Theo The Times of India, kiểm soát lượng đường trong máu tăng đột biến sau bữa ăn có thể là một thách thức đối với những người mắc bệnh tiểu đường, vì nó có thể làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan đến bệnh. Đối với những người chưa mắc tiểu đường nhưng có mức đường huyết cao mãn tính, họ cũng có thể đối mặt với các vấn đề về nhận thức, sức khỏe tim mạch, hệ miễn dịch, sức khỏe tình dục và các bệnh mãn tính khác.
Theo hướng dẫn của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, lượng đường trong máu không nên tăng quá 140-180 mg/dL sau bữa ăn.
Dưới đây là cách ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến sau bữa ăn:
Ăn nhiều chất xơ
Chất xơ giúp tăng khối lượng thực phẩm mà không bị phân hủy trong cơ thể, từ đó làm chậm quá trình hấp thụ glucose vào máu, ngăn ngừa tình trạng tăng đột biến lượng đường huyết. Theo Tạp chí Journal of Chiropractic Medicine, những người tiêu thụ nhiều ngũ cốc giàu chất xơ có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn đáng kể.
Giảm khẩu phần ăn
Ăn quá nhiều thức ăn có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao, đặc biệt khi bạn tiêu thụ quá nhiều carbohydrate cùng một lúc. Thay vì ăn một bữa lớn, bạn có thể chia thành nhiều bữa nhỏ để giúp kiểm soát lượng đường huyết hiệu quả hơn.
Ăn thực phẩm có chỉ số GI thấp
Người mắc tiểu đường nên ưu tiên lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp để kiểm soát mức đường trong máu ổn định. Các thực phẩm có GI từ 55 trở xuống giúp hạn chế sự tăng đột biến của lượng đường huyết. Chế độ ăn với chỉ số đường huyết thấp tập trung vào các thực phẩm làm tăng nhẹ lượng đường trong máu sau khi tiêu thụ một lượng carbohydrate nhất định, giúp duy trì sự ổn định cho cơ thể.
Uống đủ nước
Uống đủ nước có thể mang lại lợi ích cho người mắc tiểu đường, vì nước giúp cơ thể đào thải một lượng glucose dư thừa qua nước tiểu, hỗ trợ kiểm soát mức đường huyết hiệu quả hơn.
Đi bộ sau bữa ăn
Đi bộ sau bữa ăn có thể giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả. Một nghiên cứu trên tạp chí Sports Medicine cho thấy chỉ cần đi bộ hoặc đứng dậy trong hai phút sau khi ăn đã giúp ổn định lượng đường trong máu. Một nghiên cứu khác trên tạp chí Diabetology & Metabolic Syndrome cũng chỉ ra rằng tập thể dục sau bữa ăn giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn so với chỉ tập một lần trong ngày, đặc biệt đối với người mắc tiểu đường loại 2.
Ngủ ngon
Để kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả, bạn cần duy trì giấc ngủ từ 8 đến 9 giờ mỗi đêm. Theo Tạp chí Diabetes and Endocrinology của JAMA, thiếu ngủ kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.