'Bị hàng xóm đốt nhang và khấn vái trù ẻo, tôi phải làm sao?'

(PLO)- Người hàng xóm thường lấy nhang ra khấn vái, đốt phong long...mỗi khi thấy có "kẻ không ưa" đi ngang nhà. Bạn phải làm sao khi gặp những tình huống này?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Buổi chiều muộn cuối tháng 3, anh TVT (huyện Nhà Bè, TP.HCM) hớt hải chạy đến Báo Pháp Luật TP.HCM vì sợ hết giờ làm việc. Tôi (chuyên viên tiếp bạn đọc của báo) mời anh ngồi và động viên anh hãy bình tĩnh.

Trước tiên anh gửi lời cảm ơn đến Báo vì trước đây đã hỗ trợ để mẹ anh có được BHYT để khám chữa bệnh lúc về già.

Tôi hỏi thăm về tình hình sức khỏe của mẹ anh. Anh vừa buồn vừa rớm nước mắt cho biết mẹ anh đã mất cách đây vài năm về trước. "Mẹ mất rồi, tôi có phần chơi vơi hơn. Mỗi khi gặp chuyện không may trong cuộc sống mà không biết tìm đến đâu, tôi lại nghĩ đến Báo, mong được giúp"- anh nói.

Tôi hỏi anh: “Bây giờ anh muốn Báo giúp anh về việc gì?". Anh trần tình: “Gia đình tôi sống trong con hẻm nhỏ, bề rộng hẻm chỉ 1 m, đi qua đi lại rất chật vật. Mấy tháng gần đây, mỗi lần tôi đi ra khỏi nhà để đi qua hẻm thì người hàng xóm (cách nhà tôi 2 căn) đứng ngay hẻm đốt nhang quay lại về hướng tôi đi ra rồi vái lạy. Có lần, tàn nhang bay vào người con trai của tôi. Tôi có nói người hàng xóm “Sao chú đốt nhang kỳ vậy!?”. Người hàng xóm hùng hổ, có những lời nói thô bạo, chửi bới cả gia đình tôi, định đánh cả gia đình, may mà chúng tôi chạy kịp chứ không là mệt mỏi rồi.

Tôi gọi điện báo công an thì công an mời hai bên lên làm việc rồi cho mỗi bên về. Sau lần đó, cứ mỗi lần nhìn thấy tôi là người hàng xóm này lấy nhang ra đốt và vái như để trù ẻo gia đình tôi điều gì đó. Tôi có báo chính quyền nhưng không được xử lý. Tôi không biết làm gì để người này ngưng thực hiện hành vi trên? Mong báo viết bài phản ánh tiếp để chính quyền buộc người này đừng lấy nhang ra đốt khi thấy tôi nữa”.

Không phải câu chuyện nào cũng cần phải làm rõ tính đúng sai, cần chính quyền can thiệp...Ảnh: HOÀNG GIANG

Không phải câu chuyện nào cũng cần phải làm rõ tính đúng sai, cần chính quyền can thiệp...Ảnh: HOÀNG GIANG

Tôi lắng nghe hết câu chuyện của anh và giải thích: "Bây giờ thì báo không thể viết bài phản ánh để tác động chính quyền địa phương yêu cầu người hàng xóm của anh ngưng thực hiện việc thắp nhang. Mình không có cơ sở để khẳng người này đốt nhang để trù ẻo anh, nhiều lúc chỉ là tình cờ, việc thắp nhang khấn vái là việc tự do của cá nhân, khó có cơ quan nào can thiệp ngăn cản được. Anh cứ coi như người này thắp nhang để khấn vái thiên địa. Hằng ngày anh đừng để ý đến hành động thắp nhang của người này, coi như không biết là xong.

Tôi có chia sẻ với anh rằng trước đó, cũng có ông Q phản ánh đến báo tương tự như trường hợp của anh. Ông Q cho biết người hàng xóm mỗi khi thấy anh đi ngang nhà là lại quay về phía ông để khấn vái và lấy giấy ra đốt phong long (dân gian quan niệm là đốt vía, dùng giấy đốt để xả xui). Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi thì người này cho rằng đốt phong long là quyền cá nhân, họ không trù ẻo ai cả. Ông Q lúc đầu cũng hơi khó chịu với với hành động của người hàng xóm, nhưng rồi sau khi nghe chúng tôi tư vấn cũng đã tự an ủi mình “nếu họ làm để trù ẻo mình thì họ cũng chẳng vui vẻ gì, rồi mọi chuyện lâu dần cũng qua". Đúng như ông nghĩ, một thời gian sau, người hàng xóm kia không còn làm hành động trên nữa.

Trong cuộc sống đôi lúc chúng ta phải sống chung với điều mình không thích từ người khác mà có thể gây khó chịu cho bản thân. Việc mất lòng nhau vì khấn vái, đốt phong long xảy ra không hiếm. Nếu chúng ta càng để ý thì bên kia họ càng làm quá lên, mẫu thuẫn đôi bên càng trầm trọng hơn. Tốt nhất là không nên để ý hay quan tâm đến những hành động không ưa của họ thì mình sẽ thấy cuộc sống vui vẻ, nhẹ nhàng hơn.

Trước khi về, anh TVT tươi cười, cảm ơn tôi vì đã lắng nghe anh, chia sẻ cùng anh những câu chuyện. Nhờ đến báo trình bày mà lòng anh cảm thấy nhẹ lòng. Một tuần sau, anh gọi điện cho biết là người kia không còn đốt phong long khấn vái anh nữa.

Phòng tiếp bạn đọc của báo Pháp Luật TP.HCM hầu hết tiếp nhận những trường hợp cần gỡ vướng pháp lý, tuy nhiên thỉnh thoảng cũng có những bạn đọc đến để chia sẻ những câu chuyện "khó lòng biết tỏ cùng ai" như vậy.

Không phải câu chuyện nào của người dân cũng cần phải làm rõ tính đúng sai, cần chính quyền can thiệp; không phải câu chuyện nào của họ cũng lên mặt báo. Việc lắng nghe, chia sẻ cũng một cách đồng hành với bạn đọc vậy.

Mới đây, một bạn đọc tên H cũng đến Phòng tiếp bạn đọc của báo Pháp Luật TP.HCM trải lòng về việc gia đình người hàng xóm gây ồn nhưng rất khó để góp ý.

Anh H mới mua được một căn nhà và dọn đến ở. Hàng xóm xung quanh rất thân thiện và tốt bụng. Nhà kế bên cuối tuần hay tụ họp con cháu, gần 20 người. Do nhà sát nhà nên nhà họ nói gì nhà bạn đọc này nghe được hết. Mặc dù mỗi người cũng không nói to lắm nhưng do đông người nói nên tạo thành tiếng ồn ào cả ngày trời.

Cuối tuần, muốn ở nhà nghỉ ngơi nhưng lại gặp cảnh ồn ào nên anh H rất khó chịu. Nhiều lần định sang góp ý nhưng lại sợ mất tình hàng xóm. Anh cũng hỏi vài người hàng xóm bên cạnh có khó chịu hay không thì được họ cho biết là đã quen rồi, từ trước giờ gia đình họ luôn tụ họp như vậy… Đương nhiên trường hợp này không có quy định pháp luật nào xử lý được vì tiếng ồn trong sinh hoạt của gia đình kia phát ra chắc chắc không thể nào vượt quá giới hạn vi phạm tiếng ồn. Tuy nhiên, vai trò của tổ trưởng dân phố, các đoàn hội trong việc này cần được phát huy để làm trung gian giải quyết những mâu thuẫn, nối kết tình hàng xóm. Vài tuần sau, anh báo tiếng ồn đã có giảm hẳn sau khi anh chia sẻ việc này với tổ trưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm