Kê toa khủng, tai biến khiến sản phụ tử vong, người nhà bao vây bệnh viện (BV), bệnh nhân dài cổ chờ mua thuốc… là những tồn tại của ngành y tế nói chung trong cả nước thời gian qua, gây phiền hà và bức xúc cho người bệnh. TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nêu vấn đề tại hội nghị tổng kết hoạt động quản lý chất lượng BV năm 2014 ngày 23-1.
Bức xúc nhất: Thái độ thầy thuốc
TS-BS Tăng Chí Thượng cho biết năm 2014 Sở Y tế đã tiến hành đánh giá chất lượng các BV. Kết quả đánh giá cho thấy so với năm 2013 thì các BV đã đạt được mức cao hơn, trung bình tăng 30%.
Ngoài ra, năm 2014, Sở Y tế cũng đã khảo sát sự hài lòng của bệnh nhân. Theo kết quả khảo sát, điều đáng lưu ý là không có phản ánh về vòi vĩnh tiền bệnh nhân của nhân viên y tế. Khảo sát cũng cho biết phản ánh bức xúc nhiều nhất của bệnh nhân vẫn là thái độ giao tiếp của thầy thuốc do số lượng bệnh nhân đông, bác sĩ không có thời gian giải thích rõ ràng. Thứ đến là những phản ánh về các thủ tục BHYT BV làm chưa đúng, chưa kịp.
Theo kết quả kiểm tra chất lượng và khảo sát sự hài lòng của người bệnh tại các BV của Sở Y tế, có 10 BV lọt vào tốp trên về chất lượng và 10 BV nhận được sự hài lòng cao nhất. Tuy nhiên, chỉ có năm BV có đầy đủ hai yếu tố này, đó là BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, BV 115, Da liễu và BV Nhân dân Gia định. Theo TS-BS Thượng, BV phải đạt chất lượng và hài lòng người bệnh thì mới là BV tốt. “Các BV cần giải quyết bệnh nhanh hơn, rẻ hơn và bệnh nhân hài lòng hơn” - TS-BS Thượng chỉ đạo.
Một BV tốt là BV được đánh giá có chất lượng điều trị tốt và làm hài lòng bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện điều này khó đạt được. Ảnh: TÙNG SƠN
Lập phòng quản lý chất lượng tại các BV
Đứng trước nhiều sự cố, Bộ Y tế và Sở Y tế đã chỉ đạo các BV thành lập phòng quản lý chất lượng BV để chống sai sót. Đến nay ở tất cả các BV của TP.HCM đều đã có phòng này. Riêng Sở Y tế TP.HCM là đơn vị duy nhất của cả nước thành lập Hội đồng quản lý chất lượng (năm 2014). Điều này cho thấy ngành y tế TP.HCM quyết tâm nâng chất lượng để làm hài lòng bệnh nhân.
Năm 2014, phòng quản lý chất lượng tại BV đã đi vào hoạt động. Tại BV Bình Dân, khi nhận được phản ánh từ bệnh nhân cho biết bác sĩ của BV kê toa “khủng”, TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân, cho biết phòng quản lý chất lượng đã tham mưu ban giám đốc chấn chỉnh ngay việc này bằng việc quản lý theo dõi kê toa thuốc hằng ngày.
Tại BV Từ Dũ, BS Phạm Thanh Hải, phòng quản lý chất lượng, cho biết năm 2014 có 107 sự cố của 21 khoa, phòng; trong đó 50% là sự cố đặc biệt nghiêm trọng. Các khoa hồi sức, sanh, phụ sản… là những khoa “đầu sóng ngọn gió”, có bệnh nhân đông, áp lực công việc cao nên sự cố xảy ra nhiều. “Khi tiếp nhận sự cố báo cáo lên, phòng quản lý chất lượng họp đánh giá và tổng hợp các biện pháp để tránh sự cố lặp lại và lan qua các khoa khác, đồng thời thông báo toàn BV” - BS Hải nhấn mạnh.
BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, cho rằng quản lý tuân thủ phác đồ điều trị bằng công nghệ thông tin sẽ giúp hạn chế nhiều sự cố, đặc biệt là không phải gây phiền hà, để bệnh nhân chờ đợi lâu. “Trước đây bệnh nhân chờ một giờ mới nhận thuốc, nay chỉ cần 15 phút là có” - BS Quân nói.