“Bây giờ tôi phải đi đâu?”

Ông năm nay 80 tuổi, hơn bà 17 tuổi. Vợ mất sớm, ông ở vậy nuôi con. Cuộc mưu sinh vất vả cứ thế trôi đi. Một ngày nhận ra mình đã già, lòng ông trỗi dậy mong ước có người bạn đời để chia sẻ buồn vui. Còn bà, từng lấy chồng từ năm 18 tuổi. Ba năm sau, chồng bỏ theo người khác, bà cũng ở vậy nuôi con. Năm 1992, em trai của bà thấy ông… cũng được, lại hoàn cảnh nên làm mai.

“Em tôi bảo: Chúng em còn có gia đình, sau này chị già yếu, ai chia sẻ, chăm nom. Vậy là tôi quyết định gá nghĩa cùng ổng” - bà nhớ lại. Bà bảo hồi trẻ bà sợ đàn ông, không ngờ cuối đời lại có thêm tấm chồng. Nghe lời em, bà đón ông về, đăng ký kết hôn, sửa sang nhà cửa, xây phía sau để có thêm chỗ ở.

Hai năm đầu chung sống, bà vui lắm, nghĩ rằng cuộc đời đã đền cho bà một người thay thế “kẻ phụ bạc” năm xưa. Nhưng từ năm 2005, ông trở nên trái tính. Chỉ một chuyện nhỏ cũng làm ông bẳn gắt. Thương chị, lại nghĩ chắc tại mình, người em đã dọn ra riêng. Ông vẫn không thay đổi, thường kiếm chuyện gây sự. Nhiều lần ông chửi bới xong thì dọa đốt nhà, ném bom xăng… Bốn lần bà phải nhờ chính quyền can thiệp nhưng ông vẫn chứng nào tật nấy. Cực chẳng đã, bà đành xin ly hôn.

Tại phiên sơ thẩm ngày 26-12-2011, TAND quận Bình Tân (TP.HCM) đã chấp thuận nguyện vọng của bà. Về tài sản chung, ông bà thỏa thuận chia đôi giá trị phần nhà xây sau kết hôn, ông nhận tiền (110 triệu đồng) để ra đi. Ông đồng ý nhưng sau đó kháng cáo vì “tôi còn thương yêu bả”.

Ngày TAND TP.HCM xử phúc thẩm, họ cùng ra khỏi nhà. Ông chạy xe máy, bà đón xe buýt. Bà đến trước, chân đau rát vì đi bộ từ trạm đến tòa. Ông đến sau, áo ướt đẫm mồ hôi vì nắng nóng.

Vị thẩm phán chủ tọa phiên phúc thẩm hỏi: “Ông và bà đều già cả rồi, liệu có thể hòa giải, tiếp tục chung sống không?”. Ông lãng tai, tòa hỏi một đằng, ông trả lời một nẻo, tòa phải nhắc đi nhắc lại câu hỏi ông mới hiểu ra.

“Tôi già yếu, lại bị bệnh Gout. Bả bị ung thư vú, chữa trị tốn kém. Tôi muốn ở lại chăm sóc bả cho có vợ có chồng” - ông nói với vẻ tha thiết. Bà cũng tha thiết không kém: “Thưa tòa, tôi chịu đựng đủ rồi. Ổng khó quá, sống không hạnh phúc. Không còn tình cảm gì nữa, giờ tôi chỉ mong được yên ổn”.

Xét thấy mâu thuẫn giữa họ đã kéo dài nhiều năm, tòa quyết định bác kháng cáo của ông. Phiên xử kết thúc, ông nán lại hỏi thêm vì nghe không rõ. Nữ thư ký phải nhiều lần nhắc lại phán quyết của tòa. Hiểu rồi, ông rầu rầu ngơ ngác, nói như hỏi chính mình: “Vậy giờ tôi phải đi đâu?”.

Bà mệt mỏi ngồi nghỉ ở ghế đá. Ông ra khỏi phòng xử, đến gần: “Giờ làm sao, tôi phải đi đâu?”. Bà bảo: “Thì tòa đã xử ly hôn rồi, tiền ông cũng cầm rồi, ông về sắp xếp rồi đi đâu thì đi hoặc bảo mấy đứa nó lo cho ông”.

Ông bỏ đi vài bước, rồi quay lại “bức xúc”:

- Vậy sao hồi đó bà cứ đòi mần hôn thú sớm sớm?

- Tại tôi tưởng có được người bạn, ai dè… - bà đáp nhanh.

Tranh cãi một hồi, ông gút lại: “Tôi sẽ thưa đến cùng”. “Ông muốn thưa đâu thì thưa” - bà nói với theo rồi quay mặt đi. Hình như mắt bà ngấn lệ.

Nắng đã nhạt màu. Ông liêu xiêu bước đi. Bà ngồi thừ ở ghế đá, tóc thưa thớt vì hóa trị. Nhìn họ, tôi hiểu có đôi khi chiều của một ngày cũng buồn như chiều của một đời!

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm