Bị lừa vì quá cả tin (?)

“Hợp đồng vay tiền có ra công chứng đàng hoàng nhưng không hiểu vì sao công chứng viên lại không phát hiện được hồ sơ giấy tờ giả, để góp phần ngăn chặn sự thiệt hại cho người dân như tôi. Giờ đây gia đình tôi không biết phải làm thế nào để lấy lại số tiền đã cho vay...” - bà Trần Hoàng Lan (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM) phản ánh.

Bà Lan cho biết tháng 7 và tháng 8-2012, bà được một người em họ giới thiệu hai người (một nam, một nữ) đến gặp đề nghị vay tiền. Sau khi bàn bạc thỏa thuận, bà cùng hai người này đến Phòng công chứng số 1 làm hai hợp đồng vay tiền. Bà giữ hai giấy nhà, đất của họ.

 
Vì tin người em họ giới thiệu người đến vay tiền nên bà Lan bị lừa. Ảnh: THÁI HIẾU

Ba tháng sau, đến kỳ hạn thanh toán tiền lãi, bà không thấy hai người vay đóng tiền như giao kết. Bà cùng chồng lần theo địa chỉ ghi trên giấy CMND và hộ khẩu tìm đến nơi ở của người nam đã vay tiền thì mới “té ngửa” đó chỉ là địa chỉ “ma”. Đến tìm hiểu tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, bà biết thêm giấy đất do UBND huyện Hóc Môn cấp mà người này đã thế chấp cho bà cũng là giấy giả.

Thấy chuyện chẳng lành, vợ chồng bà tiếp tục đến nơi ở của người phụ nữ đã vay tiền tại quận Tân Bình xem thực hư ra sao. Tại đây bà phát hiện căn nhà được bán cho một người khác trước đó năm tháng và đã được Phòng công chứng làm hợp đồng mua bán.

Sau một thời gian truy tìm  bà gặp được người phụ nữ nói trên. Khi bị truy hỏi gắt, người này cho biết giấy chủ quyền nhà mà bà Lan đang nắm giữ chỉ là giấy giả, do người em họ của bà sắp xếp làm. Người này được trả công 150 triệu đồng để tiếp tay lừa bà. Hiện người em họ của bà Lan đã bỏ trốn...

Tới đây thì bà Lan chỉ biết than trời và đang nhờ tư vấn cách thức để có thể lấy lại được số tiền đã cho vay!

THÁI HIẾU

 

Cần tố giác với công an

Đối với hợp đồng vay tiền không có thế chấp nhà, đất, công chứng viên không thể và không có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ nhà, đất. Việc giao và giữ giấy chủ quyền nhà, đất do hai bên tự thỏa thuận riêng với nhau. Do vậy công chứng viên không có sai sót trong trường hợp này. Ngoài ra, theo quy định của Luật Công chứng, người yêu cầu công chứng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng.

Thực tế, Phòng đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ giả khi giao dịch và chuyển qua cơ quan công an xử lý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc làm giả giấy tờ quá tinh vi nên công chứng viên cũng không thể phát hiện. Nếu người dân phát hiện có việc làm giả các loại giấy tờ để lừa đảo thì cần báo cho cơ quan công an để điều tra xử lý.

Bà PHAN THỊ BÌNH THUẬN,
Trưởng phòng Công chứng số 1 (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm