? Việc cố tình “ngâm” như thế này thì hậu quả là công trình sẽ xuống cấp, trong khi họ chỉ nghĩ đến việc xử lý vi phạm.
. Không chỉ chỉ trích lối làm việc của Sở Xây dựng mà ông còn phê phán giới công chức tỉnh Thanh Hóa. Ví dụ, ông từng nói “công chức cứ trả thù, trả đũa thì có luật cũng như không!”, “Hiệp hội đứng ra bảo vệ cho một thành viên lép vế là người ta quay sang “đánh” hiệp hội ngay” … Vì sao ông phát ngôn như vậy?
+ Tôi phát ngôn như vậy là hoàn toàn đúng! Cái nhức nhối chính là môi trường kinh doanh không công bằng. Họ chỉ quan tâm đến một số DN lớn, ưu ái đặc biệt, thậm chí có những công trình dùng cả tiền ngân sách để giải phóng mặt bằng và có những công trình nguyên tắc phải đấu thầu thì họ chỉ định thầu làm cho méo mó thị trường. Trong khi đó, DN yếu thế nhỏ và vừa không có cửa vào được. Đáng lẽ khi DN sai thì phải chỉ ra cái sai để họ sửa, giúp đỡ, tạo điều kiện. Đáng lẽ khi công chức, viên chức sai thì cũng bình đẳng như dân, tức là phải xử lý nghiêm.
Một khi có tư tưởng bao che cho cái sai của công chức thì sẽ hạn chế tối đa phát triển, tạo tham nhũng, tiêu cực. Không nên có chuyện bênh công chức mà bỏ rơi DN và người dân, cũng không nên có chuyện bênh nhân dân, DN và bỏ rơi công chức. Cần phải dựa trên pháp luật để làm đúng.
Thế mà khi chúng tôi kiến nghị những cái sai liên quan đến công chức thì gần như bị làm lơ. Tôi cho rằng nguyên nhân là do họ không dám nhìn vào sự thật, không dám sai đến đâu sửa đến đó.
. Thưa ông, ông nghĩ gì khi nói rằng: “Một ông giám đốc Sở Xây dựng, không hiểu có ai bao che cho mà quyền lực ghê gớm thế? Lợi ích nhóm bao trùm một cách ghê gớm”?
+ Tôi cho rằng những hiện tượng và việc làm cụ thể của ông Việt không được xử lý có lẽ có người chống lưng. Ông Việt muốn làm gì thì làm, khi DN phát giác, tố cáo thậm chí là có đơn nhưng sau đó chìm xuồng.
. Có dư luận cho rằng giữa ông và ông Đào Vũ Việt có mâu thuẫn cá nhân nên mới dẫn đến những xung đột gay gắt như hiện nay?
+ Tôi hoàn toàn không có mâu thuẫn cá nhân gì với ông Việt. Ở vị trí chủ tịch hội 18 năm, mỗi lần bảo vệ cho hội viên, tôi đều va chạm với công chức. Ở đây là tinh thần đi đến chân lý, tháo gỡ vướng mắc để thuận lợi cho phát triển.
. Có dư luận cho rằng những phát ngôn của ông quá sốc và cần có thời gian kiểm chứng mới biết có đúng sự thật hay không. Ông nghĩ gì về điều này?
+ Tôi có niềm tin là cơ quan chức năng sẽ sớm tháo gỡ vướng mắc để DN Thanh Hóa đỡ nghẹt thở như hai tháng vừa qua.
. Xin cám ơn ông.
Cán bộ cũng sai, doanh nghiệp cũng sai! Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết quan điểm của tỉnh về những mâu thuẫn giữa Hiệp hội DN tỉnh và Sở Xây dựng đã được thể hiện trong văn bản kết luận trước đó (hôm 28-7) của Sở Nội vụ. Cụ thể, công chức trực tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Xây dựng đã có thiếu sót, khuyết điểm khi nhận hồ sơ của DN. DN Huy Lâm đã thi công công trình ngay sau thời điểm nộp hồ sơ đề nghị thẩm định nên việc họ phản ánh Sở Xây dựng chậm thẩm định hồ sơ khiến họ vi phạm trật tự xây dựng là sai, không có cơ sở. Thực tế quá trình giải quyết thủ tục hành chính của DN Huy Lâm kéo dài do hồ sơ của DN có nhiều sai sót... Từ đó DN phải bổ sung, chỉnh sửa. Sở Nội vụ cũng kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo giám đốc Sở Xây dựng tổ chức phê bình, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh việc giao dịch. Yêu cầu chủ DN Huy Lâm nghiêm túc rút kinh nghiệm về trách nhiệm của DN trong việc thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật trong sự việc này. Hiệp hội DN tỉnh tổ chức kiểm điểm về những nội dung liên quan đến sự việc vừa qua và xử lý trách nhiệm đối với chủ tịch hiệp hội, những tập thể, cá nhân có liên quan. “DN muốn yên bình để làm ăn” Tôi nghĩ những mâu thuẫn, khúc mắc giữa tôi và giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa mà chưa được giải quyết dứt điểm là một việc đáng tiếc vì đã làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Nếu ông Việt cũng cảm nhận được như tôi thì sẽ có lời giải đáp thỏa đáng. Nhưng chúng tôi có thiện chí, làm hết sức mình để gặp, để trao đổi với tinh thần xử lý công việc dựa trên pháp luật. Song họ không thiện chí mà còn “đánh” chúng tôi. Việc này khác nào làm gia tăng những mâu thuẫn, đồng thời để DN yếu thế phải ngoan, đừng hỗn với cơ quan nhà nước. Tôi cho rằng nếu ông Việt thấu hiểu được việc ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh thì cần phải hợp tác giữa các bên. Bản thân DN không ai muốn va chạm với công chức nhà nước mà họ muốn yên bình để làm ăn, vì va chạm với cơ quan nhà nước là hoàn toàn bất lợi! Ông NGUYỄN VĂN ĐỆ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa |