Ông Đệ cho hay với tư cách là chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa, ông được ban chấp hành hiệp hội giao kiến nghị bảo vệ một DN hội viên bị Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa gây khó khăn. “Chúng tôi có hiệp hội. Nhưng khi hội đứng ra bảo vệ hội viên là cơ quan chức năng quay sang “đánh” hiệp hội, đánh chủ tịch hiệp hội ngay” - ông Đệ nói.
Ông Nguyễn Văn Đệ: “DN nhỏ như cá nằm trên thớt!”.
Theo ông Đệ, DN Việt Nam tới 90% có những lúc bị coi là vi phạm cũng được mà không vi phạm cũng được. “Nếu xét về luật thì không sao nhưng nghị định, giấy phép con lại sai. Rất khổ. Công chức mà cứ làm khó DN thì không biết khi nào DN mới phát triển” - ông Đệ than.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết việc chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa và một số DN Thanh Hóa bị gây khó khăn, VCCI sẽ cử một đoàn công tác đặc biệt sớm vào làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong những ngày tới.
Nói về việc hỗ trợ DNNVV, ông Lộc cho rằng: Việt Nam hiện có 400.000 DNNVV đang hoạt động, phần lớn DN này đang tự chủ sản xuất, kinh doanh, Nhà nước thông qua một số chính sách như miễn, giảm thuế... “Hoạt động hỗ trợ chỉ diễn ra khi DN gặp khó khăn chứ chưa thành chiến lược và chưa nhắm đến hiệu quả lâu dài” - ông Lộc nói.
Từ đó, ông Lộc cho rằng việc hỗ trợ DNNVV cần phải theo nguyên tắc trực tiếp, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế "xin-cho", thay vào đó là cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho DN.
“Việc hỗ trợ DN nói chung cần đúng trọng tâm, có trọng điểm, dứt khoát không có cơ chế "xin-cho", không làm thay DN và các hiệp hội, không “đẻ” thêm bộ phận chuyên trách hỗ trợ DNNVV…” - ông Lộc nói và cho rằng việc hỗ trợ các DNNVV cần nhắm tới những DN có tiềm năng phát triển chứ không phải những DN khó khăn triền miên.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: “Dứt khoát không thể có “xin-cho” trong hỗ trợ DNNVV”.