NHỮNG BÁU VẬT CỦA VÕ BÌNH ĐỊNH - BÀI 3:

Bí ẩn bài quyền của hoa hậu

Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu những miền đất võ vào cuối tháng 7-2008, khi thí sinh Bùi Thị Thanh Thảo trình diễn phần võ thuật, hơn 50.000 khán giả bị chinh phục hoàn toàn. Ban giám khảo gồm nhiều võ sư danh tiếng quyết định trao vương miện cuộc thi cho người múa.

Duyên hội ngộ

Bài thương có cái tên rất ấn tượng: Chiêu hồn thương. Chiêu pháp rất thực dụng, người đánh có cơ hội thi triển toàn bộ quyền pháp như đâm, gặt, gá mũi… để đoạt hồn đoạt phách đối phương. Cây thương xoay chuyển linh hoạt mà không được chạm đất, đường thương thoắt ẩn thoắt hiện, mũi thương biến hóa khôn lường. Đặc biệt, tuy “sát khí” cao nhưng bản thân bài thương lại tập hợp nhiều đường nét gọn ghẽ, ẩn ảo như một bài thơ, gợi nhiều hơn tả…

Huấn luyện viên Phạm Bá Toàn (Hội Võ thuật Quy Nhơn), người đã dạy bài thương này cho Hoa hậu Thanh Thảo, bộc bạch: “Bài thương này là một mối lương duyên rất lớn của người tiếp nhận và người dạy”…

Huấn luyện viên Toàn kể trước đây, một chiến sĩ trinh sát công an vốn là anh kết nghĩa với Toàn đi thực hiện nhiệm vụ ở huyện Tuy Phước. Xong việc thì đã nửa đêm, anh vào một ngôi chùa xin ngủ nhờ. Sư thầy bố trí cho anh một phòng có cửa mở ra khoảng sân lớn.

Bí ẩn bài quyền của hoa hậu ảnh 1

Huấn luyện viên Phạm Bá Toàn đang hướng dẫn Bùi Thị Thanh Thảo một động tác của Chiêu hồn thương.

Trong chập chờn giấc ngủ, nghe ngoài sân có tiếng động, anh bật dậy, lén nhìn ra. Dưới trăng, vị sư già đang luyện thương. Vốn giỏi võ nên anh biết ngay bài thương rất lợi hại bởi lẽ đường nét của nó ảo diệu, lúc rào rạt, khi khoan thai, kết hợp với thân pháp uyển chuyển của nhà sư, có thể nó là một bài thảo quý và vì không muốn dạy cho người thiếu tâm, tài nên sư phụ tập ban đêm. Sau hồi lâu nghĩ ngợi, anh bạo dạn mở cửa ra sân xin được học bài thương này. Vị sư già mời anh lại bộ bàn ghế có sẵn tách trà. Nhà sư điềm tĩnh nói: “Từ khi con vào chùa xin ngủ nhờ, nhìn bước con di chuyển và tướng mạo con, thầy đã sớm biết con là người có uyên thâm võ nghệ nên cố ý muốn dạy bài thương này cho con. Nhớ dùng nó luyện sức khỏe, bảo vệ mình, giúp người khác và tìm người có duyên để truyền lại”.

Bài thương kín kẽ, hơn 30 động tác như tìm được đúng người nên chỉ sau một đêm, anh chiến sĩ kia đã thuộc lòng và bắt được cả thần thái của nó…

Mấy năm sau, chiến sĩ trinh sát nọ được chuyển công tác về Bộ Công an. Trước khi đi, anh đã dạy lại bài thương này cho huấn luyện viên Phạm Bá Toàn. Toàn kể: “Sau này có nghe anh kết nghĩa nói là sư thầy đã phiêu diêu đất Phật nên tôi giữ bài thương quý này, chỉ mong có ngày nó được nhiều người thưởng lãm”.

“Nữ tướng tái hiện”

Cuối tháng 7-2008, Bình Định tổ chức Liên hoan quốc tế võ cổ truyền và Festival Tây Sơn - Bình Định, trong nội dung festival có cuộc thi Hoa hậu những miền đất võ. Trong khi các thí sinh khác hăng say tập luyện các bài thảo quen thuộc thì Bùi Thị Thanh Thảo tìm đến người anh kết nghĩa của mình là Phạm Bá Toàn nhờ chỉ dạy một bài thảo lạ mắt, “không đụng hàng”.

Bí ẩn bài quyền của hoa hậu ảnh 2

Dù đã đăng quang Hoa hậu những miền đất võ nhưng Thảo vẫn kiên trì tập luyện bài Chiêu hồn thương mỗi ngày.

Toàn nghĩ đây là dịp tốt để mang bài Chiêu hồn thương ra trình làng nên quyết định dốc tâm dạy Thảo. “Cái khó ở chỗ Thảo là người chưa học võ nên chúng tôi phải rất vất vả. Thông thường ở Bình Định, một võ sinh mới bắt đầu tập luyện phải mất ba năm trở lên mới được cầm tới binh khí. Vì khi ấy mới thể hiện hết cái chất thần - ý - hình của võ học cổ truyền” - Toàn nói.

Hai tháng trời Thảo phải có mặt tại sân tập lúc 5 giờ sáng để tập thể lực, động tác. Buổi trưa ăn cơm xong phải vào tập ngay. Đối với võ sinh đã là quá khó, đối với người tay ngang lại càng khốn khổ.

Không chỉ thế, để Thảo không bị chi phối tâm lý trong đêm thi có đông khán giả nên Toàn thường bắt Thảo tập luyện trước sự chọc ghẹo của những võ sinh nhỏ tuổi. Kết quả của hai tháng trời ròng rã là bài thương đã được Thảo đánh gọn gàng trên sân khấu. Tuy nhiên, phút cuối, một thành viên ban giám khảo đề nghị thay đổi tên gọi bài thương bằng cái tên “Chiêu hồi thương” cho nó… dễ nghe hơn, vì tên Chiêu hồn thương nghe… sát khí quá!

Và trong tiếng trống trận Tây Sơn hùng hồn, Thảo đã tự tin đánh trọn bài Chiêu hồn thương một cách xuất thần, thân pháp uyển chuyển, linh diệu chẳng khác nào nữ tướng Bùi Thị Xuân tả xung hữu đột thuở nào. Cô đã chinh phục ban giám khảo với số điểm gần tuyệt đối để đăng quang ngôi vị Hoa hậu những miền đất võ dù phần thi ứng xử của cô có phần không thành công so với hai á hậu.

Khởi nguồn từ nhà Tây Sơn?

Sau đêm chung kết cuộc thi hoa hậu, Chiêu hồn thương gây sự tò mò trong giới nghiên cứu võ thuật. Bài thương ảo diệu và độc đáo nhưng hiện chỉ có ba người nắm giữ, đó là anh chiến sĩ trinh sát đang công tác ở Bộ Công an, huấn luyện viên Phạm Bá Toàn và Hoa hậu Bùi Thị Thanh Thảo. Chúng tôi thử tìm cái tên Chiêu hồn thương trên Google nhưng chẳng có kết quả nào. Còn cái tên Chiêu hồi thương tuy cho ra hơn 7.000 kết quả nhưng chủ yếu xuất xứ của nó cũng chỉ quanh quẩn từ những tin, bài liên quan đến cuộc thi hoa hậu trên. Hỏi nhiều võ sư lớn tuổi, ai cũng lắc đầu vì “trước giờ chưa từng nghe thấy”.

Một võ sư chia sẻ: “Tôi đồ rằng bài thương có thể bắt nguồn từ thời Tây Sơn, bởi chiêu thức rất thực dụng, khả năng đoạt mạng đối phương cao. Thời xưa, các võ tướng thường rất hay dùng để phát huy sức mạnh khi ra ngoài trận mạc”. Võ sư Nguyễn Đông Hải thì nói: “Tôi có tìm hiểu võ thuật nhưng cũng chưa biết bài thương này do ai nghiên cứu chiêu pháp mà sáng tạo ra, ngay cả lời thiệu cũng không có. Lối đánh bài quyền này vừa phù hợp với địa hình hiểm trở, vừa mở rộng sức công phá khi ra chốn trận tiền. Tiếc là sư thầy đã viên tịch nên mọi nghi vấn cũng chỉ là… giả thiết. Nhưng có lẽ nhờ sự bí ẩn này mà bài thương thêm phần hấp dẫn”.

U linh thương và ngàn năm Thăng Long

Hơn một năm nay, đội tuyển võ cổ truyền Bình Định đã ráo riết tập U linh thương để ra Hà Nội biểu diễn mừng đại lễ của thủ đô.

Giai thoại kể rằng Lý Công Uẩn (974-1028) là vị vua đầu tiên của triều Lý, lên ngôi giữa lúc những thế lực phản loạn nổi lên khắp nơi, nhà vua nhiều phen phải thân chinh đi dẹp loạn. Lý Thái Tổ nhận thấy địa thế núi rừng thâm u, tịch mịch, trận đồ thường được bố trí vào lúc chạng vạng nên rất khó cho binh lính sử dụng những bài thương thông thường. Từ đấy, ông đã sáng tạo ra bài thảo U linh thương để tập cho binh tướng.

Theo võ sư Đông Hải, bài thương này do nhà sư Hư Minh, đời Hậu Lê ở Thăng Long chép lại trong cuốn Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp (tạm dịch: Sao chép lại những binh thư võ thuật của các vị tướng nhiều đời). Nhà sư Hư Minh lập ra phái Long Hổ Không Hồng để truyền dạy cho các đệ tử và mỗi đời chỉ truyền duy nhất cho một đệ tử chân truyền. Truyền nhân này phải là người của môn phái và có tên bắt đầu bằng chữ Hư.

Sau nhiều cuộc loạn, đệ tử phái Long Hổ Không Hồng phải lưu lạc đến đất Bình Định rồi định cư luôn tại đây. Khi Gia Long giành ngôi từ Tây Sơn, bộ binh thư này chịu chung số phận bị đốt với rất nhiều cổ thư võ học Bình Định khác. Phần lớn tư liệu và động tác các bài thảo đều được ghi lại bằng trí nhớ của các đệ tử như Nguyễn Trung Như, hiệu Hư Linh Ẩn (đời thứ tám), cố hòa thượng Thích Tịnh Quang, hiệu Hư Linh (đời thứ 12) và võ sư Đông Hải, tức Hư Linh Tử (đời thứ 13).

Võ sư Trần Duy Linh nói bài thương có tuổi đời ngàn năm do vị vua lỗi lạc của dân tộc sáng tạo nên biểu diễn U linh thương trong dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long-Hà Nội có ý nghĩa như dâng lễ vật tinh thần quý báu lên tổ tiên vậy.

THANH NHÃ - THÁI BÌNH

Bài 4: Lâm Hổ Ngô Bông

Ông là một truyền nhân của võ Tây Sơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm