Bệ phóng đến giải “Nobel toán học”

Bác của anh là GS toán Ngô Thúc Lanh. Con đường đi đến thành công của Ngô Bảo Châu luôn có sự tiếp sức bền bỉ của cha mẹ anh. GS Ngô Huy Cẩn là một nhà khoa học, ông biết cách nuôi dưỡng ước mơ cho con và giúp con thực hiện ước mơ bằng cách chọn trường tốt nhất, chọn thầy giỏi nhất cho con.

Thầy cô giáo và bạn bè của Châu từ những năm cấp 1 cho tới đại học đều nhớ anh. Anh là một trong các học sinh thuộc khóa đầu tiên (1979-1984) của Trường Thực nghiệm Giảng Võ (Hà Nội) thực hiện đề tài khoa học giáo dục thực nghiệm của GS-TS Hồ Ngọc Đại. Là mô hình giáo dục mới nên trường không có chương trình tự quảng bá, học sinh khóa đầu phần lớn là con của các nhà khoa học có quen biết GS-TS Hồ Ngọc Đại và đề tài của ông nên “gửi gắm”.

Ngô Bảo Châu từ bé đã chăm học. Mẹ anh, PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền, cho biết hồi nhỏ anh “suốt ngày làm toán, có sách toán nào là làm hết, giải từ bài đầu cho tới bài cuối”, khi không giải được thì thấy bứt rứt, khó chịu, buồn vì không vượt qua được mình. Học hết lớp 5 Trường Thực nghiệm, Châu tiếp tục học chuyên toán Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội). Sau những năm tháng được tự do phát triển năng lực cá nhân theo phương pháp giáo dục mới của “thầy Đại” (GS-TS Hồ Ngọc Đại, Hiệu trưởng Trường Thực nghiệm), lên cấp 2, anh lại tiếp tục có một môi trường tốt để năng khiếu toán học của mình nảy nở.

Không chỉ học ở trường, Ngô Bảo Châu còn được cha mẹ mời những người rất giỏi về toán kèm cặp thêm. Thầy dạy thêm cho Châu ngay từ hồi cấp 2 là một cán bộ khoa học trẻ, cùng công tác tại Viện Cơ học với GS Ngô Huy Cẩn là Phạm Ngọc Hùng. Sau người này đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô thì bạn của anh là Lê Tuấn Hoa, cũng mới tốt nghiệp ngành tổng hợp toán ở Nga trở về, tiếp tục dạy Châu. Sau Lê Tuấn Hoa là Vũ Đình Hòa, tốt nghiệp toán đại học và sau đại học tại Đức. (cả hai người này đều là lứa học sinh chuẩn bị tham gia giải toán Olympic thế giới đầu tiên vào năm 1974)...

Tổng thống Ấn Độ trao giải thưởng Fields cho GS Ngô Bảo Châu sáng 19-8. Ảnh: AFP-TTXVN

Cấp 3, Ngô Bảo Châu trở thành học sinh khối chuyên toán Đại học Quốc gia Hà Nội - cái nôi rèn “gà nòi” thi toán quốc tế. Kết quả là liên tiếp hai năm lớp 11 và 12, anh giành hai huy chương vàng Olympic toán học (năm 1988 và 1989). Anh là người Việt Nam đầu tiên giành hai huy chương vàng Olympic toán quốc tế. Con đường khoa học tiếp tục rộng mở khi sau đó, anh sang Pháp du học tại Trường Sư phạm (École normale supérieure) bằng học bổng của chính phủ Pháp. Năm 1997, anh tốt nghiệp tiến sĩ ĐH Paris-Sud, năm 2005 được công nhận là giáo sư.

Tại Đại hội Toán học Thế giới năm nay, Ngô Bảo Châu cũng vinh dự được mời có tham luận cùng với 19 nhà khoa học khác. Từ ngày 1-9 tới, anh sẽ là giáo sư của ĐH Chicago (Mỹ), theo một lời mời của trường này từ đầu năm.

Tổng thống và thủ tướng Pháp chào mừng

Ngay sau khi giải thưởng được công bố, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng François Fillon cũng phát biểu nồng nhiệt khen ngợi hai nhà toán học Cédric Villani và Ngô Bảo Châu (quốc tịch Pháp và Việt Nam). Tổng thống Sarkozy khẳng định đây là thành tựu tuyệt vời của trường phái toán học Pháp, “cộng đồng toán học Pháp đã biểu thị phẩm chất hết sức cao trong nghiên cứu cơ bản ở Pháp” và bày tỏ lòng biết ơn, ngưỡng mộ với hai nhà toán học này.

Với hai giải thưởng Fields nói trên, Pháp trở thành cường quốc toán học thứ hai trên thế giới (11 giải), Mỹ dẫn đầu với 13 giải tính từ năm 1936 đến nay.

Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields

(PL)- 11 giờ 30 trưa 19-8 (tức 13 giờ Hà Nội), tại Đại hội Toán học Thế giới 2010 tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ, GS Ngô Bảo Châu đã được trao giải Fields, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia có nhà toán học đoạt giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới này.

Khi chủ tọa giới thiệu người thứ hai trong danh sách nhận giải “theo thứ tự alphabet” là “Ngô Bảo Châu, từ ĐH Paris-Sud 11… Ngô Bảo Châu sinh tại Việt Nam”, khán phòng vang dội tiếng vỗ tay.

Ngoài Ngô Bảo Châu còn có ba nhà toán học khác nhận huy chương Fields lần này là Elon Lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Nga), Cédric Villani (Pháp), nâng tổng số nhà toán học được giải Fields lên tổng cộng 52 người từ trước đến nay.

Gia đình Ngô Bảo Châu ở Việt Nam đã bay sang Ấn Độ để dự lễ trao giải. Rất đông nhà toán học đồng nghiệp của anh ở Viện Toán cũng có mặt tại buổi lễ để mừng cho Ngô Bảo Châu. Ở trong nước, các bạn bè, người quen cũ của Ngô Bảo Châu tíu tít liên lạc cho nhau để thông báo tin vui.

Giải Fields được xem như giải Nobel cho toán học, do nhà toán học người Canada John Fields sáng lập, được trao lần đầu năm 1936. Giải trao bốn năm một lần, cho từ hai tới bốn nhà toán học dưới 40 tuổi. Đi kèm huy chương là phần thưởng tiền mặt trị giá 15.000 đôla Canada (tương đương 16.238,46 đôla Mỹ).

XV

XUÂN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới