Trên Twitter ngày 1-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông vừa nói với Ngoại trưởng Rex Tillerson đừng phí thời gian cố gắng tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên.
“Tôi đã nói với ông Rex Tillerson, vị ngoại trưởng tuyệt vời của chúng ta, rằng ông ấy đang lãng phí thời gian cố gắng tìm kiếm đối thoại với Người đàn ông Tên lửa Bé nhỏ” - ông Trump viết trên Twitter, cụm từ “Người đàn ông Tên lửa Bé nhỏ” ám chỉ đến lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Sở dĩ ông Trump nói vậy vì ngày trước đó trong chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố Mỹ vẫn duy trì cởi mở khả năng đối thoại với ông Kim. Ông Tillerson cho biết Mỹ có nhiều kênh đối thoại trực tiếp với Triều Tiên và sẽ tìm hiểu xem Triều Tiên có hứng thú với đối thoại không.
“Chúng tôi sẽ tìm hiểu, vì thế hãy chờ đợi” - ông Tillerson nói với các nhà báo từ Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Mỹ có tuyên bố dạng này với Triều Tiên dưới thời chính phủ Trump.
Ông Tillerson bày tỏ hy vọng giảm căng thẳng với Triều Tiên - nước đang tiến rất nhanh đến mục tiêu phát triển đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa có thể bắn tới đất Mỹ.
Tuy nhiên, trên Twitter, ông Trump khuyên ông Tillerson: “Giữ năng lượng của ông đi Rex, chúng ta sẽ làm điều phải làm”.
Tổng thống Mỹ Trump khuyên Ngoại trưởng Tillerson đừng phí thời gian tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên. Ảnh: REUTERS
Ông Trump và ông Kim nhiều tuần qua liên tục có những tuyên bố đe dọa lẫn nhau trong bối cảnh căng thẳng quanh các chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên tăng rất cao. Ông Trump liên tục có các phát ngôn từ tấn công cá nhân ông Kim đến đe dọa tấn công quân sự Triều Tiên.
Bản thân ông Trump luôn bác bỏ mọi khả năng đối thoại nhưng cũng thường nói muốn có một giải pháp ngoại giao giải quyết vấn đề Triều Tiên. Sau khi thông báo lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên tháng trước, ông Trump nói vẫn thiên về giải pháp ngoại giao.
Trong một bài viết khác trên Twitter sau đó cùng ngày, ông Trump cho rằng ba người tiền nhiệm - các tổng thống Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama - đã thất bại trước Triều Tiên vì “đối xử dễ thương với Người đàn ông Tên lửa”. Các cuộc thương lượng giữa Mỹ và Triều Tiên trong các đời tổng thống Mỹ trước khi cuối cùng đều thất bại trong việc ngăn chặn Triều Tiên phát triển các chương trình vũ khí. Ông Kim Jong-un kế nhiệm cha mình là ông Kim Jong-il năm 2011, lãnh đạo Triều Tiên thời ông Obama làm tổng thống Mỹ.
“Đối xử dễ thương với Người đàn ông Tên lửa đã không mang lại hiệu quả trong 25 năm qua, vậy lý do gì nó sẽ hiệu quả lúc này? Clinton thất bại, Bush thất bại, Obama thất bại. Nhưng tôi sẽ không” - ông Trump tuyên bố trên Twitter.
Trên Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cũng viết: “Các kênh ngoại giao hiện mở cho ông Kim Jong-un nhưng chúng sẽ không mở mãi mãi”.
Trong khi đó, đảng Dân chủ được dịp công kích ông Trump. Nghị sĩ Dân chủ Adam Schiff, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện viết trên Twitter: “Nếu ông Tillerson lãng phí thời gian, đó chỉ vì sếp ông ấy không hiểu được các hậu quả tàn khốc của chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên”.
Đây không phải là lần đầu ông Trump bất đồng phát ngôn với ông Tillerson về chính sách đối ngoại. Trước đó ông Trump cũng nhiều lần đưa ra nhiều quan điểm trái ngược với không chỉ ông Tillerson mà cả nhiều quan chức an ninh quốc gia khác về chính sách của Mỹ với NATO, Mexico, vùng Vịnh.
Ngoại trưởng Tillerson sẽ từ chức vì bị ông Trump làm bẽ mặt về Triều Tiên? Ảnh: AP
Sự cố mới nhất này một lần nữa khơi dậy đồn đoán về thời gian ông Tillerson ở lại chính phủ Trump.
"Ông Tillerson không chỉ bị làm bẽ mặt mà còn bị cho là vô dụng. Ông ấy sẽ từ chức, hôm nay hoặc không lâu sau đó” - chuyên gia chính sách đối ngoại Dan Shapiro, từng làm trong Hội đồng An ninh Quốc gia chính phủ Obama, dự đoán.
Không chỉ nội bộ Mỹ mới lo ngại về sự ra đi hay ở lại của ông Tillerson mà cả nước ngoài.
“Tổng thống Trump hạ gục Ngoại trưởng Tillerson một cách ngoạn mục sau khi ông Tillerson vừa có các cuộc hội đàm quan trọng ở Trung Quốc. Làm sao điều này có thể tồn tại nữa?” - cựu Thủ tướng bảo thủ Carl Bildt của Thụy Điển, đồng Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, nhận định.
Trên trường thế giới, ông Tillerson luôn tìm cách trấn an các đồng minh rằng Mỹ dưới thời ông Trump vẫn là một đối tác tin cậy nhưng nhiều nước vẫn bi quan ông Tillerson không có ảnh hưởng gì lớn.
Tuy nhiên, ông R.C. Hammond, cố vấn ông Tillerson, bác bỏ đồn đoán rằng ông Tillerson sẽ từ chức vì bất mãn với phát ngôn của ông Trump.
“Bỏ suy nghĩ về việc từ chức đi. Tổng thống chỉ là muốn làm rõ với chính phủ ông Kim rằng Mỹ không mặn mà với đề xuất đối thoại ngoại giao. Các kênh đối thoại đã được mở hàng tháng nay nhưng chúng không được sử dụng và đã trở nên lạnh lẽo” - ông Hammond viết trên Twitter.