Bệnh viện ở TP.HCM căng mình điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết nặng

(PLO)-  Hơn 50% công suất giường điều trị nội trú của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hiện đang tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tuyến cuối chuyên tiếp nhận các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) hiện đang ghi nhận nhiều bệnh nhân bị sốc, nguy kịch, phải hồi sức tích cực.

Theo số liệu của phòng kế hoạch tổng hợp BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, từ đầu tháng 6 đến ngày 23-6, BV có khoảng 1.600 bệnh nhân SXH nhập viện điều trị, trong đó có 200 bệnh nhân nặng gồm 46 trẻ em và 154 người lớn.

Trong số các ca nặng, có 99 ca có địa chỉ ở TP và 101 ca có địa chỉ ở các tỉnh khác. Ngoài ra, số bệnh nhân đến khám do liên quan SXH cũng tăng cao với hơn 4.800 ca. Hiện số bệnh nhân điều trị nội trú do SXH chiếm hơn 50% công suất giường của BV.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng điều trị ở Khoa cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc người lớn. Ảnh: HL

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng điều trị ở Khoa cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc người lớn. Ảnh: HL

Theo ghi nhận, các Khoa phải tăng cường bố trí thêm giường để tiếp nhận bệnh nhân. Các bác sĩ lo ngại hiện dịch SXH chưa vào thời kỳ đỉnh điểm, dự báo số bệnh nhân nếu tiếp tục tăng cao sẽ gây nguy cơ quá tải, khó khăn cho công tác điều trị.

Tại Khoa cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc trẻ em, TS-BS Phan Tứ Quý, trưởng khoa cho hay trung bình mỗi ngày Khoa phải hồi sức chống sốc cho 10-15 ca trong khi đó chỉ tiêu giường bệnh của Khoa chỉ 10 giường. “Mỗi bệnh nhi vào sốc thường phải hồi sức từ 24 đến 48 tiếng hoặc lâu hơn tùy theo mức độ bệnh, do đó chúng tôi phải kê thêm giường băng ca, không phải giường tiêu chuẩn để tiếp nhận bệnh nhân”, - BS Tứ Quý cho hay.

Khoa cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc trẻ em đang quá tải do tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốc xuất huyết. Ảnh: HL

Khoa cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc trẻ em đang quá tải do tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốc xuất huyết. Ảnh: HL

TS-BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng Khoa cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc người lớn cho biết hiện Khoa đang có 4 bệnh nhân SXH nặng, trong đó có một bệnh nhân từ Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển đến. Trước đó, bệnh nhân đã được hồi sức chống sốc nhưng tổn thương gan, thận ngày càng nặng, đang được cho lọc máu, thở máy.

Theo BS Hảo, nếu như trước đây, số ca mắc SXH nặng thường tập trung ở trẻ em thì hiện nay, người lớn mắc nhiều hơn và gia tăng ở lứa tuổi thanh niên từ 25 đến 30 tuổi.

“SXH khó tiên đoán được bệnh nhân có xu hướng chuyển nặng hay không. SXH có 4 tuýp virus gây bệnh, người mắc SXH lần đầu thường nhẹ hơn và có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi. Những ca mắc bệnh nặng thường tái nhiễm lần thứ 2, lần thứ 3, có thể do liên quan đến miễn dịch bệnh lý”, - BS Hảo cho hay.

BS Nguyễn Văn Hảo đang thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Ảnh: HL

BS Nguyễn Văn Hảo đang thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Ảnh: HL

BS Hảo khuyến cáo bệnh SXH diễn biến qua 3 thời kỳ từ 7-10 ngày. Đây là bệnh cấp tích, ba ngày đầu, bệnh nhân thường bị sốt rất cao. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6, bệnh nhân có xu hướng giảm sốt nhưng đây là thời điểm có nguy cơ chuyển nặng hoặc sốc, thoát huyết tương, tổn thương gan thận, cần phải theo dõi kỹ.

“Bệnh nhân xuất huyết nặng nguy cơ tử vong rất nhanh, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, phải được truyền máu và huyết tương kịp thời. Có những ca nặng phải truyền đến 10 đơn vị máu ngoài chống sốc, ngoài xử trí truyền dịch, còn phải dùng các biện pháp can thiệp để hỗ trợ chức năng cơ quan”, - BS Hảo kể và cho biết, vừa qua, có một trường hợp là thai phụ tử vong do sốc kéo dài, suy gan, thận.

Ngoài các khoa thông thường đều tiếp nhận bệnh nhân mắc SXH, Khoa Nhiễm D, nơi chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng được tăng cường để tiếp nhận bệnh SXH trong tình hình bệnh nhân COVID-19 đã giảm.

Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phải kê thêm giường để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Ảnh: HL

Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phải kê thêm giường để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Ảnh: HL

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, cho biết hiện Khoa đang có 60 bệnh nhân. BS Phong khuyến cáo người dân trong thời điểm này nếu đột nhiên sốt cao thì không nên tự ý mua thuốc hạ sốt uống mà nên đi khám để chẩn đoán SXH.

“SXH hiện có test kháng thể NS1 có độ nhạy cao rất cao, có thể chẩn đoán người mắc SXH trong vài ngày đầu. Khi được chẩn đoán SXH, bệnh nhân nên đi thăm khám hàng ngày để kịp thời nhập viện nếu có dấu hiệu cảnh báo”, - BS Phong lưu ý.

BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang thăm khám cho một bệnh nhân. Ảnh: HL

BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang thăm khám cho một bệnh nhân. Ảnh: HL

Theo BS Phong, muốn số ca nhập viện do SXH giảm thì số ca mắc ngoài cộng đồng phải giảm. SXH do muỗi Andes trung gian truyền bệnh, mỗi người dân cần phải tích cực diệt lăng quăng, dọn dẹp sạch sẽ các vận dụng vật dưới nước để tránh lăng quăng nở thành muỗi gây ra bệnh, ngủ mùng.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua báo cáo nhanh từ 4 BV tuyến cuối điều trị SXH Dengue của TP, ca bệnh nhập viện điều trị đang có gia tăng nhanh.

Tại 4 BV tuyến cuối gồm BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Nhi đồng Thành phố, BV Bệnh Nhiệt đới TP, có hơn 600 ca điều trị nội trú với 82 ca SXH nặng, 50% số bệnh nhân nặng là do các bệnh viện tỉnh chuyển đến do quá khả năng điều trị.

Riêng BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM hiện đang điều trị cho 373 trường hợp SXH Dengue, trong đó có 264 người lớn và 109 trẻ em, chiếm 56% trường hợp đang điều trị nội trú của bệnh viện; có 45 trường hợp nặng, trong đó có 3 ca lọc máu thở máy.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong tuần vừa qua, TP ghi nhận hơn 2.100 ca bệnh SXH. Tính từ đầu năm đến nay, số ca mắc SXH là 16.057 ca, tăng 117,3% so với cùng kỳ. Tuần qua, đã có thêm một ca tử vong do SXH, nâng tổng số ca tử vong do SXH là 9 ca, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm