Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM (LHPN) giúp đỡ những phụ nữ nghèo, khuyết tật trên địa bàn TP cải thiện cuộc sống với phương châm cho cần câu chứ không cho con cá.
Muốn buôn bán gì, hỗ trợ ngay
Chị Rohymah (dân tộc Chăm, sống ở chung cư 86/1, đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, TP.HCM) không giấu nổi vui mừng khi khoe với tôi rằng vừa được Hội LHPN quận Bình Thạnh tặng một xe nước mía.
10 năm trước, chồng của chị qua đời, một mình chị nuôi hai con ăn học. Cả hai người con nay đã có gia đình riêng nhưng đều khó khăn. Một mình chị Rohymah phải nuôi mẹ già bị tai biến nằm một chỗ và người chị bị bệnh nặng. Bản thân chị Rohymah cũng vừa trải qua một đợt phẫu thuật vì bị u xơ tử cung và bướu cổ. Sau khi mổ xong, mắt phải của chị mờ hẳn và đến nay thì không nhìn thấy được rõ.
Lúc trước, chị Rohymah sống bằng nghề bán hột vịt lộn. Từ lúc mổ xong, chị càng túng thiếu vì phải chi thêm tiền thuốc. Chị xin phụ việc ở nhà hàng nhưng việc nặng mà lương thấp, sức khỏe không đủ nên nghỉ. “Lúc đó chỉ ước ao có được cái xe nước mía để bán gần nhà, có thêm thu nhập để xoay được khoản này khoản kia chứ bán hột vịt lộn thì không đủ lo cho cả nhà” - chị Rohymah nói.
Từ khi được cấp xe nước mía, cuộc sống của chị Rohymah đỡ vất vả hơn trước. Ảnh: THANH TUYỀN
Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống nên chị không dám mong được hỗ trợ tiền, chỉ mong có thêm phương tiện để mưu sinh.
Khi các chị trong Hội LHPN quận xuống trao tặng xe nước mía, chị Rohymah bảo không tin là ước mơ của mình trở thành hiện thực. “Tôi có tâm sự với mấy chị như chị em trong nhà thôi, ai ngờ lại thành hiện thực, tôi mừng quá trời quá đất!” - chị phấn khởi.
Từ ngày có xe nước mía, chị Rohymah trang trải thêm nhiều chi phí sinh hoạt hằng ngày. “Bán vậy dù có ngày ế nhưng mình có thêm tiền để mua gia vị, gạo hay vài con cá mà ăn. Tôi có lấy thêm áo mưa về để bán nữa. Dù không nhiều nhưng cuộc sống của ba mẹ con tôi cũng đỡ hơn ngày trước nhiều lắm” - chị nói.
Ở nhiều quận, huyện khác trên địa bàn TP.HCM, rất nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn như chị Rohymah cũng nhận được sự hỗ trợ tương tự.
Trước đó, chị Phạm Thị Thìn (người khuyết tật, hiện sống ở quận Tân Bình) cùng chồng sống ở Đà Lạt. Sau khi chuyển về TP.HCM, chị xin phụ việc cho nhiều nơi, còn anh thì đan len để kiếm sống qua ngày nhưng cuộc sống vẫn còn rất khó khăn. Thấy vậy, Hội LHPN quận Tân Bình đã hỗ trợ kinh phí để mua len cùng vật dụng đan len cho anh chị. “Thời gian này tôi có làm thêm các sản phẩm gia dụng, đồ trang sức từ len như vòng đeo tay, vòng cổ… nên cũng có đồng ra đồng vào. Từ ngày được mấy chị hỗ trợ kinh phí để mua len rồi vài vật dụng cần thiết khác, chúng tôi có thêm động lực để làm vì biết mình cũng được quan tâm” - chồng chị Thìn chia sẻ.
Có động lực vươn lên vì được quan tâm
Là một người khuyết tật bẩm sinh, hai chân không thể đi lại được, chị Trần Thị Kim Danh (ngụ quận Bình Thạnh) cùng chồng mưu sinh bằng nghề bán vé số. Hoàn cảnh đã khó khăn, hai anh chị như bế tắc hoàn toàn khi có đứa con đầu lòng. Nắm rõ tình hình của chị, Hội LHPN quận Bình Thạnh trang bị cho chị một xe máy dành cho người khuyết tật. “Trước đó mình đi bán chỉ toàn bằng xe buýt, có xe máy thì chủ động hơn rất nhiều. Mình có thể đi xa hơn chứ không chỉ quanh quẩn ở một vài nơi để bán” - chị Danh tâm sự.
Trong một lần đi bán, chị Danh vô tình gặp được một sinh viên bán bóp, ví. Trò chuyện với nhau được một lúc thì chị quyết định sẽ cùng với sinh viên đó bán hàng. “Sáng mình tranh thủ đi bán vé số rồi chiều về bán bóp, ví với em sinh viên đó. Mình sẵn có xe máy nên nhận đi giao hàng luôn” - chị Danh hào hứng kể.
Tuần rồi, chị cùng em sinh viên quyết định lập trang web trên mạng để bán thêm. Chị sẽ kiểm tra mặt hàng và bán cho những ai quen biết gần nhà vì không thạo về vi tính. Nhưng bán thì cần phải có tủ để trưng bày sản phẩm, chị ngỏ ý với các chị trong hội phụ nữ và được cấp một tủ kính để bày hàng ra trưng. “Dù chỉ mới bắt đầu bán thôi, biết là chưa thể đòi hỏi bán đắt ngay được nhưng vẫn thấy vui vì mình được mọi người quan tâm, được hỗ trợ hết sức có thể” - chị Danh chia sẻ.
Là một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn của xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP.HCM, chị Trần Thị Huệ đã được huyện hỗ trợ kinh phí để mua xuồng vào tháng 5 vừa qua. Vì tổng chi phí một chiếc xuồng lên đến mấy chục triệu đồng, không có đủ tiền nên chị đã phải chạy vạy khắp nơi. Khi biết được hoàn cảnh của chị, các chị Hội LHPN huyện đã đề xuất xin hỗ trợ để chị có đủ tiền mua chiếc xuồng mới, cải thiện việc làm ăn của gia đình.
Ngoài những phương tiện trên, xe hủ tiếu, máy may gia công, xe đạp điện, xe máy, cây gậy dò đường hay phụ tùng sửa xe… đều là những phương tiện mưu sinh mà Hội LHPN TP.HCM đang triển khai để hỗ trợ cho chị em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.
Mang hạnh phúc đến từng nhà Nhằm góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, chúng tôi lên kế hoạch với ý tưởng làm sao hỗ trợ các phương tiện để giúp chị em có thể làm ăn, cải thiện kinh tế gia đình. Khi kinh tế gia đình ổn định thì những chuyện lục đục trong nhà cũng sẽ bớt đi, họ tin yêu cuộc sống hơn. Chúng tôi yêu cầu hội phụ nữ ở cơ sở quận, huyện rà soát thật cụ thể về hoàn cảnh của người nghèo, kể cả những người khuyết tật có hoàn cảnh không may. Trên cơ sở nhu cầu của mỗi người, chúng tôi vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hỗ trợ chi phí để giúp họ. Chúng tôi hy vọng sẽ giúp chị em có thể làm chủ kinh tế gia đình mình và giúp chị em xây dựng hạnh phúc bền vững. Bà TRẦN THỊ PHƯƠNG HOA, Phó Chủ tịch Hỗ trợ phương tiện sinh kế là chương trình của Hội LHPN TP.HCM được thực hiện từ đầu năm nay dành cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khuyết tật. Đã có 36 trường hợp đã và đang tiếp nhận các phương tiện để cải thiện cuộc sống của gia đình. |