Bệnh nhân nặng 416 đã 3 lần liên tiếp âm tính với COVID-19

Sáng 31-8, Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã chia tay TP Đà Nẵng để về TP.HCM sau hơn một tháng “chia lửa” với Đà Nẵng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. 

Tại buổi chia tay, bác sĩ (BS) Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy đã thông tin về tình hình BN416. 

Theo BS Linh, Hội đồng chuyên môn Quốc gia đánh giá bệnh nhân 416 (bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên tại Đà Nẵng trong đợt dịch thứ hai –PV) là trường hợp phức tạp. Bệnh nhân nặng, thậm chí nặng hơn bệnh nhân phi công người Anh số 91. Tuy nhiên, đến nay, bệnh nhân đã ba lần liên tiếp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế thì bệnh nhân đã hết COVID-19.

“Quan trọng giai đoạn này là điều trị bệnh nền cho bệnh nhân cũng như điều trị di chứng do bệnh nhân nằm lâu, kéo dài. Đáng mừng là bệnh nhân đã hết COVID-19 nên việc chăm sóc có nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân có bệnh lý quá nặng, trong thời gian tới sẽ rất nhiều khó khăn. Cần thời gian rất dài để điều trị cho bệnh nhân 416”- BS Linh cho hay.

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy (người thứ hai từ trái qua). Ảnh: T.AN

BS Linh cho biết gần đây, Bộ Y tế đã triển khai nhanh và đưa ra các tiêu chuẩn rất khắt khen trong việc đảm bảo an toàn các tiêu chí cho bệnh viện trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19. Mục đích là làm sao hạn chế, cố gắng không để xảy ra dịch bệnh tại bệnh viện, bởi đây là nơi điều trị của rất nhiều bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng.  

"Hiện có hơn 30 bệnh nhân đã tử vong, hầu hết là do bệnh lý nền, dù mình đã tập trung mọi nguồn lực, tập trung kiến thức và trình độ chuyên môn của quốc gia thông qua các cuộc hội chẩn trực tuyến. Thực sự chúng tôi rất đau, lực bất tòng tâm" - BS Linh nói. 

Lãnh đạo Đà Nẵng cảm ơn và chào tạm biệt đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy trở về TP.HCM.

Ông chia sẻ: "Hai ngày trước có một bức thư của em trai một bệnh nhân rất trẻ. Chúng tôi không thể mang bức thư gửi bệnh nhân 996 được vì lúc đó bệnh nhân đã hôn mê. Khi em mất rồi thì chúng tôi chỉ có thể ngồi lặng. Mình cảm thấy đau dù biết bản thân em có bệnh nền là máu ác tính, thời gian sống rất ngắn. Bệnh nhân nhiễm COVID-19 làm cho sự ra đi quá nhanh. Đó là nỗi đau, không chỉ của các anh em làm y tế mà còn nhiều anh em khác nữa". 

Theo BS Linh, thời điểm này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã huy động bảy đội phản ứng nhanh đến miền Trung ứng phó với dịch bệnh. Đây là lực lượng tinh nhuệ, cùng với lực lượng y tế đến từ các địa phương khác, kết hợp với lực lượng y tế TP đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng.

“Chúng tôi mong sao tất cả mọi người đều đồng lòng, đều chung sức, chung một ý thức để làm sao đừng có và không bao giờ có làn sóng dịch thứ ba. Lần này chúng tôi ra đi cùng miền Trung mình chống dịch. Chúng tôi cũng không mong muốn tiếp tục mình di chuyển đến nơi khác để chống dịch nữa. Và chắc có lẽ đó cũng là mong muốn chung của cả nước mình”- BS Linh nói thêm.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm