Họ có tâm lý muốn khám nhanh để tranh thủ về. Thực trạng này một phần xuất phát từ thực tế quá tải bệnh viện.
Gần 11 giờ ngày 11-9, tại BV Ung bướu, bà Nguyễn Thị Bế (An Giang) cho biết đang ngồi chờ nhập viện vì u tay tái phát. Bà nói mình nộp sổ từ 6 giờ sáng, đến 8-9 giờ thì siêu âm xong.
Chờ một tuần mới được siêu âm!
Tuy nhiên, để được siêu âm vào sáng nay, bà Bế đã đi khám một tuần trước đó (4-9). Sau khi khám, bác sĩ chỉ định siêu âm vào… tuần sau và phát sẵn cho bà số thứ tự rồi về nhà chờ. Bà phải đến ở tạm nhà con tại Bình Dương, đến ngày hẹn mới trở lại siêu âm, kết quả bà phải nhập viện.
Bà Nguyễn Thị Giang Thanh (Tiền Giang) cho biết từ quê bà lên đến BV Ung bướu vào 12 giờ trưa 10-9. 1 giờ chiều, bà đăng ký khám ung thư vú, đến 2 giờ 30 bà mới gặp được bác sĩ. Nhưng khám xong bác sĩ cho chỉ định xét nghiệm vào sáng hôm sau chứ không được làm liền. Bà nói lần nào cũng vậy.
Khám sớm nhưng siêu âm, xét nghiệm bị nghẽn, nhiều bệnh nhân ngao ngán chờ đợi nên chuyển qua khám dịch vụ hoặc nghe lời “cò” dụ dỗ ra ngoài. Ảnh: TÙNG SƠN
Có sẵn chỉ định xét nghiệm, 4 giờ sáng 11-9, bà đến lấy số. Đến 6 giờ 15, bà được lấy máu và chờ đến… chiều khám ngoài giờ bác sĩ (điều trị cho bà) mới xem kết quả coi có cần vào hóa chất hay không. Nếu vào hóa chất bà phải chờ đến hôm nay (12-9). “Bệnh thì phải chịu, phải chờ đợi. Mình cũng nôn khám nhanh cho có thuốc nhưng khám trong giờ phải chờ đến một tuần nữa vì phải gặp bác sĩ điều trị mình. Do vậy khám ngoài giờ để gặp bác sĩ này” - bà Thanh kể.
Chỉ làm dịch vụ ngoài giờ
BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết tình trạng quá tải BV đã diễn ra nhiều năm. “Bệnh nhân quá tải sẽ nảy sinh vấn đề là bệnh nhân muốn giải quyết nhanh và từ đó sinh ra nạn “cò” móc nối. Có hai loại: “Cò” nội và ngoại. “Cò” nội là ở trong BV. Trước đấy, BV đã xử lý cho một bác sĩ ngưng công tác, ngưng tiếp xúc bệnh nhân và sáu tháng thi đua C vì dính dáng đến “cò”. Một hộ lý tiếp tay cho “cò” cũng bị cho ngưng tiếp xúc bệnh nhân và sáu tháng bị hạng C” - BS Minh cho biết.
Để hạn chế việc bệnh nhân chờ đợi lâu, bị “cò” lôi kéo, BV thực hiện khám từ 6 giờ sáng, làm thông tầm, gắn camera theo dõi, bốc số tự động, đăng ký trước tổng đài 1080, tăng bàn khám 16-30 bàn. Cứ 30 phút/lần liên tục phát thanh cảnh báo người bệnh không nghe lời “cò”.
Chúng tôi đặt câu hỏi: Có ý kiến cho rằng BV chăm lo làm dịch vụ hơn nên bệnh nhân trong giờ đông? BS Minh cho hay: trước đây, để giải quyết giảm tải, chúng tôi làm thông tầm từ sáng sớm và kể cả trưa, không làm dịch vụ. Gần đây BV đã làm để những người có khả năng thì khám dịch vụ, điều trị theo yêu cầu, do đó số người xếp hàng chờ sẽ ngắn lại nhưng chỉ làm ngoài giờ hành chính. Dịch vụ mổ chúng tôi cũng làm sau giờ hành chính và thứ Bảy, Chủ nhật.
Trả lời câu hỏi BV chấp nhận những xét nghiệm bên ngoài là xét nghiệm của bác sĩ BV, BS Minh xác nhận, các bác sĩ của BV, nếu được Sở Y tế cấp giấy phép hành nghề ngoài giờ thì bệnh nhân nào khám bác sĩ đó, làm các xét nghiệm và có chữ ký tại đó thì BV chấp nhận. Đây là những người có tay nghề cao, họ được phép làm và kết quả chuyên môn của họ được chấp nhận. Nhưng nếu họ làm trong giờ hành chính là vi phạm giờ giấc của BV, nếu bắt được sẽ xử lý theo quy chế BV.
Liên quan đến bác sĩ PTBN (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin trên số báo ngày 11-9), BV Ung bướu đã cho tạm ngưng công tác tại khoa Nội soi - Siêu âm, không cho tiếp xúc với bệnh nhân và đưa về phòng Tổ chức cán bộ viết tường trình để có các giải pháp xử lý tiếp theo.
Nên thường xuyên kiểm tra các phòng khám gần BV Liên quan đến vấn đề “cò” xung quanh BV, BS Vũ Hồng Thái, Giám đốc BV Da liễu TP.HCM, cho biết “cò” đã có từ rất lâu xung quanh BV Da liễu. Không những bắt bệnh từ xa, “cò” còn vào cổng BV và có lúc còn đánh nhau với bảo vệ BV. BV đã thực hiện truyền thông trên loa, dán thông báo, nói trên báo chí để người bệnh ở các tỉnh về biết, không bị “cò” gạt, dụ dỗ. Mặt khác, BV nhờ chính quyền địa phương can thiệp, giải tỏa nhóm người này nhưng cũng không hết. Do vậy, BV triển khai khám từ 6 giờ sáng đến 6 giờ 30 chiều, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Cố gắng làm sao cho bệnh nhân được khám nhanh và lấy thuốc mất khoảng 1 giờ, bác sĩ khám, điều trị đảm bảo chất lượng. Nếu bác sĩ nào có dính dáng đến “cò” thì sẽ bị kỷ luật, tuy nhiên tại BV chưa có trường hợp nào. Giám đốc BV Ung bướu và BV Da liễu đều kiến nghị Sở Y tế khi đã cấp phép cho những người làm phòng mạch gần các BV thì thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử lý. Khổ sở vì khám 15 phút, chờ siêu âm vài ngày Tôi khổ sở khi triển khai khám bệnh theo hẹn qua tổng đài 1080. Bởi bệnh nhân đến khám chỉ mất 15 phút nhưng máy siêu âm thiếu nên bệnh nhân phải chờ. Hiện chúng tôi có sáu cái máy siêu âm nhưng đôi lúc trục trặc do quá tải và cần mua thêm bốn cái. Chúng tôi không có kinh phí, đang xin UBND TP và Sở Y tế cho xã hội hóa. Bắt bệnh nhân chờ vài ngày mới được siêu âm thì đăng ký sớm chi nữa, mất ý nghĩa của 1080. Ngoài ra, BV cũng tuyển thêm người xét nghiệm vì có hai người về hưu, đề xuất đặt máy móc. BS LÊ HOÀNG MINH, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM Không thể chấp nhận được Tôi đã chỉ đạo cho Thanh tra Sở là kiên quyết dẹp nạn “cò” lôi kéo bệnh nhân ra phòng khám tư nhân, đây là việc làm không thể chấp nhận được. Tôi đã chỉ đạo BV Ung bướu làm rõ sai phạm của những cán bộ của mình nếu có dính dáng đến “cò”. Nếu BV không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị phê bình. Thanh tra sẽ phúc tra và kiên quyết rút giấy phép các phòng khám nếu tái phạm. PGS-TS NGUYỄN TẤN BỈNH, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM |
DUY TÍNH