'Bị cáo cảm thấy nhục nhã khi đứng trước HĐXX xin giảm án'

Ngày 25-7, TAND TP Cần Thơ xử sơ thẩm đã tuyên phạt Lê Gia Lập (62 tuổi, ngụ TP Đà Lạt) 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp chung với hình phạt bốn năm tù mà bị cáo đang chấp hành là 17 năm tù. Ngoài ra, tòa còn buộc bị cáo trả lại cho bị hại 935 triệu đồng.

Do sức khỏe không tốt, bị cáo Lập xin được ngồi khi trả lời thẩm vấn tại tòa. Ảnh: N.NAM

Theo cáo trạng, tháng 4-2011, Lập thành lập và giữ chức chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Giáo dục-Y tế, Môi trường Tây Nguyên VNS (gọi tắt là Công ty VNS) có trụ sở tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ngành nghề chính của công ty là quản lý giáo dục, cung ứng và quản lý nguồn lao động… hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính.

Khoảng tháng 10-2012, Lập biết bà NVH đang thi công dự án cơ sở khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Dự án này bà H. đang thi công và có nhu cầu vay vốn để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện dự án.

Khi gặp bà H., Lập giới thiệu có mối quan hệ rộng, có khả năng tìm nguồn vốn vay ưu đãi và đề nghị hợp tác với bà H. Đồng thời, Lập kêu bà H. cho ứng tiền để làm chi phí.

Sau một thời gian tìm hiểu, ngày 20-2-2013, Lập soạn và ký với bà H. hợp đồng dịch vụ với nội dung tìm đối tác đầu tư, tìm vốn vay… và hưởng 1,5% chi phí dịch vụ trên tổng số tiền vay.

Để bà H. tin tưởng cho Lập ứng kinh phí, ngày 16-11 và ngày 10-12-2012, Lập nhân danh Công ty VNS soạn thảo thông báo gửi bà H. với nội dung Công ty VNS đã khảo sát thực tế, thẩm định dự án và đồng ý với vai trò tư vấn, thẩm định, hỗ trợ vay vốn để thực hiện dự án cho bà H. với tổng số vốn vay là 150 tỉ đồng, thời gian 30 năm, lãi suất 2,75%/năm. Lập yêu cầu bà H. hoàn tất thủ tục sớm để được giải ngân.

Sau đó, bà H. chuyển cho Lập tổng cộng 935 triệu đồng để ứng chi phí. Để tìm cách đối phó, không trả lại tiền cho bà H., Lập yêu cầu bà H. ký giấy nhận nợ của Lập 1 tỉ đồng. Lập nói dối giấy này để bổ sung hồ sơ làm hợp đồng.

Sau nhiều lần vay tiền đưa cho Lập nhưng không thấy kết quả giải ngân như Lập đã hứa, bà H. chủ động lần liên lạc với Lập nhưng Lập đều tìm cách trì hoãn. Đến tháng 12-2013, bà H. không liên lạc được với Lập.

Khi nói lời sau cùng, bị cáo nói cảm thấy nhục nhã khi đứng trước HĐXX giảm án. Ảnh: N.NAM

Ba cổ đông sáng lập Công ty VNS đều xác định không góp vốn theo tỉ lệ như trong giấy chứng nhận kinh doanh và đã xin nghỉ việc sau đó 6-7 tháng vì Công ty VNS không trả lương. Ba người này cũng cho rằng không có dự án nào được triển khai. Việc Lập nhân danh Công ty VNS ký hợp đồng với bà H., các cổ đông không biết.

Riêng ông NĐH không biết vì sao có tên trong danh sách cổ đông sáng lập Công ty VNS. Công ty VNS từ khi thành lập đến khi ngưng hoạt động vào tháng 4-2013, không phát sinh các hoạt động kinh tế và không có tài sản.

Tại cơ quan điều tra, Lập thừa nhận còn nợ bà H. 935 triệu đồng. Số tiền này, Lập khai phần lớn hùn với bà TTLH để đầu tư nhà hàng và trang trại nuôi bồ câu tại Lâm Đồng.

Bà TTLH khai tháng 4-2012 bà có hợp tác với Lập xây dựng nhà hàng với tỉ lệ vốn góp 30% của bà, 70% của Lập. Tuy nhiên, bà đã bỏ ra 300 triệu đồng để san lấp mặt bằng, xây nhà tiền chế, trả tiền thuê đất nhưng Lập không bỏ tiền vào nên dự án không hoạt động và bà đã trả đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm