Roopkund là một hồ nước đóng băng, nằm ở độ cao 5.029 m so với mực nước biển, thuộc bang Uttarakhand của Ấn Độ. Hằng năm, khi băng tan, một cảnh tượng kinh hoàng - hàng trăm bộ xương sẽ lộ ra dưới ánh mặt trời. Chính vì vậy, hồ Roopkund còn được biết đến là “hồ xương người”, Daily Mail đưa tin.
Hồ xương người quanh năm đóng băng. Ảnh: DM
Cách đây 76 năm trước, một nhân viên kiểm lâm người Ấn Độ tên là H. K. Madhawl đã tình cờ phát hiện ra nó. Vào thời điểm tìm thấy hồ Roopkund (năm 1942), băng tuyết tan đã để lộ ra hơn 300 bộ xương người còn nguyên vẹn dưới lòng hồ.
Về sau, các nhà nghiên cứu còn phát hiện thêm nhiều bộ xương nữa. Tổng cộng có hơn 800 bộ với nhiều kích thước khác nhau.
Ban đầu, các nhà khoa học suy đoán “hồ xương người” là nơi nhiều người tự tử hoặc một trận lở đất đã chôn vùi những người này dưới hồ. Sau đó, một giả thuyết khác cho rằng đây là hài cốt của những người lính Nhật định xâm chiếm Ấn Độ chết do thời tiết khắc nghiệt.
Mãi tới năm 2004, khi một nhóm các nhà khoa học người châu Âu, Mỹ và Ấn Độ cùng nhau tới đây nghiên cứu và sử dụng các phương pháp hiện đại nhất thì sự thật của "hồ xương người" mới được làm sáng tỏ.
Những dấu tích còn lại của hồ Roopkund. Ảnh: DM
Trước đó, bí ẩn về hồ xương người được người dân Bắc Ấn lưu truyền qua một câu chuyện cổ.
Truyền thuyết kể rằng vua và hoàng hậu Kannaji cùng các cận thần đã lên núi Himalaya để mở tiệc linh đình khiến nữ thần Nandadevi nổi giận. Những người này đã bị trừng phạt vì mạo phạm tới sự tôn nghiêm của nữ thần. Nữ thần trừng phạt họ bằng một trận mưa đá “cứng như sắt” rất lớn rồi chôn vùi họ dưới lòng hồ Roopkund.
Chính truyền thuyết này đã gợi mở hướng lý giải cho các nhà khoa học. Năm 2004, sau khi khảo sát kỹ các bộ xương người, các nhà khoa học tìm thấy một số vật dụng như vòng đeo tay bằng thủy tinh, nhẫn, hài da và gậy gộc bằng trúc. Kiểm tra hài cốt tại thực địa, các nhà khoa học nhận thấy rằng phía trên đầu các hài cốt này đều có vết nứt khá sâu - những vết thương không được gây ra bởi lở tuyết hay lở núi mà là do vật thể hình tròn rơi từ trên đánh trúng.
Từ đó, dự đoán bước đầu cho rằng có một trận mưa đá khổng lồ đã xảy ra bất ngờ khiến hơn 800 người không kịp trốn đi và bị mưa đá rơi trúng đầu, tử vong.
Trong số hơn 800 bộ xương này thì có hơn 30 bộ còn cả đầu, tóc, móng tay chân, tất cả được đưa về Trung tâm Sinh học phân tử và Tế bào Hyderabad (HCMB) để kiểm tra ADN.
Kết quả, các nhà khoa học phát hiện thấy đầu của những người này vẫn còn miếng xương nhỏ nhô ra ngoài trán. Đặc điểm này chỉ có ở những cư dân thuộc vùng Maharashtra, miền Trung Nam Ấn Độ.
Khi băng tan, hằng năm có rất nhiều người đến đây để tận mắt chứng kiến những bộ xương dưới lòng hồ. Ảnh: DM
Trong 300 bộ xương ở lòng hồ được chia làm hai nhóm chính: một nhóm có khung xương khá to lớn, nhóm còn lại có khung xương nhỏ hơn. Kết luận cuối cùng, đây là một nhóm người Ấn Độ đang hành hương tập thể lên hồ Roopkund vào thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên. Đi cùng họ là những người dân bản địa, có vóc dáng nhỏ hơn, làm người hướng dẫn cho nhóm hành hương.
Đặc biệt, các nhà khoa học còn tìm thấy bằng chứng rất có thể những người này đã đến đây là hái lượm “nấm ma thuật”, loại nấm có đặc tính dược liệu kinh ngạc, xuất hiện nhiều trong mùa xuân.
Ngày nay, đến thăm hồ Roopkund, du khách vẫn còn thấy hiện trạng nguyên thủy, bởi sau khi nghiên cứu những bộ xương này đã được đưa trở về vị trí cũ để tiếp tục với chức năng nhân chứng lịch sử.
Tuy nhiên, để đến được hồ Roopkund, du khách phải vượt qua con đường dốc dựng đứng từ làng Lohajung (2.350 m), năm ngày xuyên qua khu rừng rậm, sau đó leo lên núi cao để tiếp cận với hồ. Các tour du lịch phổ biến từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm.