Chiều 4-4, BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết thông tin trên.
Theo BS Nga, thương hàn là bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch, do vi khuẩn salmonella typhi gây ra. Vi khuẩn này có thể tồn tại trong môi trường nước từ hai tuần đến ba tuần, trong phân và nước đá từ hai tháng đến ba tháng. “Người mắc bệnh thương hàn thường là do sử dụng thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn nhưng không được nấu chín, ngoài ra có thể là do đã tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc người mang vi khuẩn” - BS Nga lưu ý.
“Người nhiễm bệnh thương hàn thường sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, táo bón hoặc tiêu chảy, đôi khi đi ngoài ra máu, xuất hiện những nốt hồng ban trên thân. Bệnh nặng có thể mê sảng, ảo giác và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm” - BS Nga nói thêm.
Những người chế biến thực phẩm cần tiêm vaccine để phòng ngừa bệnh thương hàn. Ảnh: TRẦN NGỌC
Theo BS Nga, thương hàn là bệnh rất dễ lây và có thể diễn tiến rất nghiêm trọng. Do vậy, để phòng ngừa bệnh cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân và vệ sinh an toàn thực phẩm như rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà bông, ăn chín, uống sôi, không ăn trái cây và rau củ đã cắt sẵn nhưng không được bảo quản vệ sinh.
“Bệnh thương hàn có thể phòng ngừa bằng vaccine. Những người chế biến thực phẩm, kinh doanh ăn uống, người đi du lịch thường xuyên cần tiêm vaccine để phòng ngừa bệnh này. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả phòng bệnh, điều quan trọng là kết hợp nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh” - BS Nga khuyến cáo.
Bên cạnh đó, báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy từ ngày 17 đến 23-3, TP phát hiện thêm hai ổ dịch thủy đậu, nâng tổng số ổ dịch thủy đậu đang theo dõi lên 10. Ngoài ra, TP.HCM cũng phát hiện thêm một ổ dịch quai bị, nâng số ổ dịch quai bị đang được theo dõi từ tám lên chín ổ dịch.