Bên thứ ba có quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài hay không?

(PLO)- Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại có liên quan đến bên thứ ba nhưng nhiều vấn đề liên quan vẫn chưa được quy định cụ thể trong luật.

Ngày 29-3, Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức hội thảo chuyên đề “Thi hành phán quyết trọng tài và các vấn đề liên quan đến bên thứ ba”.

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày bốn tham luận, trong đó, tập trung làm rõ các vấn đề về thi hành phán quyết trọng tài khi có yếu tố liên quan đến bên thứ ba.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: AN BÌNH

Theo ThS Lê Hưng Long (giảng viên Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước – Đại học Kinh tế TP.HCM), hiện nay, thuật ngữ bên thứ ba không được nhắc đến trong Luật Trọng tài thương mại.

Tuy nhiên căn cứ thực tiễn cũng như các quy định pháp luật khác, có thể thấy bên thứ ba là bên không bị ràng buộc trong quá trình thi hành phán quyết trọng tài nhưng lại có quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình này.

Việc này đặt ra nhiều vấn đề liên quan như thẩm quyền yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài có dành cho bên thứ ba hay không? Bên thứ ba có được quyền yêu cầu sửa chữa, bổ sung hay thậm chí là hủy bỏ phán quyết trọng tài?

Hiện nay, các vấn đề này chưa được quy định rõ ràng. Nếu căn cứ vào các điều khoản trong Luật Trọng tài thương mại, Luật Thi hành án dân sự,… để tiếp cận vấn đề thì còn có một số mâu thuẫn nhất định.

ThS Lê Hưng Long trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: HC

Do đó, ThS Long cho rằng trước hết cần tiến đến việc thống nhất định nghĩa chung về thuật ngữ bên thứ ba. Đặc biệt là bên thứ ba trong tố tụng trọng tài.

Định nghĩa bên thứ ba cần được quy định cụ thể trong Luật Trọng tài thương mại hoặc Luật Thi hành án dân sự. Hoặc cũng có thể làm rõ trong các Nghị định hướng dẫn hoặc Nghị quyết.

Ngoài ra, cũng nên xem xét, mở rộng quyền kích hoạt thủ tục thi hành phán quyết trọng tài cho nhóm bên thứ ba có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Đối với quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, ThS Long cho rằng nên giữ nguyên như các quy định hiện nay rằng bên thứ ba không được phép yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Phú (nguyên Phó chánh tòa Kinh tế, TAND TP.HCM, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) cho rằng cần xem xét lại cơ chế hủy phán quyết trọng tài trong trường hợp phán quyết trọng tài ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba, xâm phạm lợi ích của quốc gia, lợi ích công cộng.

Ông Nguyễn Công Phú đề nghị xem xét lại cơ chế hủy phán quyết trọng tài. Ảnh: HC

Bởi theo ông Phú, hiện nay khoản 1, Điều 68, Luật Trọng tài thương mại quy định tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên.

Như vậy, trường hợp phán quyết trọng tài xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba, xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (gọi chung là bên thứ ba) thì sẽ không có một cơ chế nào để hủy phán quyết trọng tài nếu như các bên tranh chấp không nộp đơn yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài.

Từ đó, ông Phú đề xuất Luật Trọng tài thương mại nên bổ sung quy định cho phép bên thứ ba là cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm bởi một phán quyết trọng tài hoặc cơ quan, tổ chức quản lý lĩnh vực có liên quan hoặc Viện kiểm sát (nếu phán quyết trọng tài xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng) có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài.

Theo ThS Phan Văn Thụy (Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Cục THADS TP.HCM), Luật Trọng tài thương mại quy định phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về THADS.

Do đó, trình tự, thủ tục thi hành các phán quyết của trọng tài được thực hiện theo các trình tự, thủ tục chung theo quy định của Luật THADS như bản án, quyết định của toà án. Hoàn toàn không có việc phân biệt đối xử giữa phán quyết trọng tài và bản án của tòa án.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có cơ quan THA cấp tỉnh mới có quyền thi hành phán quyết trọng tài.

Về yếu tố bên thứ ba trong thi hành phán quyết trọng tài, ông Thụy cho rằng bên thứ ba không chỉ gồm các cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự.

Các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia, phối hợp cùng cơ quan THADS trong việc tống đạt, xác minh, áp dụng các biện pháp đảm bảo, biện pháp cưỡng chế thi hành án.... cũng được xem là bên thứ ba.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới